500ha rừng trồng vô chủ: Không kê khai sẽ thành rừng do Nhà nước quản lý

Chính quyền yêu cầu người dân, cán bộ nào có trồng rừng trên diện tích đất rừng bị xâm chiếm cần đến kê khai để quy chủ. Nếu không kê khai, 500ha rừng trồng vô chủ đó sẽ thuộc quản lý của Nhà nước, lúc đó cá nhân nào khai thác sẽ bị xử lý.

Sau nhiều lần thông báo tìm chủ của 496ha rừng trồng trên đất rừng bị lấn chiếm, ngày 19.9, lãnh đạo UBND xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) xác nhận, vẫn không có trường hợp nào đến nhận.

Về chủ nhân của gần 500ha rừng trồng vô chủ nói trên, theo lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ, thì “nghe nói” có rừng của cán bộ, cán bộ trong lực lượng vũ trang. Về nguồn gốc, một số người thì trực tiếp xâm lấn đất rừng để trồng rừng, một số thì mua lại diện tích đất rừng bị xâm lấn từ các hộ dân.

Diện tích đất rừng ở xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) được trả lại cho nhà nước quản lý sau khi Báo Lao Động có loạt bài phản ánh việc Giám đốc Cty TNHH Lâm nghiệp Đường 9 xâm chiếm đất rừng để làm trang trại. Ảnh: Hưng Thơ.

Trước mắt, để tránh tình trạng cán bộ “bật đèn xanh đèn đỏ” với người ngoài khai thác diện tích rừng trồng nói trên, UBND huyện Cam Lộ sẽ ra văn bản, trong đó nhấn mạnh: Cán bộ nào có rừng thì phải đến kê khai để quy chủ. Nếu không kê khai mà lén lút khai thác, hoặc tiếp tay khai thác rừng, bị phát hiện sẽ xử lý nặng.

Ông Ngô Quang Chiến – Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho hay, chỉ có 1 đường độc đạo vào diện tích gần 500ha rừng trồng nói trên. Nếu không được quy chủ, thì khó mà khai thác trót lọt được. “Tôi giao cho lực lượng công an và kiểm lâm rồi, nếu diện tích nào không được quy chủ mà khai thác thì xử lý ngay” – ông Ngô Quang Chiến, nói.

Cũng theo ông Chiến, nếu hộ nào đến quy chủ, khi cây rừng đến tuổi, huyện sẽ tạo điều kiện để hộ được quy chủ đó khai thác với điều kiện họ cam kết trả lại đất. Tiếp đó, nếu hộ được quy chủ đó thực sự thiếu đất, có hộ khẩu ở địa phương thì sẽ được tạo điều kiện cấp cho một diện tích đất để canh tác.

Hiện ở diện tích rừng đó có 1 đường độc đạo, nếu ai khai thác cây mà không xuất trình được giấy tờ nguồn gốc sử dụng đất trước khi khai thác, ai rõ ràng thì cho khai thác và phải cam kết khai thác xong thì trả lại đất. Ông Chiến còn thông tin, từ danh sách do chủ rừng trước đây cung cấp, địa phương có mời một số người xâm chiếm đất rừng đến kê khai rừng để quy chủ, nhưng nhiều người không nhận, có người còn phản ứng và chửi cả cán bộ.

Trước đó, LĐO có bài viết “Bất ngờ 500ha rừng trồng trên đất rừng bị lấn chiếm “vô chủ”, thông tin Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 bàn giao hơn 600ha đất rừng cho UBND huyện Cam Lộ theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên trên diện tích 496ha có trồng rừng keo tràm hơn 2 năm tuổi, nhưng hiện vẫn không ai nhận là chủ nhân. Theo danh sách của công ty nói trên cung cấp, thì trong số diện tích đất bị lấn chiếm, có tên của một số người nhà cán bộ, cán bộ…

Liên quan đến thông tin lấn chiếm đất rừng nói trên, năm 2019 Báo Lao Động có loạt bài viết “Giám đốc công ty lâm nghiệp xâm chiếm đất rừng”, đề cập đến việc Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 chiếm một diện tích đất để làm trang trại. Cùng thời điểm, công ty này bị lấn chiếm gần 1.000 ha đất rừng được Nhà nước giao cho công ty quản lý. Sau khi báo đăng, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra. Vị giám đốc bị kiểm điểm và phải trả lại toàn bộ diện tích đất lấn chiếm.