Hà Nội: Di dân trong vùng ngập để đảm bảo cuộc sống, phòng chống thiên tai

Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng việc di dân trong vùng ngập úng là vấn đề cấp bách và hiệu quả nhất để đảm bảo cuộc sống cho người dân, phòng chống thiên tai.

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng thông tin tại hội nghị về công tác phòng chống thiên tai. Ảnh: Trọng Toàn

Chiều 8.9, tại buổi họp báo do Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Hoàng Minh Hiến – Phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ đã có thông tin về kết quả phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng trên địa bàn huyện 8 tháng đầu năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ đến hết năm 2020.

Theo ông Hiến, địa phương đã xây dựng phương án và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2020 trên phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”.

Chính quyền địa phương tiếp tục đôn đốc thi công công trình xử lý cấp bách sự cố để điều. Đến nay các công trình để điều, thủy lợi đã sẵn sàng đáp ứng cho nhiệm vụ phòng, chống lụt bão.

Cũng tại buổi họp, báo chí cũng đặt câu hỏi: “Năm 2018 trận lũ lịch sử xảy ra tại địa bàn huyện Chương Mỹ khiến Đê Tả Bùi ngập lụt, phải di dời người dân đi nơi khác. Đến nay Chương Mỹ đã có biện pháp gì trong việc đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ?”.

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, huyện Chương Mỹ có diện tích lớn và dân số đông hơn so với một số quận huyện ở Hà Nội. Địa phương cũng có 3 con sông chảy qua như sông Tích, sông Đáy, sông Bùi. Đặc biệt hàng năm các xã ven sông chịu sự ảnh hưởng từ các cơn mưa ở con sông ở Tây Bắc đổ về. Khi nước đổ về rất nhanh, sông Bùi hứng chịu lượng nước vô cùng lớn.

Theo ông Hùng, năm 2017-2018 các xã ven sông Bùi liên tiếp chịu cảnh ngập úng. Đặc biệt năm 2018 có 3642 hộ bị ngập sâu trong nước, kéo dài gần 1 tháng.

Ông Hùng cho biết, do những điều kiện trên, về mặt chiến lược của huyện hàng năm không để lũ lụt ảnh hưởng nặng nề đến người dân, mà biện pháp an toàn nhất là di dân trong vùng ngập úng ra khỏi vùng thoát lũ của TP Hà Nội.

“Muốn thực hiện công tác di dân thì chúng tôi rất mong được sự hỗ trợ của chính quyền Hà Nội, giao cho các sở ban ngành phối hợp với địa phương nghiên cứu quy hoạch chuyển dân, đảm bảo an toàn. Dự kiến đến năm 2030-2050 mới thực hiện được công tác di dân vì còn nhiều vấn đề liên quan như đời sống sản xuất, phong tục tập quán. Chính vì thế, di dân là biện pháp hiệu quả nhất”, ông Hùng nhấn mạnh.

Trước mắt ông Hùng cũng đề nghị UBND TP Hà Nội ưu tiên củng cố, nâng cấp đê tả Bùi và hữu Bùi. Từ đó ngăn cản được nước từ thượng nguồn chảy về, giúp người dân sớm đảm bảo cuộc sống, phòng chống thiên tai.

Vấn đề này, ông Hùng cho biết đã được Bộ NN&PTNT và UBND TP Hà Nội về khảo sát và thí điểm 1,5km. Dự án cải tạo, nâng cấp đê tả Bùi được Bí thư Thành ủy cho ý kiến cần triển khai dự án này. Tuy nhiên với tình hình hiện nay vẫn chưa được phê duyệt, chính vì thế việc di dân là vấn đề cấp bách và hiệu quả nhất.

“Chương Mỹ cần quy hoạch lại hệ thống giao thông, trụ sở, quy hoạch trường học, các công trình công cộng. Khi có nước lũ dâng cao thì việc di dời diễn ra nhanh chóng nhất” – ông Hùng nói thêm.