Ngành lâm nghiệp vào thời kỳ bước ngoặt

Ngành lâm nghiệp được đánh giá đang trong thời kỳ bước ngoặt khi Việt Nam từ một nước chỉ còn khoảng 20% hệ số che phủ rừng tới nay đã khôi phục đạt gần 43%. Luật Lâm nghiệp cũng được ban hành với nhiều quy định tiến bộ.

Toàn cảnh Hội nghị – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 5/7, Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, năm 2019 là một năm có thách thức rất lớn, bối cảnh kinh tế thế giới mới tác động lớn đến ngành nông nghiệp, thách thức này đã được Bộ nhận diện từ cuối năm 2018.

Riêng với ngành lâm nghiệp, đây là thời kỳ bước ngoặt, từ một nước chỉ còn khoảng 20% hệ số che phủ rừng, tới nay đã khôi phục đạt gần 43%. Đặc biệt, ngành lâm nghiệp đã chuyển thành nền kinh tế lâm nghiệp với Luật Lâm nghiệp có nhiều quy định tiến bộ nhất từ trước tới nay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2019 ước đạt 11 tỷ USD, qua đó góp phần giải quyết việc làm, giảm bớt áp lực tăng trưởng cho lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu chung của cả ngành.

Ngoài lợi thế với khoảng 4.500 doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ, Việt Nam cũng đang còn rất nhiều tiểm năng về mảng dược liệu, có thể thu về hàng tỷ USD nếu biết quản lý khai thác, đây là hướng mà ngành lâm nghiệp cần xác định để có được bước phát triển bền vững.

Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm, ngành Lâm nghiệp cần tập trung để hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật để giúp người dân và doanh nghiệp vận dụng tốt Luật Lâm nghiệp đã được ban hành.

Cùng với đó, các cơ chế để nâng cao chất lượng phòng cháy chữa cháy hoặc cơ chế tự chủ của các vườn quốc gia, triển khai dịch vụ môi trường rừng…cũng được Thứ trưởng đề nghị các đơn vị nghiên cứu và có những đề xuất, tham mưu để lãnh đạo Bộ xem xét.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2019 ước đạt 11 tỷ USD – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Điển cho biết, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp Quý I/2019 tăng 4,32%; Quý II/2019 tăng khoảng 4,53%, cao hơn 0,08% so với cùng kỳ năm 2018.

Về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, cả nước đã phát hiện 5.691 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 1.117 vụ (giảm 16%) so với 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó, đã xảy ra 863 vụ phá rừng, giảm 109 vụ (giảm 11%), diện tích rừng bị phá 287 ha, giảm 34 ha (giảm 11%) so với cùng kỳ năm 2018. Đã xử lý hành chính 4.938 vụ, xử lý hình sự 126 vụ.

6 tháng đầu năm đã xảy ra 156 vụ cháy rừng, số vụ cháy rừng tăng 61 vụ (tăng 64%) so với cùng kỳ năm 2018, diện tích rừng bị cháy 930 ha, tăng 705 ha (hơn 4 lần cùng kỳ năm 2018). Thời kỳ cao điểm xảy ra cháy rừng từ ngày 26/6 đến ngày 1/7/2019, trên địa bàn các tỉnh miền Trung, trong đó có 45 vụ cháy gây thiệt hại tới rừng, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên. Diện tích rừng bị thiệt hại ước tính sơ bộ khoảng 293 ha (có 14 vụ chưa xác định diện tích rừng bị thiệt hại).

Về phát triển rừng, cả nước đã trồng rừng trong 6 tháng đầu năm 2019 được 108.456 ha, đạt 51% kế hoạch năm, bằng 102% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, rừng phòng hộ, đặc dụng 1.959 ha, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2018, rừng sản xuất 106.497 ha, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong lĩnh vực khai thác lâm sản, khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc 6 tháng đầu năm 2019 khoảng 105.000 ha, sản lượng đạt 9,7 triệu m3, tương đương 49,7% kế hoạch năm 2019, tăng 4,86% so với cùng kỳ năm 2018.

Riêng đối với xuất, nhập khẩu lâm sản, giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 5,23 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 50% kế hoạch năm, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 1,25 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018.

Về thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, cả nước đã thu được 1.208,7 tỷ đồng, đạt 38,7% kế hoạch thu năm 2019, bằng 111% so với cùng kỳ năm 2018.