Những khoảng trống pháp luật cần lấp đầy

ThienNhien.Net – Theo Báo cáo Đánh giá Hiện trạng các quốc gia về tuân thủ và thực thi các cam kết CITES – Công ước về buôn bán những loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF, Việt Nam là một trong những nước đáng lo ngại nhất khi nhận thẻ màu đỏ đối với hai loài tê giác và hổ. Thực tế đó cho thấy, chính sách pháp luật về bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã còn những khoảng trống lớn.

Khó xử lý hình sự

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF đánh giá Việt Nam là quốc gia tiêu thụ sừng tê giác với số lượng lớn nhất và được coi là tác nhân gây ra khủng hoảng săn bắn trộm tại Nam Phi. Việt Nam cũng được xem là nước có vai trò trung chuyển và quá cảnh động vật hoang dã (ĐVHD) quý, hiếm của một số nước trong khu vực. Ước tính hàng năm có khoảng 4.000 – 4.500 tấn ĐVHD buôn bán vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc, trong đó chủ yếu là các loại linh trưởng, gấu, tê tê, rùa, rắn, ngà voi, sừng tê giác và các thành phẩm, dẫn xuất của các loài này.

Đứng trước tình trạng vi phạm pháp luật trong mua, bán, vận chuyển ĐVHD, những chính sách về quản lý buôn bán ĐVHD được ban hành. Theo đó, hành vi như săn bắn, giết, vận chuyển, nuôi nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể, sản phẩm của loài động vật đó sẽ bị coi là tội phạm (Điều 109, Bộ luật Hình sự). Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng việc quy định mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù đối với hành vi vi phạm này là chưa đủ sức răn đe.

(Ảnh minh họa: Báo điện tử Đại Biểu Nhân Dân)

Mặc dù có quy định khá cụ thể song việc xử lý bằng hình sự còn rất hạn chế. Nhiều thuật ngữ và khái niệm được sử dụng không thống nhất trong các văn bản pháp luật như về “loài quý hiếm”, “loài nguy cấp”, “loài bị đe dọa” đã dẫn tới những cách hiểu khác nhau và gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Hành vi săn bắn vào thời gian bị cấm tức là vào mùa sinh sản và di cư của động vật rừng nguy cấp, quý hiếm được xem là tình tiết định khung hình phạt, song tới nay cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn hoặc quy định về mùa sinh sản của các loài, do vậy rất khó xử lý các vi phạm xảy ra.

Thông tư 90/2008 của Bộ NN và PTNT cho phép bán, chuyển ĐVHD cho các cơ sở bào chế thuốc nếu đã chết và bán cho các cơ sở nuôi động vật hợp pháp nếu còn sống. Đây là một sơ hở vì thuốc cũng là sản phẩm, được bán ra thị trường. Bên cạnh đó, việc phân tích tác dụng của  ĐVHD trong việc làm thuốc vẫn chưa rõ ràng. Vì thế, ở một mức độ nào đó, cho phép kinh doanh hoặc làm thuốc sẽ kích thích việc săn bắn và tiêu thụ ĐVHD.

Quy định nuôi nhốt thiếu hợp lý

“Trong lĩnh vực nuôi nhốt ĐVHD, Nghị định của Chính phủ và nhiều Thông tư đã quy định khá chặt chẽ về việc xử lý cũng như chế tài xử phạt. Thậm chí, về chuồng trại nuôi nhốt, lồng nuôi nhốt cũng đã có quy định cụ thể, chi tiết” – Thứ trưởng Bộ NN và PTNT  Hà Công Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, quy định về chế tài quản lý kinh doanh thương mại các ĐVHD quý hiếm gây nuôi không rõ ràng, vô hình trung đã tạo ra sơ hở để các đối tượng lợi dụng hợp pháp hóa nguồn gốc các loài ĐVHD do mua gom trái phép để kinh doanh buôn bán. Nhằm thiết lập quy định pháp lý để đưa việc khai thác từ tự nhiên vào khuôn khổ đồng thời lấp “khoảng trống” chế tài xử lý các vi phạm đang diễn ra trong nhiều năm qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 47 có hiệu lực từ 9/11/2012 quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường.

 Hiện trạng tuân thủ và thực hiện cam kết CITES của từng quốc gia đối với từng loài được đánh giá theo 3 loại thẻ màu: xanh, vàng hoặc đỏ. Thẻ màu đỏ là thất bại trong việc thực hiện những nội dung chính đã cam kết về tuân thủ và trong thực thi pháp luật.

Điều đáng nói là “các cơ quan chức năng địa phương rất hạn chế trong việc định dạng chính xác các loài, những người khai thác, buôn bán hay nhân nuôi vì mục đích thương mại lại càng thiếu kiến thức này” – Giám đốc sáng lập Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Vũ Thị Quyên nhấn mạnh. Do đó, việc khai thác và nhân nuôi vì mục đích thương mại chỉ nên hạn chế ở một số nhóm loài dễ dàng phân biệt kể cả khi còn sống hay đã chết. Còn một số loài có đặc điểm gần hay tương tự nhau như chim, cầy, chồn, rắn, thằn lằn… rất khó phân biệt thì chỉ nên cho khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học.

Mặc dù Thông tư 47 có quy định không được khai thác thú rừng vì mục đích thương mại trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên nhưng với ý thức chấp hành của người dân chưa cao mà theo một chuyên gia: “cấm còn vi phạm huống hồ cho phép” sẽ dẫn tới tình trạng người dân gặp loài nào cũng bắt, ngay cả những loài động vật không được phép cũng bị ảnh hưởng. Nếu quy định không “chặt”, hoạt động giám sát không hiệu quả sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng các chủ trang trại ĐVHD lợi dụng những lỗ hổng này mà “lách luật”. Theo đó, cần quy định chủ trang trại phải đưa ra bằng chứng xác đáng chứng tỏ vật nuôi hợp pháp cũng như cho phép các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc bao gồm cả phạt hành chính hay khởi tố hình sự khi có vi phạm.