Quyết liệt ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép

Thời gian qua, tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép trên sông, suối, cửa biển tiếp tục diễn biến phức tạp, không chỉ làm thất thoát tài nguyên, thất thu thuế của Nhà nước mà còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đê kè, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản, tính mạng và cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Trước thực trạng trên, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP), Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các địa bàn giáp ranh và khu vực biên giới biển, phát hiện, xử lý nhiều chủ phương tiện vi phạm.

Từ tháng 4-2017 đến nay, các đơn vị BĐBP tuyến biển đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 700 vụ/1.741 đối tượng cùng 930 phương tiện tàu thủy; tạm giữ 131.327m3 cát, 282 máy hút cát. Ngày 29-12-2021, tại sông Soài Rạp, địa bàn xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, Cục PCMT&TP đã tạm giữ hai phương tiện mang số hiệu BV-1984 và BV-1971 vận chuyển trái phép tổng cộng 750m3 cát san lấp. Vào lúc 24 giờ ngày 31-12-2021, tại khu vực luồng hàng hải Soài Rạp, đoạn giáp ranh giữa xã Lý Nhơn với xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), hàng chục chiếc sà lan dàn hàng ngang trên biển, thi nhau đưa những ống hút dài hàng chục mét xuống đáy biển để hút cát.

Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng bắt giữ tàu hút cát trái phép trên sông Soài Rạp. (Ảnh do đơn vị cung cấp).

Tuy nhiên, ngay sau đó, các đối tượng đã bị BĐBP TP Hồ Chí Minh bắt giữ và đưa vào bờ. Theo các lực lượng chức năng, lợi dụng vùng biển Cần Giờ là cửa ngõ giao thông thủy, các đối tượng khai thác cát trái phép thường cấu kết với chủ phương tiện vận chuyển, chủ kinh doanh cát, sử dụng hợp đồng mua bán, hợp đồng vận chuyển cát từ nhiều mỏ cát ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long để hợp thức hóa nguồn gốc cát khai thác trái phép ở huyện Cần Giờ.

Hiện nay, hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép trên các địa bàn do BĐBP quản lý cơ bản đã được kiểm soát, không phát sinh các “điểm nóng” ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Tuy nhiên, tình trạng lén lút khai thác, vận chuyển cát trái phép vẫn còn diễn ra tại một số khu vực ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang… Ngày 7-12-2021, Cục PCMT&TP ban hành Kế hoạch số 114/KH-CPCMT&TP về đấu tranh chống hoạt động khai thác, vận chuyển trái phép cát trên khu vực biên giới biển. Sau hơn một tháng triển khai kế hoạch, tính đến ngày 20-1-2022, BĐBP đã bắt 7 vụ/82 đối tượng, tạm giữ 14 phương tiện, tịch thu 6.490m3 cát.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục PCMT&TP cho biết: “Do lợi nhuận lớn nên hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép diễn biến phức tạp, với phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động. Các đối tượng thường lợi dụng giấy phép khai thác cát hợp pháp, giấy phép nạo vét luồng lạch để khai thác vượt phạm vi, quá số lượng và sử dụng sai mục đích. Khi bị bắt giữ thì tìm cách hợp thức hóa giấy tờ thông qua hợp đồng mua bán mỏ, thuê khai thác, thuê vận chuyển hoặc lấy lý do trời tối, sóng gió nên khó xác định chính xác tọa độ dẫn tới khai thác nhầm vị trí, phạm vi…

Bên cạnh đó, họ thường khai thác cát vào đêm tối, thời điểm thời tiết xấu; khi phát hiện lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, họ thông báo cho các đối tượng đang khai thác cát trái phép rút vòi bơm, xả bỏ cát và chạy trốn. Nhiều trường hợp còn chống trả lực lượng thi hành công vụ và đánh chìm phương tiện để phi tang”. Theo luật sư Trần Văn Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội), theo Điều 48, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24-3-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, mức phạt cao nhất đối với hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền lên đến 200 triệu đồng, đồng thời buộc nộp số tiền tương đương với khối lượng cát đã khai thác trái phép, tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm. Quy định xử phạt khá nặng, nhưng vì lợi nhuận lớn, không ít đối tượng vẫn lén lút hoạt động.

Để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, Cục PCMT&TP đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh nhấn mạnh: “Chúng tôi đã tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố thực hiện đúng các chủ trương, định hướng trong điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản và chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, trừ lùi trữ lượng cát đã cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác, tránh việc lợi dụng khai thác vượt trữ lượng.

Tiếp tục điều tra, rà soát các mỏ cát đã được cấp phép khai thác, điều chỉnh các mỏ cấp phép chồng lấn vào khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân hoặc cùng một khu vực nhưng nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác dẫn đến tranh chấp, gây mất an ninh trật tự khu vực biên giới; tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật. Bên cạnh đó, chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của chỉ huy các cấp, nhất là người đứng đầu, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiếp tay cho hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép trên khu vực biên giới”.