Đắk Lắk: Rừng sinh thái Bản Đôn liên tục bị tàn phá

ThienNhien.Net – Từ đầu năm 2015 đến nay, rừng sinh thái Bản Đôn (ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) liên tục bị tàn phá nghiêm trọng. Chỉ trong vòng 5 tháng, lâm tặc đã 2 lần qua mặt chủ rừng vào “mở hội” trong rừng, chặt phá cả trăm cây gỗ quý.

Rừng tan hoang

Vào năm 2005, Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (Dakruco) được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho hơn 1.300ha đất rừng (ở xã Krông Na) để làm khu du lịch sinh thái. Đến năm 2013, Dakruco bàn giao diện tích rừng này cho Công ty CP Thương mại và Du lịch Bản Đôn (gọi tắt là Công ty Bản Đôn) để đơn vị này tiếp tục kinh doanh du lịch. Do kinh doanh không có hiệu quả, khu du lịch này ngày càng trở nên vắng khách và không lâu sau đó đã ngừng hoạt động. Theo phản ánh của người dân địa phương, mấy tháng gần đây, cả trăm cây gỗ quý tại rừng sinh thái Bản Đôn đã bị lâm tặc khai thác trái phép.

Chiều 13/5, chúng tôi theo chân chị L.T.T.V. (ở xã Krông Na) để vào Khu du lịch sinh thái Bản Đôn. Từ cổng chính qua trung tâm khu du lịch, men theo con đường bê tông gần 2km, chẳng mấy chốc có thể thấy nhiều cây gỗ lớn (đường kính khoảng 0,4m) bị đốn hạ ven đường. Rẽ theo các lối mòn, chúng tôi chứng kiến hàng chục cây căm xe, cà chít… nằm ngổn ngang. Nhiều cây gỗ bị đốn hạ từ lâu, lâm tặc đã lấy đi phần “nạc”, chỉ còn lại phần thân ngọn và lá nằm chỏng chơ; nhiều cây mới bị hạ, nhựa ứa quanh gốc, thân khá tươi và lâm tặc chưa kịp lấy gỗ đi; nhiều cây bị sâu phần thân, lâm tặc cưa hạ rồi bỏ đó.

15052015_rungsinhthaibandon

15052015_rungsinhthaibandon2
Một cây gỗ lim đốn hạ ngay cạnh đường bê tông của rừng sinh thái. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)

Theo người dẫn đường, điểm này có khoảng 60 – 70 cây gỗ quý vừa bị chặt hạ cách đây hơn 10 ngày. Nếu tính với một số điểm khác, số gỗ quý bị lâm tặc chặt hạ lên tới cả trăm cây. Trong số này, có những cây lim xẹt lớn, đường kính khoảng trên 1m, còn lại chủ yếu cà chít, căm xe đường kính từ 0,3 – 0,6m. Sau khi hạ cây, lâm tặc thường xẻ gỗ thành các lóng tròn (dài từ 1 – 1,5m) ngay tại gốc và vận chuyển ra ngoài bằng các máy cày độ chế.

Mặc dù khu rừng bị phá rất gần trung tâm khu du lịch sinh thái Bản Đôn, hiện là trụ sở hành chính của mình nhưng ông Nguyễn Hữu Thành (Phó Giám đốc Công ty Bản Đôn) lại không hay biết việc này. Ông Thành cho biết: “Trách nhiệm chính trong việc quản lý bảo vệ rừng là của Công ty Cao su Đắk Lắk, chúng tôi chỉ phối hợp khi có yêu cầu. Tuy nhiên, công ty mới hoạt động lại vào tháng 4/2015, hiện chỉ có 1 nhân viên bảo vệ tài sản nên việc phối hợp gần như là không thể. Việc hàng chục cây gỗ bị phá gần đây, chúng tôi hiện chưa nắm được thông tin”.

“Qua mặt” lực lượng bảo vệ rừng

Vào tháng 3/2015, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định thu hồi 200ha rừng sinh thái để giao cho Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, diện tích rừng còn lại hiện vẫn do Dakruco quản lý bảo vệ. Trước đó, vào ngày 13/1/2015, Dakruco đã tăng cường 1 Tổ bảo vệ gồm 5 người thuộc lực lượng bảo vệ chuyên trách hỗ trợ Công ty Bản Đôn thực hiện công tác bảo vệ rừng nhưng Công ty Bản Đôn không cử người tiếp nhận, buộc phải rút về. Ngày 13/2, Dakruco tiếp tục tăng cường 10 người xuống bảo vệ khu rừng sinh thái và hiện còn lại 9 thành viên.

Hàng chục cây gỗ trong rừng sinh thái Bản Đôn bị lâm tặc chặt hạ. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)
Hàng chục cây gỗ trong rừng sinh thái Bản Đôn bị lâm tặc chặt hạ. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)

Theo ông Lê Tấn Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, chủ rừng phải có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ rừng, trong trường hợp nghiêm trọng có thể yêu cầu chính quyền địa phương phối hợp. Nhưng do kinh doanh không hiệu quả, Dakruco đã buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng, tạo cơ hội cho lâm tặc vào chặt hạ nhiều cây gỗ quý. Sau khi UBND xã Krông Na báo cáo sự việc, vào tháng 9/2014, UBND huyện Buôn Đôn đã điều động Đoàn 12/08 của huyện túc trực thường xuyên tại rừng sinh thái Bản Đôn, ngăn chặn đáng kể tình trạng chặt phá rừng tại đây. Nhưng đến cuối năm 2014, sau khi Đoàn 12/08 rút, tình trạng phá rừng tại rừng sinh thái lại tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện các vụ phá rừng quy mô lớn.

“Ngay sau dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, chính tôi đã phát hiện một số xe máy cày chở gỗ từ trong rừng sinh thái Bản Đôn ra. Lần theo dấu vết, tôi đã phát hiện có hàng chục cây gỗ trong rừng sinh thái đã bị lâm tặc chặt hạ, lấy đi nhiều khối lượng gỗ. Tôi đã báo cáo sự việc này lên UBND huyện và Hạt kiểm lâm nhưng đến nay vẫn chưa được phản hồi thông tin cụ thể” – ông Dũng nói.

Một số lóng gỗ lâm tặc đã xẻ tại gốc nhưng chưa kịp đưa ra ngoài. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)
Một số lóng gỗ lâm tặc đã xẻ tại gốc nhưng chưa kịp đưa ra ngoài. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)

Trước đó, vào ngày 10/3, Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn đã phối hợp với Công an huyện, Đoàn 12/08 và UBND xã Krông Na tổ chức kiểm tra rừng sinh thái và phát hiện 72 cây gỗ (chủ yếu là cà chít) có đường kính từ 17 – 62cm, thuộc Tiểu khu 469 (rừng sản xuất) vừa bị cưa hạ cách đó 2 – 3 ngày. Tại hiện trường, có 23 cây đã bị lâm tặc lấy mất phần thân (chưa xác định được khối lượng gỗ), sau đó vận chuyển bằng bằng xe máy cày.