Khởi tố vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn sông Cu Đê

ThienNhien.Net – Ngày 19-6, Cơ quan CSĐT CAH Hòa Vang (Đà Nẵng) tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Trịnh Kim Hùng (1966, trú P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) về hành vi “Hủy hoại rừng”. Đây là vụ án đang được dư luận quan tâm bởi vụ việc kéo dài cả tháng mới bị cơ quan chức năng phát hiện…

Theo điều tra ban đầu, mặc dù không được sự cho phép của cơ quan Nhà nước, nhưng do có nhu cầu về đất làm trang trại chăn nuôi gia súc, nên đầu năm 2015, Hùng nhờ ông Nguyễn Hậu (1954, trú cùng địa phương) đưa đến Tiểu khu 15 thuộc địa phận thôn An Định (xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang) chọn lựa vị trí phù hợp và dùng sơn đánh dấu khoanh vùng khu vực rừng cần chặt phát. Ngày 10-5, Nguyễn Văn Tín (1982, trú Tây Thành, H. Yên Thành, Nghệ An) biết được Hùng cần thuê người phát rừng nên liên hệ và thỏa thuận với giá 4 triệu đồng/ha.

Trịnh Kim Hùng khai nhận vụ việc với CAH Hòa Vang. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Trịnh Kim Hùng khai nhận vụ việc với CAH Hòa Vang. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Sau khi thống nhất giá cả, Tín cùng Nguyễn Văn Đương (1968), Nguyễn Văn Lý (1970), Nguyễn Văn Liên (1982, cùng trú H. Yên Thành), Mai Kim Sự (1977, trú H. Cát Tiên, Lâm Đồng), Nguyễn Văn Hiệp (1998, trú H. Định Quán, Đồng Nai) tổ chức ăn ở tại chỗ, lao động chặt phát cây rừng. Ngày 25-5, Hùng tiếp tục thuê xe múc đất BKS 43LA-0127 của ông Nguyễn Như Quốc (trú xã Hòa Sơn, H. Hòa Vang) lên khu vực phát cây mở rộng đường, đào ao chứa nước… Đến ngày 10-6, trong lúc nhóm Tín chờ Hùng lên hiện trường nghiệm thu, thanh toán tiền công thì lực lượng kiểm lâm Hòa Vang tuần tra, phát hiện…

Khu rừng bị chặt phá chạy dọc theo con đường lâm nghiệp đã có trước đây nối liền với P. Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu), gồm 3 khu vực liền kề nhau với tổng diện tích thiệt hại 5,3ha là rừng phòng hộ đầu nguồn sông Cu Đê đã được UBND TP phê duyệt “Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020”. Số cây rừng bị chặt hạ gồm 2.436 cây có đường kính từ 10-24cm và 9.344 cây có đường kính từ 5cm đến dưới 10cm đã chuyển sang màu khô úa… Được biết, cũng với hành vi hủy hoại 2,6ha rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Đồng Nghệ (xã Hòa Khương), ngày 6-6, ông Thái Văn Hiệp (1963, tạm trú xã Hòa Khương) đã bị TAND H. Hòa Vang xét xử lưu động, tuyên phạt 36 tháng tù…

Thời gian qua, trên địa bàn Hòa Vang liên tiếp xảy ra các vụ phát lấn chiếm đất rừng, gây ảnh hưởng tới tình hình ANTT, môi trường. Năm 2014, sau khi xảy ra các vụ cháy rừng, lực lượng chức năng mới phát hiện các hộ dân Nguyễn Trường (1968), Nguyễn Văn Phước (1977), Nguyễn Xuân Sĩ (1986, cùng trú thôn Trước Đông, xã Hòa Nhơn) phát lấn chiếm đất rừng, khi xử lý thực bì đã để cháy lan diện tích 2,2ha rừng đầu nguồn. Còn vụ cháy rừng ở Hố Chùi (xã Hòa Phú), chính quyền các cấp phải huy động gần 1.000 người cùng với các phương tiện tham gia chữa cháy suốt 2 ngày đêm cũng bắt nguồn từ việc ông Đặng Phước Dũng (1976, trú địa phương) phát lấn chiếm hơn 0,4ha. Do bất cẩn trong khâu xử lý thực bì gây cháy lan ra khu rừng đặc dụng và sản xuất với diện tích hơn 106ha…

Khu rừng bị chặt phát chuyển màu khô úa. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Khu rừng bị chặt phát chuyển màu khô úa. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Rõ ràng, mục đích phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp của các hộ dân trên không phải là do nhu cầu bức xúc về đất ở, đất canh tác mà chủ yếu là mở rộng diện tích đất trồng cây, làm trang trại hoặc sau này có thể sang nhượng lại cho người khác một cách trái phép để thu lợi.

Xe múc đất đào ao chứa nước tại hiện trường. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Xe múc đất đào ao chứa nước tại hiện trường. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Thực trạng đáng quan ngại trên cho thấy, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, nhất là trong việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép tại các địa phương vẫn còn nhiều lúng túng. Một số địa phương chưa thấy được vai trò, trách nhiệm của mình, nhất là công tác bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên nên chưa kịp thời, chưa có biện pháp ngăn chặn các điểm nóng về phá rừng. Trong lúc đó, phần lớn các vụ phá rừng chủ yếu liên quan đến người dân địa phương, nhưng việc phát hiện tìm ra thủ phạm lại gặp rất nhiều khó khăn.

Thiết nghĩ, để quản lý và phát triển rừng hiệu quả, thời gian đến, H. Hòa Vang cần phải huy động được sự tham gia của các ngành, các cấp, đặc biệt là nhân dân. Do vậy, các cấp chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân; tiếp tục thực hiện chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng, trên tinh thần từng địa phương chủ động xây dựng kế hoạch với lực lượng kiểm lâm địa bàn kiểm tra, xử lý triệt để những vụ việc vi phạm ngay từ cơ sở.