Tranh cãi gay gắt về hiệu quả cây cao su ở vùng Tây Bắc

Nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra tại Tọa đàm khoa học “Người dân góp đất với công ty để phát triển cây hàng hóa: từ góc nhìn mô mình góp đất trồng cao su tại Tây Bắc” do Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức bản địa và Phát triển (CIRD) tổ chức tại Hà Nội ngày 3/5.

TS. Nguyễn Vinh Quang thuộc Tổ chức Forest Trends, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết kết quả khảo sát nhanh tại 3 tỉnh Sơn La, Điện Biện và Lai Châu được thực hiện trong tháng 2 và tháng 3/2019 cho thấy thu nhập thực tế từ cây cao su thấp hơn nhiều thu nhập từ các loại cây trồng khác trên cùng diện tích của chính hộ đó trước khi tham gia góp đất trồng cao su.

Khoảng 75% số hộ tham gia khảo sát khẳng định thu nhập giảm so với trước khi tham gia góp đất trồng cao su. 47% số hộ cho rằng thu nhập giảm ít nhất 40%.

Quang cảnh tọa đàm (Ảnh: BVR&MT)

Sau 8 năm thì lợi tức từ mủ của 1 ha cao su chỉ là 500.000 – 2.000.000 đồng, tương đương 2% lợi tức từ cây ngô. Trong tương lai, thu nhập từ cây cao su có thể tăng theo năng suất mủ nhưng vẫn thấp hơn hẳn những loại cây trồng khác. Hơn 50% số hộ trả lời phỏng vấn muốn chặt bỏ cao su.

Ông Lò Văn Điền, Bí thư chi bộ bản Bủng, xã Mường Bú, huyện Mường La, Sơn La cho biết: Tổng diện tích dân bản góp cùng công ty là hơn 300 ha nhưng cho đến nay chưa nhận được đồng cổ tức nào, bà con cũng chưa được thảo luận cách chia cổ tức. Mức thu nhập của bà con kém hơn trước khi góp đất dù đã hiến kiệt đất cho công ty. Có những diện tích trồng cao su không phát triển được, công ty không trồng bù thì phải trả lại đất đó cho dân.

Ông Lù Văn Hải, Trưởng bản Ta Mo, xã Mường Bú, huyện Mường La, Sơn La bức xúc vì sau khi tham gia góp đất cùng công ty năm 2009, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dân bị thu lại nhưng giấy chứng nhận mới chưa được cấp. Trong quá trình góp đất, việc công ty tuyển dụng người dân làm công nhân không được như lời hứa (1 ha/1 công nhân, trả 1,5 đến 1,8 triệu đồng/tháng), thậm chí sau 2 năm vẫn không có hợp đồng chính thức, không được đóng bảo hiểm, không có thu nhập nên bà con chán nản. Tỷ lệ hộ nghèo của bản hiện đã tăng lên mức 50%.

Theo ông Hải, cho đến giờ bà con cũng chưa được biết vấn đề chia cổ tức thế nào, cách tính ra sao. Công ty từng có công văn thông báo tổ chức hội nghị họp bàn với người dân nhưng đến nay “mọi thứ vẫn biệt tăm, bà con cũng chưa biết mặt mũi đồng cổ tức nó ra làm sao”.

Ông Lò Văn Hùng, bản Củ Pe, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, Sơn La thì chỉ cần công ty trả lại đất cho dân vì “đã 11 năm tham gia góp đất rồi mà chưa được hưởng lợi gì cả, thảo luận mãi cũng đến thế mà thôi, tôi khẳng định luôn là cây cao su không có hiệu quả, không chịu được thời tiết ở Sơn La, cứ sương muối xuống là cây chết”.

Cây cao su nhà ông Quàng Văn Dính trồng sau 10 năm vẫn chưa từng được khai thác mủ (Ảnh: Lê Sơn/Báo Tin tức)

Đại diện của Tập đoàn cao su Việt Nam – ông Hồ Anh Đức, Tổng Giám đốc Công ty cao su Sơn La và ông Nguyễn Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Lai Châu – không trả lời thẳng vào những bức xúc của người dân về bất cập của mô hình góp đất trông cao su mà dẫn những con số chung chung về số hộ tham gia góp đất, diện tích trồng cây cao su, số công nhân đã tuyển dụng, con số đầu tư cho an sinh xã hội.

Ông Thắng khẳng định: “Sau 2 năm khai thác mủ thì công ty đã chi trả cho 100% các hộ. Cao su là cây công nghiệp dài ngày, những năm đầu số lượng cây được khai thác ít nhưng sản lượng sẽ tăng dần theo từng năm. Có những vườn khi đạt đỉnh điểm là 3 tấn/ha, còn sản lượng trung bình của công ty là 1,2 tấn/ha cho chu trình 20 năm. Công ty đã đầu tư hơn 1.000 tỷ cho diện tích 6.900 ha, chu trình thu hồi vốn là 20 năm, vì thế cần lấy mốc 20 năm ra tính toán. Chúng ta nên xem xét mọi thứ dưới góc độ chung, những cái được sao không nói, những cái chưa được phải cùng nhau gỡ chứ không nên lấy hạt cát ra soi”.

Ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng Giám đốc Tập đoàn cao su Việt Nam thông tin thêm: Tập đoàn Công nghiệp cao su đã cổ phần hóa từ 1/6/2018, hiện có 9 công ty ở 6 tỉnh miền núi phía bắc với diện tích cao su 29000 ha, đã khai thác thương mại 7000 ha. Điều kiện địa hình, khí hậu thổ nhưỡng trong vùng phức tạp nhưng các công ty đã điều chỉnh kỹ thuật, đến nay các vườn cao su phát triển cơ bản đạt yêu cầu. Tập đoàn đã xây dựng nhà máy chế biến 5000 tấn ở Sơn La, năm nay đầu tư tiếp nhà máy ở Lai Châu rồi ở Điện Biên.

Giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định: “Cây cao su không phải để an sinh xã hội mà từ năm 2009 đã là cách để phát triển kinh tế cho đồng bào thiểu số. Nguyên tắc doanh nghiệp cần bảo đảm là người nông dân phải được lợi ích cao hơn, rủi ro phải do doanh nghiệp gánh chứ đừng bắt người dân chịu rủi ro. Hiện nay, ý kiến chuyên gia nói chung đều thống nhất rằng không nên thực hiện mô hình góp đất ở Việt Nam. Mô hình góp đất trồng cao su ở Tây Bắc bộc lộ một số vấn đề như chấp nhận cho dân đưa đất vào góp khi chưa được cấp giấy chứng nhận là trái luật, hợp đồng thì người nông dân cứ ký chứ không biết hợp đồng viết gì. Mô hình góp đất mà lại có bàn tay của chính quyền (hỗ trợ doanh nghiệp vận động dân tham gia góp đất) thì cần định vị lại vì chính quyền chỉ nên làm trọng tài, và chính quyền thà mất lòng tin của người giàu, của nhà khoa học chứ không được mất lòng tin của dân, của người nghèo, người yếu thế. Cần lưu ý rằng nông dân là người đồng bào thiểu số lại càng dễ tổn thương vì họ không có gì để bảo vệ mình”.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung cũng cho rằng vùng Tây Bắc không phù hợp với cây cao su vì cao su chỉ sinh trưởng tốt ở độ cao dưới 600m, nhiệt độ trung bình 22oC trở lên, diện tích đấp ứng cả 2 điều kiện này ở Tây Bắc rất ít. Giáo sư Lung đề nghị công khai cho dân biết những công ty cao su có tồn tại và có lãi được không, để tránh tình trạng duy ý chí.

TS. Hứa Đức Nhị, Hội Chủ rừng Việt Nam và TS. Vũ Đình Tuyên, Vụ Kinh tế ngành – Văn phòng Chính phủ đều thấy chưa rõ ràng về bức tranh phát triển cây cao su ở vùng Tây Bắc. Bức tranh qua lời người dân và lời công ty có màu sắc trái ngược nhau, cần nghiêm túc đánh giá lại việc sản xuất cao su không chỉ vùng Tây Bắc mà cả vùng núi phía Bắc để Chính phủ thấy rõ hơn những vướng mắc, bất cập. Các bên nên rà soát lại quỹ đất của các công ty, những chỗ không hiệu quả thì phát triển theo hướng cây lâm nghiệp. “Các công ty phải tự chứng minh với dân là chúng tôi tồn tại ở đây sẽ đảm bảo bền vững chứ nếu vài năm nữa vẫn không hiệu quả và người dân hết sức chịu đựng thì có nói thế nào cũng không ai tin nữa”.

Theo Báo cáo của tổ chức Forest Trends, trên 30.000 ha, chủ yếu là đất canh tác của các hộ đồng bào dân tộc, được góp cùng Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam để phát triển cây cao su ở vùng Tây Bắc bắt đầu từ năm 2007-2008. Bình quân mỗi hộ góp 1 ha, tổng số hộ tham gia là trên dưới 30.000 hộ, tương đương hơn 10 vạn nhân khẩu, và có tác động lớn đến sinh kế người dân.

Ngày 18/6/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 990/QĐ-TTg cho phép thí điểm mô hình hộ dân góp đất để hợp tác với công ty con của Tập đoàn cao su để phát triển cao su tại Sơn La, hàng năm phải báo cáo Thủ tướng về tình hình thí điểm, tổng kết đánh giá giai đoạn thí điểm vào quý IV năm 2018. Đến nay thời hạn đánh giá kết quả của mô hình đã qua.

Ngày 18/4/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu đánh giá tổng thể hiệu quả mô hình người dân góp đất trồng cao su tại Tây Bắc. Đánh giá cần thực hiện công khai, minh bạch trong thời gian sớm nhất. Kết quả của đánh giá này trên các phương diện xã hội, môi trường, kinh tế làm nền tảng để có những bước tiếp theo.

Nhật Anh

Nguồn: