Dầu cọ là loại dầu thực vật được sử dụng rộng rãi trong mọi thứ từ bánh quy đến đồ trang điểm, nhưng từ lâu đã bị các nhà hoạt động môi trường lên án do cho rằng đây là nguyên nhân gây ra phá rừng.
Các công ty sở hữu các thương hiệu hàng đầu như chocolate Kit Kat và xà phòng Dove có thể đối mặt với việc bị phạt, nếu không tăng lượng mua dầu cọ thân thiện với môi trường theo các quy định mới nhằm tăng tính bền vững của lĩnh vực này.
Các nhóm môi trường hoan nghênh động thái của Hội nghị bàn tròn về dầu cọ bền vững (RSPO), một tổ chức đề ra các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường và có sự tham gia của các nhà sản xuất, kinh doanh dầu cọ, nhưng họ nghi ngại rằng các quy định sẽ được thực thi đầy đủ.
Dầu cọ là loại dầu thực vật được sử dụng rộng rãi nhất, trong mọi thứ từ bánh quy đến đồ trang điểm, nhưng từ lâu đã bị các nhà hoạt động môi trường lên án do cho rằng đây là nguyên nhân gây ra tình trạng phá rừng.
Rừng, đặc biệt là ở các nước sản xuất hàng đầu thế giới là Indonesia và Malaysia, tiếp tục bị phá khi các đồn điền được mở rộng nhanh chóng, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài động vật quý hiếm như đười ươi và voi Borneo.
Sức ép trong việc sử dụng dầu cọ gia tăng ở phương Tây khi các nhà hoạt động xã hội tăng cường các chiến dịch phản đối nhằm vào ngành sản xuất dầu cọ, khiến một số công ty giảm mức tiêu thụ hay dừng sử dụng hoàn toàn.
RSPO ra đời năm 2004 để thúc đẩy việc sử dụng dầu cọ thân thiện với môi trường và xây dựng các quy định đối với người trồng cọ muốn sản phẩm của họ được chứng nhận là bền vững.
Các quy định bao gồm việc cấm chặt phá rừng chưa khai thác để làm đồn điền và hạn chế dùng lửa để làm sạch đất bởi điều này có thể gây cháy mất kiểm soát và phát tán khói độc hại vào không khí.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội thường chỉ trích RSPO trong việc không thực hiện được các quy định.
Nestle, nhà sản xuất Kit Kat, bị ra khỏi RSPO năm ngoái do vi phạm các quy định, nhưng trong vòng vài tuần đã được gia nhập lại sau khi đáp ứng được các yêu cầu.
Những người chỉ trích cho rằng những tiến triển trong việc làm cho ngành sản xuất dầu cọ trở nên thân thiện hơn với môi trường đang bị tổn hại vì các công ty lớn như Nestle và Unilever, tập đoàn sở hữu thương hiệu Dove, khi không mua đủ lượng dầu cọ bền vững có giá cao hơn, do đó không khuyến khích được người nông dân sản xuất.
Nhằm buộc các công ty phải hành động, RSPO sẽ yêu cầu họ tăng lượng mua dầu cọ bền vững 15% mỗi năm nếu không sẽ bị phạt hay phải ra khỏi tổ chức này.