Góp ý hoàn thiện Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức cuộc họp Tổ soạn thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa (QTVHLHC) trên lưu vực sông Srêpôk.

Tham dự cuộc họp có đại diện các cơ quan liên quan, các công ty thủy điện trên lưu vực sông Srêpôk và các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Từng bước nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành các hồ trong cắt, giảm lũ và cấp nước cho hạ du

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy cho biết, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk (bao gồm các hồ Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Srêpôk 3, Srêpôk 4 và Srêpôk 4A) đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, thực hiện từ mùa lũ năm 2011 (Quyết định số 624/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2011).

Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ trong cả năm, bao gồm cả mùa lũ và mùa cạn (Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2014).

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy chủ trì cuộc họp Tổ soạn thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa (QTVHLHC) trên lưu vực sông Srêpôk

Thực hiện Chương trình công tác năm 2019 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk.

Căn cứ nhiệm vụ được giao nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Quyết định số 243/QĐ-BTNMT ngày 30 tháng 01 năm 2019 về việc thành lập tổ soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk.

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy cũng cho biết, sau gần 8 năm vận hành theo Quy trình, việc phối hợp vận hành của các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Srêpôk đã góp phần quan trọng trong việc giảm lũ cho hạ du, đồng thời bảo đảm nguồn nước cấp cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương ở khu vực hạ lưu các hồ chứa.

Tuy nhiên, qua kết quả rà soát, tổng kết quá trình vận hành liên hồ chứa trong thời gian qua cho thấy có một số vấn đề cần được xem xét điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, đồng thời từng bước nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành các hồ trong việc cắt, giảm lũ và cấp nước cho hạ du.

Cụ thể như sau: Một số hồ thủy lợi, thủy điện đã được đưa vào vận hành nằm trên dòng chính sông Srêpôk và dòng nhánh có khả năng điều tiết nước và ảnh hưởng đến cấp nước hạ du, nhất là trong mùa cạn; Chưa quy định các tình huống vận hành giảm lũ cho hạ du cụ thể trong thời gian ngoài mùa lũ.

Một góc lưu vực sông Serepok

Đồng thời, các tình huống bất thường trong mùa lũ và mùa cạn chưa được quy định cụ thể; Các chế độ vận hành, thẩm quyền chỉ đạo, quyết định vận hành hồ, trách nhiệm tổ chức vận hành và cung cấp thông tin báo cáo trong mùa lũ cũng như mùa cạn được quy định phân tán trong nhiều điều, khoản trong Quy trình; Lưu lượng, chế độ xả, thời gian xả nước của các hồ trong mùa cạn cần được điều chỉnh nhằm đảm bảo phù hợp với nhu cầu, phương thức và chế độ khai thác;…

“Vì vậy, việc rà soát tình hình vận hành thực tế của các hồ chứa trong thời gian qua, trên cơ sở đó nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung nhằm từng bước hoàn thiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk là cần thiết và cấp bách, nhất là trong điều kiện biển đổi khí hậu, tình trạng lũ lụt, hạn hán, thiếu nước đang ngày càng gia tăng, biến đổi khó lường” – Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy cho biết.

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước, cùng với các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan và các chuyên gia cùng Tổ soạn thảo tập trung rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Quy trình trong mùa lũ và mùa cạn; cập nhật, bổ sung các thông tin, diễn biến về nguồn nước, khí tượng thủy văn trên lưu vực sông Srêpôk, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu; cập nhật, bổ sung các thông tin số liệu về hồ chứa trên lưu vực và việc vận hành của từng hồ, nhu cầu về khai thác, sử dụng nước ở hạ du các hồ chứa… Trên cơ sở đó, nghiên cứu, tính toán các phương án phối hợp vận hành các hồ và bổ sung, điều chỉnh một số nội dung để xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Quy trình.

Theo đó, về cơ bản, kết cấu Dự thảo Quy trình được giữ nguyên như Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Kiến nghị bổ sung thêm yếu tố dự báo lũ về hồ

Dự thảo Quy trình gồm 4 Chương, 34 điều, trong đó bổ sung thêm 05 điều mới và cập nhập, bổ sung, biên tập lại một số nội dung quy định tại các điều còn lại để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Dự thảo Quy trình.

Theo Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy, một số nội dung chính được điều chỉnh, bổ sung trong Dự thảo Quy trình như sau: Tại Chương I, Dự thảo Quy trình đã được cập nhật, bổ sung các hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk phải thực hiện vận hành theo Quy trình liên hồ, gồm các hồ: Krông Nô 2, Krông Nô 3, Chư Pông Krông, Hòa Phú, Đrây H’Linh và Krông Búk hạ (Điều 1), đồng thời, biên tập lại một số nội dung cho phù hợp.

Ngoài ra, Dự thảo Quy trình cũng đã được bổ sung thêm 01 điều mới (Điều 5) để quy định chế độ, trách nhiệm vận hành các hồ trong một số tình huống xuất hiện lũ, bất thường ngoài thời gian mùa lũ theo quy định của Quy trình nhằm xử lý những vấn đề phát sinh trong mùa cạn.

Tại Chương II, Dự thảo Quy trình đã được bổ sung thêm 03 điều mới về Bổ sung quy định về các chế độ vận hành và thẩm quyền chỉ đạo, quyết định vận hành hồ trong mùa lũ (Điều 8); Bổ sung quy định về việc vận hành đối với hồ chứa Krông Búk hạ trong mùa lũ (Điều 11); Bổ sung quy định việc vận hành trong các tình huống bất thường (Điều 16).

Tại Chương III, Dự thảo Quy trình đã được bổ sung và tách các Khoản từ các Điều của Quy trình đã ban hành và biên tập thành các điều phù hợp nhằm nhằm quy định rõ thẩm quyền quyết định vận hành hồ trong điều kiện bình thường và xử lý các vấn đề liên quan trong trường hợp có nguy cơ thiếu nước hoặc công bố tình trạng hạn hán trên lưu vực; Chỉnh sửa các quy định về nguyên tắc vận hành hồ trong mùa cạn (Điều 17) và quy định về các thời kỳ vận hành hồ trong mùa cạn (Điều 18);…

Tại Chương IV, Dự thảo Quy trình đã được biên tập lại các nội dung quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan và của chủ hồ trong mùa lũ, mùa cạn. Đồng thời, Dự thảo Quy trình cũng đã được rà soát, chỉnh lý, cập nhật, bổ sung một số quy định cho phù hợp.

Phát biểu góp ý tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức – Phó Giám đốc, Công ty Thủy điện Buôn Tua Sarh, Buôn Kuốp và Srepok 3 đã đưa ra một số ý kiến kiến nghị sửa đổi như: Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 xem xét điều chỉnh về phạm vi sai số khoảng 10% thay vì 5% giữa lưu lượng xả với lưu lượng đến hồ nhằm duy trì mực nước hồ trong trường hợp vận hành giảm lũ cho hạ du để phù hơp với thực tế diễn biến lũ và khả năng điều chỉnh độ mở cửa van; tại Điểm a, Khoản 2 Điều 8 cần làm rõ hơn về điều kiện “xuất hiện lũ về hồ” để thực hiện chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du; tại Khoản 3 Điều 8 cần bổ sung nội dung quy định về thẩm quyền vận hành hồ khi chưa có lũ nhưng hồ vẫn phải vận hành điều tiết qua tràn để phù hợp với tình hình thực tế.

Tại nội dung quy định về việc vận hành giảm lũ cho hạ du đối với các hồ Buôn Tua Sarh và Srepok 3 cần phải bổ sung thêm yếu tố dự báo lũ về hồ để quyết định việc vận hành hồ giảm lũ cho hạ du. Đối với nội dung quy định trong mùa cạn, tại Điểm a, Khoảng 2 Điều 19 về thẩm quyền quyết định vận hành hồ trong mùa cạn, đề nghị không áp dụng đối với hồ Srepok 3 do hồ điều tiết ngày đêm, mực nước trong ngày dao động lớn nên việc quy định như dự thảo quy trình chưa thực sự phù hợp.

Ngoài ra, về phía công ty cũng nêu ra một số khó khăn vướng mắc trong quá trình vận hành như: mực nước để quyết định các hồ vận hành giảm lũ hiện tại vẫn quan trắc theo ốp, chưa có số liệu được công bố online nên trong quá trình vận hành hồ thiếu thông tin căn cứ để điều chỉnh việc vận hành cho phù hợp.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Minh Tuyển, chuyên gia tài nguyên nước cũng đề nghị Tổ soạn thảo xem xét Điểm d, Khoản 2, Điều 8 về thực hiện chế độ vận hành tích nước cuối mùa lũ nhằm phù hợp với nhận định xu thế diễn biến thời tiết, thủy văn của Tổng Cục Khí tượng thủy văn.

Đồng thời, tại Điều 9 của Quy trình quy định việc vận hành giảm lũ cho hạ du đối với hồ Buôn Tua Srah, đề nghị Tổ soạn thảo xem xét quan trắc mực nước cả Trạm Thủy văn Bản Đôn và Trạm Thủy văn Đức Xuyên để có sự phối hợp giữa các hồ với nhau. Tại điểm a, Khoản 2, Điều 8 cần phải làm rõ hơn điều kiện xuất hiện lũ, ngập lụt trên lưu vực sông Srepok là ở đâu, do cơ quan, đơn vị nào xác định, thông báo hoặc xuất hiện lũ về hồ với quy mô bao nhiêu để thực hiện chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du.

PGS. TS Ngô Lê Long có ý kiến về việc cần rà soát, xem xét lại về việc cho các hồ tích nước sớm từ ngày 15/10 với quy định về mực nước cao nhất trước lũ trong thời kỳ từ 1/11-30/11 để đảm bảo tính hợp lý, logic; đồng thời cần xem xét lại nội dung quy định về thời gian và lưu lượng xả của các hồ trong các thời kỳ mùa cạn để đảm bảo được các mục đích sử dụng nước.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại diện Tổng cục Khí tượng Thủy văn đề nghị tại Điều 34, 35, 36 Tổ soạn thảo nên xem xét thống nhất một đầu mối đó là Tổng cục Khí tượng Thủy văn để có cơ sở chỉ đạo, phân công các đơn vị trong việc thực hiện chế độ quan trắc, dự báo và trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu.

Cũng tại cuộc họp, Đại diện Văn phòng Chính phủ yêu cầu Tổ soạn thảo chuẩn bị hoàn chỉnh hồ sơ, phiếu trình Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn quy định, cần phải đảm bảo tuyệt đối an toàn hồ đập, chú ý đến các thông số. “Vấn đề website chung cho các hồ chứa, từng lưu vực sông cần sớm hình thành để cho chủ hồ, đơn vị quản lý và vận hành hồ chứa nhập thông tin, dữ liệu báo cáo một cách thuận lợi” – Đại diện Văn phòng Chính phủ đề nghị.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị liên quan. “Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại cuộc họp, Tổ soạn thảo sẽ tiếp thu, tổng hợp và rà soát, nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo, đồng thời báo cáo Thứ trưởng phụ trách kết quả cuộc họp” – Ông Hoàng Văn Bẩy nhấn mạnh.