Bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản để phát triển bền vững

Điều 30 Luật Khoáng sản quy định rõ việc bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản phải sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường; thực hiện giải pháp ngăn ngừa tác động xấu đến môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường.

Nhiều địa phương tiến hành đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản

Mới đây, UBND huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đã ban hành Kế hoạch tổ chức đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện Duy Xuyên năm 2022.

Cụ thể, địa phương này sẽ tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với mỏ khoáng sản như sau: Đất san lấp trữ lượng địa chất ước tính theo quy hoạch: 505.000 m3, tại điểm mỏ DX70, núi Mỏ Diều, thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Mỏ khoáng sản trên nằm trong quy hoạch khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2691/QĐ-UBND ngày 04/9/2014 của UBND tỉnh Quảng Nam về phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Phương thức tiến hành đấu giá thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đấu giá quy định tại Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC ngày 09/9/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Thời gian tổ chức đấu giá trong quý II/2022. Tuy nhiên, nếu công tác chuẩn bị chưa thực hiện được trong quý II/2022 thì sẽ được chuyển sang đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong thời gian tiếp theo.

Tương tự, ngày 6/5 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 1100/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước, tổng vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản và phương án đấu giá các mỏ đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh lần 1 năm 2022.

Tổng số khu vực mỏ đấu giá lần này gồm 27 điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp tại các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa, TX. Quảng Trị và TP. Đông Hà.

Hình ảnh vụ khai thác khoáng sản (đất) trái phép tại Phong Bình, huyện Gio Linh vừa bị lực lượng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Trị bắt giữ ngày 28/4 vừa qua. (Ảnh: Hoa Hướng Dương)

Đáng chú ý, tất cả các khu vực mỏ đưa ra đấu giá chưa được thăm dò, đánh giá trữ lượng nhưng đã được thực hiện điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản với tài nguyên dự báo cấp 333, 334 a; chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).

Nội dung văn bản nêu rõ về GPMB khu vực mỏ đấu giá: “Hiện trạng sử dụng đất tại các khu vực mỏ đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản đều có tài sản gắn liền với đất; diện tích đất đã giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Do vậy, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải thực hiện GPMB trước khi thuê đất và hoạt động khai thác khoáng sản”.

Quyết định 1100/QĐ-UBND trên của UBND tỉnh Quảng Trị cũng quy định rõ về giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước, tổng vốn đầu tư của các dự án đầu tư khai thác khoáng sản; thời gian thông báo, tiếp nhận, xét hồ sơ tham gia đấu giá; đối tượng, điều kiện và hồ sơ tham gia đấu giá; tiêu chí xét chọn hồ sơ tham gia đấu giá; tổ chức đấu giá; lấy ý kiến cộng đồng dân cư… Được biết, tổng giá khởi điểm của các mỏ đất làm vật liệu san lấp trên là hơn 23,3 tỷ đồng.

Gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010, Bộ luật hình sự năm 2015 đã đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khoáng sản nói riêng.

Điều 30 Luật Khoáng sản quy định rõ việc bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản là phải sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường; thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật; phải thực hiện các giải pháp và chịu mọi chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường;

Giải pháp, chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường phải được xác định trong dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của Chính phủ. Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Nghị định; 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và gần 50 Thông tư, Thông tư liên tịch để quy định, hướng dẫn thực hiện.

Năm 2014, Luật bảo vệ môi trường ban hành tiếp tục có quy định chi tiết, cụ thể hơn về “Bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản” so với quy định về bảo vệ môi trường trong Luật khoáng sản năm 2010 như: Phải có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường, phải thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn; có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, khí thải độc hại và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh;

Phải có kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường cho toàn bộ quá trình thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; phải lưu giữ, vận chuyển khoáng sản có tính chất độc hại bằng thiết bị chuyên dụng, được che chắn tránh phát tán ra môi trường;

Việc sử dụng máy móc, thiết bị có tác động xấu đến môi trường, hóa chất độc hại trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; việc thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến dầu khí, khoáng sản khác có chứa nguyên tố phóng xạ, chất độc hại, chất nổ phải thực hiện quy định của pháp luật bảo vệ môi trường và pháp luật về an toàn hóa chất, an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân…

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định tại Điều 78 và 79 Luật Khoáng sản, chi tiết thực hiện theo Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản

– Điều 78, 79 và 82 Luật Khoáng sản:

Điều 78. Khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản

1. Đấu giá quyền khai thác khoáng sản thực hiện ở các khu vực hoạt động khoáng sản, trừ khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

2. Chính phủ quy định tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật này.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật này.

Điều 79. Hình thức, nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản bao gồm:

a) Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản;

b) Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Chính phủ quy định nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Điều 82. Thẩm quyền cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.

Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nào thì có quyền gia hạn, thu hồi, chấp thuận trả lại loại giấy phép đó; chấp thuận trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản; chấp thuận chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản, quyền khai thác khoáng sản.