Lâm Đồng: Giao đất hỗ trợ sản xuất cho dân

ThienNhien.Net – Trong năm 2010, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiến hành giao đất sản xuất cho 3.158 hộ dân với định mức 5 ha/hộ; hỗ trợ cho những hộ nghèo 15 kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian đồng bào chưa tự túc được lương thực và 5 triệu đồng/hộ để tạo đất sản xuất.


Kế hoạch này sẽ được tỉnh Lâm Đồng triển khai trong năm nay, nhằm thực hiện Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

Hiện tại, số hộ nghèo thiếu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh vào khoảng 4.669 hộ. Trong năm 2010, tỉnh phấn đấu giao đất cho khoảng 3.158 hộ. Giao đất trồng rừng sản xuất cho 96 hộ với định mức 0,5 ha/hộ và giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho 1.415 hộ với tổng diện tích trên 30 ngàn ha.

Trong các năm từ 2004-2009, Lâm Đồng cũng đã triển khai Đề án giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, đạt kết quả đáng ghi nhận:

– Chuyển đổi được hơn 1.179 ha đất sản xuất, đã giao 998 ha đất cho 1.419 hộ dân.

– Giao khoán bảo vệ rừng cho 1.415 hộ/7.349 khẩu, với tổng diện tích giao khoán là 30.276 ha rừng.

– Hỗ trợ 559 con bò cho các hộ dân.

Tổng số vốn cần để hỗ trợ cho đồng bào ước chừng trên 81 tỷ đồng. Khoản vốn này hỗ trợ trực tiếp 10 triệu đồng/hộ được khai hoang, giao đất sản xuất; 5 triệu đồng/ha cho hộ được giao đất và trồng rừng sản xuất; 200.000 đồng/ha/năm đối với giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Nguồn vốn trên cũng dành để hỗ trợ hộ nghèo với mức 5 triệu đồng/hộ để tạo đất sản xuất lương thực trong diện tích nhận khoán bảo vệ và trồng rừng sản xuất.

Giải pháp thực hiện cho năm 2010

Trước hết, tỉnh sẽ tiến hành lập các quy hoạch giãn dân nhằm ổn định và phát triển dân cư tại các thôn, bản theo địa bàn hành chính cấp xã ở những vùng giãn dân. Bên cạnh đó, cần rà soát xác định đối tượng thụ hưởng chính sách theo quy định, bình xét từ cấp thôn, buôn để đảm bảo công bằng, minh bạch.

Đối với các khu vực bố trí đất sản xuất cho đồng bào phải đảm bảo nước cho sản xuất, bên cạnh đó là khai thác sử dụng đất có hiệu quả về kinh tế lâm nghiệp theo kết quả rà soát, phân định ranh giới 3 loại rừng.

Số diện tích đất đã chuyển đổi từ năm 2007 trở về trước cũng sẽ được rà soát lại để giao cho dân và ứng vốn cho dân tự khai hoang theo từng công đoạn trong 2 năm 2009-2010. Những diện tích còn trữ lượng gỗ phải khẩn trương tiến hành khai thác, tận dụng lâm sản nộp ngân sách địa phương. Diện tích đất nào không đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp thì chính quyền cấp huyện có phương thức giao thành đất trồng rừng.

Cùng với việc bố trí, quy hoạch đất sản xuất, tỉnh tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp với từng địa phương; đẩy mạnh công tác dạy nghề, nhất là cho thanh niên, đây là giải pháp tốt cho vấn đề thiếu đất sản xuất nhưng vẫn tạo được việc làm cho đồng bào thiểu số.

Như vậy, việc địa phương thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sẽ không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là triển khai đúng chỉ đạo của Thủ tướng mà sâu sắc hơn, đó là thực thi chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ giúp cải thiện đời sống, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nghèo Lâm Đồng, một tỉnh miền núi vùng cao Nam Tây Nguyên.

Trong số gần 1,2 triệu dân hiện ở tỉnh Lâm Đồng, đồng bào dân tộc thiểu số có 51.428 hộ với 256.035 người, chiếm 21,98% dân số toàn tỉnh, với 41 dân tộc cùng sinh sống.

Giai đoạn 2000-2005, tỉnh có 49 xã và 64 thôn, buôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Đến năm 2006, còn 35 xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, tuy nhiên đến năm 2008, tổng số có 42 xã và 84 thôn, buôn đặc biệt khó khăn thuộc khu vực II.

Mặc dù hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được tập trung đáng kể, tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội phát triển về mọi mặt, song tỷ lệ hộ nghèo ở vùng này còn cao.