Ra mắt Dự án Phụ nữ và Biến đổi khí hậu

Ngày 1-9, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) phối hợp cùng Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt Dự án “Tăng cường Sự tham gia và Năng lực quản lý của các tổ chức phụ nữ trong Xây dựng chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai”.

Dự án gọi tắt là “Phụ nữ và Biến đổi khí hậu” được khởi động năm 2020 và thực hiện đến hết năm 2022.

Trong khuôn khổ Dự án, Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ về biến đổi khí hậu (NGO) do phụ nữ lãnh đạo được nâng cao năng lực về lồng ghép giới trong trong các hoạt động của Dự án, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho phái nữ trong các chính sách như Đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDC) và Kế hoạch thích ứng Quốc gia (NAP) ở cấp Trung ương và địa phương. Trong đó, có truyền thông và nâng cao bình đẳng giới trong công tác chuẩn bị, phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai và tạo các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Quang cảnh buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Đinh Thu Hằng, Giám đốc CECR cho biết, Việt Nam là một trong số những quốc gia đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH và các loại hình thiên tai. Trong đó, phụ nữ, người già và trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương hơn cả. Tuy nhiên, phụ nữ cũng là nhân tố tạo ra những thay đổi tích cực trong công tác thích ứng BĐKH và giảm thiểu rủi ro thiên tai (GTRRTT) ở các địa phương. Do đó, Dự án “Phụ nữ và BĐKH” sẽ có những đóng góp tích cực, thúc đẩy bình đẳng giới và lồng ghép giới trong quá trình xây dựng chính sách và ra quyết định liên quan đến BĐKH, GTRRTT ở cấp quốc gia, đồng thời trao quyền cho phụ nữ trong các hoạt động thích ứng BĐKH và GTRRTT ở địa phương.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện nay, thách thức lớn nhất là các số liệu về giới còn thiếu và nhận thức về bình đẳng giới vẫn ít mang tính thực tiễn và ít cách thức cụ thể để đưa chính sách vào cuộc sống. Dự án nâng cao năng lực cho các VNGO (Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ về BĐKH tại Việt Nam) trong đó có thúc đẩy lồng ghép giới trong thích ứng BĐKH và GTRRTT sẽ đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng NDC và NAP ở Việt Nam.

Bà Ann Mawe, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam cho rằng, vai trò quan trọng của phụ nữ hiện nay là nền tảng cho các giải pháp về ứng phó với BĐKH. Việc tận dụng kiến thức bản địa, năng lực và kỹ năng của các nhóm phụ nữ để ứng phó với BĐKH là rất cần thiết. Do đó, chính phủ Thụy Điển cam kết sẽ đồng hành cùng với UN Women và Việt Nam để thúc đẩy Dự án.