Khai thác cát uy hiếp công trình thủy lợi

Hàng chục năm qua, hoạt động khai thác cát chẳng những làm thay đổi dòng chảy của các dòng sông gây xói lở bờ sông, mà còn gây hư hỏng những đập dâng trên sông.

Lấp “lỗ hổng” trong cấp phép khai thác cát

Nhu cầu về cát xây dựng ngày càng tăng cao. Do đó, hoạt động khai thác cát trên các sông lớn ở Bình Định như: Sông Lại Giang, sông Hà Thanh, sông La Tinh và sông Kôn ngày càng rầm rộ. Chưa kể hoạt động khai thác cát trái phép, hầu hết các mỏ cát đều được ngành chức năng cấp phép với những quy định cụ thể, ví như phạm vi khai thác; bề rộng, chiều dài, độ sâu của điểm khai thác cát; thời gian khai thác… Tuy nhiên, không quy định thời gian khai thác trong năm, lỗ hổng này dẫn tới nạn các đơn vị được cấp phép tranh thủ khai thác miệt mài, không trả lại mặt bằng đáy sông trước những mùa mưa lũ. Lũ về, dòng chảy các dòng sông bị biến dạng gây xói lở bờ sông.

Ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, nêu ví dụ: “Ví như một mỏ cát được cấp phép khai thác 3 năm, trước khi khai thác, nhà thầu phải đổ con đường kiên cố từ đường giao thông nối ra giữa lòng sông để xe tải vận chuyển cát. Trước mùa mưa lũ nhà thầu không phá bỏ những con đường này mà cứ để nguyên năm sau khai thác tiếp. Lũ về, những con đường này cản đường thoát lũ của các dòng sông, làm biến dạng dòng chảy, nước lũ bị bít lối thoát sẽ tạo dòng xoáy, phá toát bờ sông bên kia”.

Lòng sông An Lão (Bình Định) bị hoạt động khai thác cát băm nát. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp Bình Định đã kiến nghị UBND tỉnh cần quy định cụ thể thời gian khai thác cát trong năm, trả lại mặt bằng lòng sông để đón lũ. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành văn bản quy định về thời gian thực hiện hoạt động khai thác cát trong năm trên địa bàn tỉnh này. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đồng ý chủ trương cho phép các doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác cát trên các dòng sông chỉ được hoạt động khai thác cát từ ngày 1/1 đến hết ngày 15/9 hàng năm; sau khi hết hạn khai thác cát nêu trên, các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện việc tạm ngừng mọi hoạt động khai thác cát theo quy định.

Trong khoảng thời gian từ ngày 16/9 đến hết ngày 30/9 hàng năm, doanh nghiệp khai thác cát phải hoàn thành việc thanh thải dòng chảy, thu dọn đường công vụ trên sông để thông thoáng dòng chảy trong mùa mưa lũ. Qua năm sau, khi được phép khai thác trở lại, doanh nghiệp phải có báo cáo bằng văn bản cho Sở TN-MT tỉnh và chính quyền để tiến hành kiểm tra, giám sát theo đúng quy định. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng giao cho Sở TN-MT tỉnh này làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện ý kiến chỉ đạo trên theo đúng quy định.

Khai thác cát khiến cao trình lòng sông An Lão (Bình Định bị hạ thấp, dòng chảy bị biến dạng vào những mùa mưa lũ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Còn 1 điều đáng quan ngại nữa là khi ngành chức năng cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát không quy định tải trọng cho những xe vận chuyển cát đi trên đê, đập; xe chở quá tải trọng sẽ gây hư hỏng đê, đập, mỗi lần sửa chữa mất cả hàng chục, hàng trăm tỷ đồng”, ông Hồ Đắc Chương lo lắng.

Khai thác cát uy hiếp đập dâng trên sông

Hoạt động khai thác cát trên sông ở Bình Định rầm rộ hàng chục năm qua làm xói lở hạ lưu các đập dâng, đó chính là nỗi nhức nhối trường kỳ của ngành thủy lợi tỉnh này. Theo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định, hiện đơn vị này đang quản lý 22 đập dâng lớn nằm trên các sông Lại Giang, La Tinh, Hà Thanh và sông Kôn. Hầu hết các đập dâng do công ty quản lý được xây dựng đã lâu, hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng, đa số bị xói lở hạ lưu đập, nhiều nơi bị xói sâu từ 3-5m, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do hoạt động khai thác cát trên sông dẫn đến cao trình đáy sông bị biến đổi gây xói lở, ảnh hưởng đến an toàn của công trình.

Lượng cát khai thác ở sông An Lão (Bình Định) trong nhiều năm qua là rất lớn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, nêu dẫn chứng: Từ năm 2016, hạ lưu đập Lại Giang thuộc hệ thống sông Lại Giang bị 3 hố xói tại khoang điều tiết số 3, số 5 và số 7. Hố xói tại khoang số 3 có chiều dài 11m, rộng 35m; hố xói ở khoang số 5 dài 22m, rộng 37m; hố xói ở khoang số 7 dài 15m, rộng 21m; độ xói sâu từ 0,4-1,8m so với ngưỡng đập. Nguyên nhân do mỏ cát khai thác cách hạ lưu đập chỉ 400m, hoạt động khai thác nối tiếp ngày đêm. Còn đập Lão Tâm thuộc hệ thống sông Kôn cao trình đáy sông cách thượng lưu đập 200m bị xói sâu dọc theo chân đê thấp hơn ngưỡng đập đến 5,5m; cao trình đáy sông phía hạ lưu tiếp giáp với sân sau bị xói sâu thấp hơn ngưỡng đập 8,18m. Nguyên nhân cũng do khai thác cát tại hạ lưu cách đập chỉ 100-150m và 1 điểm khai thác khác cách thương lưu đập chỉ 70m.

“Hoạt động khai thác cát trên sông tiếp diễn khoảng 15 năm nay đã làm cao trình các đáy sông hạ xuống rất nhanh. Do đó, các đập dâng, chân kè và cao trình bể hút các trạm bơm bị hỏng trên cao. Ví như đập Bảy Yển ở xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn hiện đáy sông thấp hơn sân sau đập từ 1,5-2m. Trước đây, khi chưa có hoạt động khai thác cát thì cao trình đáy sông bằng hoặc chỉ thấp hơn cao trình bể hút chỉ 1-2cm. Tình trạng trên gây mất an toàn cho công trình, làm xói lở sân sau đập. Như đập Lại Giang bị sập bể tiêu năng, nếu không kịp thời sửa chữa, thân đập sẽ bị nước lũ cuốn. Hạ lưu đập Lại Giang vừa sửa xong, phải hạ xuống ngang cao trình đáy sông. Hoặc như đập Lão Tâm hiện phía sau có hố sâu so với cao trình ngưỡng đập đến 8m, con đập nhô lên cao không biết bị trượt, lật lúc nào. May nhờ có nguồn vốn khắc phục thiên tai của tỉnh nên đập Lão Tâm chuẩn bị khởi công sửa chữa với kinh phí gần 200 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Phú cho hay.

Cát trong suối Bà Lễ thuộc thôn Thuận Phong, xã Cát Lâm (huyện Phù Cát, Bình Định) cũng bị “cát tặc” khai thác trái phép. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức kiểm tra 1 số đập dâng trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra ghi nhận việc khai thác cát, cả các mỏ cát được cấp phép và khai thác trái phép, đã góp phần làm ảnh hưởng đến dòng chảy các sông, làm xói lở đập. Mặc dù việc cấp phép khai thác cát được thực hiện chặt chẽ, thống nhất ý kiến từ địa phương đến các ngành liên quan trước khi được UBND tỉnh phê duyệt, thế nhưng công tác hậu kiểm, giám sát còn lơi lỏng dẫn tới tình trạng khai thác sai quy định.

“Chúng tôi đã chỉ đạo ngành chức năng cấp phép khai thác cát tại các bãi bồi, bờ lồi các sông với chiều sâu tối đa không quá 2m; không đề xuất cấp phép, gia hạn đối với các mỏ cát nằm trong phạm vi đập dâng tối thiểu 2km để đảm bảo an toàn công trình. Chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát tại lưu vực các sông trên địa bàn, nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định. Yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác cát tại các địa phương phải có bảng thông tin tại khu vực mỏ để công bố công khai phạm vi, chiều sâu khai thác để nhân dân giám sát”, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.