"Chạy đà vội" quy hoạch cao su Tây Bắc

ThienNhien.Net – Cây cao su được đưa vào trồng ở các tỉnh Tây Bắc từ năm 2007 ngay lập tức đã trở thành cây công nghiệp thu hút sự chú ý. Nhưng nhìn vào diện tích quy hoạch phát triển cao su ở Tây Bắc trong 10 năm tới, đã thấy có sự "vênh" so với chỉ đạo của Chính phủ.

50.000ha: Một tỉnh và cả vùng

Đưa cây cao su ngược lên vùng  núi cao Tây Bắc là một chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm làm thay đổi diện mạo bức tranh kinh tế vốn còn nhiều khó khăn của địa phương, kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cho ngành.

Qua trồng thử nghiệm một vài giống cao su ở Điện Biên, Sơn La, và Lai Châu, một số nơi đã cho kết quả khả quan, cây cao su sinh trưởng khá, chống chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Vì vậy, dù mới nhập cư, cây cao su đã tỏ ra có sức hút rất mạnh đối với các tỉnh miền núi này.

Đưa một loại cây mới vào ươm trồng thành loại cây chủ đạo trong cơ cấu cây công nghiệp của một vùng, lại là một vùng chủ yếu đồi núi như Tây Bắc, quá trình mở rộng diện tích đòi hỏi chính quyền địa phương phải có những bước đi cẩn trọng và vững chắc. Chính vì điều này, ngày 08/01/2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có công văn số 178/VPCP-NN một lần nữa nhắc nhở các tỉnh Tây Bắc cần tránh phát triển cao su một cách ồ ạt, theo phong trào.

Tuy nhiên, rà soát các thông tin công bố về quy hoạch phát triển cao su tại các tỉnh nói trên, đã thấy vượt xa con số định hướng 50.000ha.

Theo Nghị quyết số 254/NQ-HĐND ra ngày 12/12/2008 của HĐND tỉnh Sơn La, cây cao su sẽ phát triển tại Sơn La trải qua 2 giai đoạn. Giai đoan 1: (2007- 2011) quy hoạch 3 vùng nguyên liệu với 3 nhà máy chế biến, tổng diện tích 20.000 ha; giai đoạn 2: (2012 – 2020) quy hoạch phát triển toàn tỉnh 5 vùng nguyên liệu gắn với 5 nhà máy chế biến, tổng diện tích 50.000 ha.

Theo Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 03/06/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, Việt Nam sẽ phát triển cao su tại 5 vùng lớn: Đông Nam Bộ (tiến tới ổn định 390.000ha), Tây Nguyên (ổn định 280.000 ha); Duyên Hải Nam Trung Bộ (ổn định 40.000ha), Bắc Trung Bộ (ổn định 80.000ha) và Tây Bắc.

Riêng vùng Tây Bắc, bản định hướng quy hoạch xác định: “không phát triển theo phong trào, có bước đi phù hợp. Trên cơ sở quỹ đất và kết quả đánh giá hiệu quả diện tích cao su đã trồng, các địa phương quyết định mở rộng diện tích ở những địa bàn có đủ điều kiện, để đến năm 2020 toàn vùng đạt khoảng 50 nghìn ha.”

Như vậy, chỉ riêng tỉnh Sơn La, diện tích trồng sao su tầm nhìn đến năm 2020 đã bằng quy hoạch của toàn vùng Tây Bắc theo định hướng của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên dự kiến sẽ phát triển 35.000ha vào năm 2020, tỉnh Lai Châu 20.000ha đến năm 2015, Yên Bái 10.000ha (2020). Đó là chưa kể một số tỉnh ngoài khu vực Tây Bắc, như Hà Giang cũng sẽ bổ sung vào diện tích cao su 10.000ha (2015), Lào Cai cũng rục rịch xin “được vào quy hoạch”.

Nhanh, vội và nguy cơ thiếu bền vững

Cao su là cây công nghiệp có giá trị, nhưng không phải đất nào cũng trồng được. Đất phù hợp cho cây cao su phát triển là đất không quá dốc, có tầng canh tác dày trên 70cm và nằm ở dộ cao thích hợp (thường là từ 400 – 600m so với mặt nước biển). Tuy nhiên, rất nhiều vùng đất mang những tiêu chí này đang là đất sản xuất lương thực (ngô, lúa nương) của đồng bào vùng cao.

Để đảm bảo yếu tố liền vùng liền khoảnh trong quy hoạch phát triển cao su đại điền ở các tỉnh Tây Bắc, thì một phần không nhỏ đất sản xuất lương thực này sẽ phải “nhường chỗ” cho cây cao su. Và bài toán đảm bảo an ninh lương thực vùng nghèo khó nhất nước này sẽ thêm phần khó khăn.

Những gì đã diễn ra ở tỉnh Điện Biên kể từ khi cây cao su được đưa vào ươm trồng đại trà năm 2007 đã cho thấy, khâu tuyên truyền chủ trương phát triển cây cao su ở địa phương chưa thật sự tốt, chưa cho người dân thấy được ý nghĩa của Dự án.

Chính vì khâu tuyên truyền chưa làm tốt, nên vào cuối năm 2008, nhiều người dân xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo đã ngăn cản, không cho công nhân công ty cổ phần Cao su Điện Biên triển khai dự án tại đây, và sử dụng vũ khí “nóng” tấn công khiến cả ông Bí thư Đảng ủy xã phải nhập viện. Tháng 8/2009, hơn 2ha cao su ở huyện Điện Biên của Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đã bị kẻ gian phá nhổ…

Nguyên nhân sau đó được xác định là do người dân bức xúc, chưa hiểu hết chủ chương phát triển cây cao su của chính quyền. Người dân không nắm được lợi ích lâu dài của việc góp đất trồng cao su, chỉ thấy rằng bị mất đất đai, nương rẫy. 

Việc sốt sắng quy hoạch phát triển cao su ở các tỉnh Tây Bắc, phải chăng những nhà quy hoạch ở địa phương đã quá để ‎ý vào những lợi ích vẫn đang ở dạng tiềm năng mà quy hoạch nhiều và nhanh đến vậy?