Bất đồng tại KCN Hòa Tâm: Phú Yên làm đúng luật

ThienNhien.Net – Đó là khẳng định của ông Trần Quang Nhất – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên trong cuộc gặp gỡ và trả lời một số cơ quan báo chí xung quanh những bất đồng gần đây giữa Công ty Cổ phần Hiệp Hòa Phát, đơn vị đầu tư KCN Hòa Tâm với UBND tỉnh Phú Yên khi tỉnh này có chủ trương cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô xây dựng nhà máy lọc dầu trong KCN Hòa Tâm.

Tại cuộc gặp, Đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Phú Yên cho biết: Dự án KCN Hòa Tâm được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư số 3622000036 ngày 26/11/2010 và giao cho Công ty Cổ phần Hiệp Hòa Phát (TP HCM) làm chủ đầu tư với mục tiêu: đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, cảng biển nước sâu và các ngành dịch vụ phục vụ cho công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, dầu khí, công nghiệp vận tải đường thủy, cảng và kho bãi… với tổng diện tích đất là 2.155 ha gồm 1300 ha mặt nước.

Phối cảnh tổng thể KCN Hòa Tâm (Ảnh: www.nld.com.vn)
Phối cảnh tổng thể KCN Hòa Tâm (Ảnh: www.nld.com.vn)

Theo hồ sơ đăng ký và cam kết của nhà đầu tư thì tiến độ thực hiện dự án là 8 năm và được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ 2010 đến 2014 là bồi thường, san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho KCN Hòa Tâm với khối lượng khoảng 79% diện tích của dự án bao gồm toàn bộ diện tích của KCN lọc hóa dầu và một phần của KCN đa ngành. Giai đoạn 2 từ năm 2015 đến năm 2018 tiếp tục thi công xây dựng hoàn thành toàn bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật của dự án theo phương thức cuốn chiếu: vừa thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật vừa tiếp nhận các nhà đầu tư.

Tháng 7/2012, trước đề xuất của Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô, UBND tỉnh Phú Yên đã có công văn gửi một số Bộ ngành và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận chủ trương điều chỉnh nâng công suất Nhà máy lọc dầu Vũng Rô từ 04 triệu lên 08 triệu tấn/năm và chuyển dời nhà máy lọc dầu này từ địa điểm cũ tại Làng Thượng – huyện Đông Hòa về KCN Hòa Tâm, đồng thời UBND tỉnh sẽ giao đất trực tiếp không thu tiền thuê đất đối với 450 ha của dự án này.

Không thể bỏ lỡ cơ hội phát triển 

Trả lời các phóng viên báo chí khi được chất vấn tại sao tỉnh đã cấp phép đầu tư KCN Hòa Tâm cho Hiệp Hòa Phát rồi mà nay lại tự nhiên giao 450ha đất trong phạm vị KCN này cho một chủ đầu tư khác để họ xây dựng nhà máy lọc dầu, ông Nhất khẳng định: Trước tiên, việc nâng công suất Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô từ 4 triệu lên 8 triệu tấn và chọn địa điểm xây dựng trong khu vực KCN Hòa Tâm đã được chính Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Thủ tướng Chính Phủ đồng ý chính thức bằng văn bản thông báo số 52/TB- VPCP ngày 01/02/2013.

090513_CMT_hoatam1
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nâng cấp công suất nhà máy lọc dầu từ 4 triệu lên 8 triệu tấn và chọn địa điểm tại KCN Hòa Tâm

Ông Nhất cho rằng không phải vô cớ mà tỉnh đã giao cho Hiệp Hòa Phát làm chủ đầu tư KCN Hòa Tâm rồi nay lại giao một phần cho đất trong đó cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô xây dựng nhà máy lọc dầu, mà do nguyên nhân Hiệp Hòa Phát đã chậm chạp trong việc triển khai dự án nên đến nay thời hạn đã hơn một năm nhưng nhà đầu tư này vẫn chưa hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 để trình phê duyệt, chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, chưa thực hiện việc đến bù GPMB. Ngoài ra, đến nay đơn vị này cũng như chưa hề đầu tư xây dựng bất cứ một công trình nào trong khu vực được giao, gây bất bình trong dư luận, người dân địa phương và làm mất cơ hội đầu tư phát triển của tỉnh.

Liên quan đến sự chậm trễ trong việc triển khai dự án, đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư Phú Yên còn cho biết thêm: do đề xuất từ phía Hiệp Hòa Phát nên ngày 27/6/2012, UBND tỉnh Phú Yên đã có công văn báo cáo Thủ tướng và các Bộ ngành liên quan về việc bổ xung dự án Trung tâm điện lực Hòa Tâm vào quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, tuy nhiên, tại văn bản số 6620/BCT- TCNL ngày 23/7/2012 Bộ Công thương đã có ý kiến: “Trong tình hình phát triển nguồn, lưới điện và nhu cầu tăng trưởng phụ tải hiện nay, quy mô của trung tâm điện lực không nên vượt quá 2400 MW và thời điểm xuất hiện không sớm hơn năm 2020”.

Không những vậy, ngày 24/7/2012, UBND tỉnh cũng đã có văn bản trình Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xem xét và thống nhất điều chỉnh mục đích sử dụng đất từ quy hoạch quốc phòng sang đất phát triển kinh tế đối với diện tích 40 ha của kho chứa dầu thô dự trữ ngầm và thỏa thuận chiều cao tĩnh không 250m của các cột ống khói nhà máy lọc hóa dầu và trung tâm điện lực Hòa Tâm, tuy nhiên đến nay, cả Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 đều chưa có ý kiến trả lời. Với những vướng mắc trên, chắc chắn Hiệp Hòa Phát sẽ phải điều chỉnh lại dự án, chờ đợi rất lâu mới có thể trình UBND tỉnh phê duyệt, và như vậy cơ hội lớn đối với tỉnh chắc sẽ khó mà thực hiện được.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công văn đề nghị giao đất trực tiếp cho dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công văn đề nghị giao đất trực tiếp cho dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô

Tại cuộc họp báo, Đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Phú Yên cũng cho biết: Địa điểm mà Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đề nghị điều chỉnh là khu vực dành cho KCN Lọc hóa dầu, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại quyết định số 1712/QĐ- TTg ngày 23/10/2009. Không những vậy, đây còn là dự án đầu tư có quy mô lớn, là hạt nhân của khu kinh tế Nam Phú Yên, có ý nghĩa quyết định trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Phú Yên và là dự án đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là cơ hội không dễ gì có được để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng phục vụ cho việc phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết của HĐND tỉnh. Nếu chờ Công ty Cổ phần Hiệp Hòa Phát hoàn chỉnh quy hoạch, trình duyệt và thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng thì không biết bao giờ mới xong, khi đó cơ hội để có một dự án lớn mang lại nhiều nguồn thu cho tỉnh chắc chắn sẽ không còn.

Vì lợi ích các bên 

Đề cập đến việc Công ty Hiệp Hòa Phát cho rằng Công ty TNHH Dầu Khí Vũng Rô chỉ là nhà đầu tư thứ cấp nên muốn xây dựng nhà máy lọc dầu trong KCN họ bắt buộc phải thuê lại đất qua Hiệp Hòa Phát, ông Nhất khẳng định: cho đến thời điểm này, quy hoạch chi tiết 1/2000 KCN Hòa Tâm do còn nhiều vướng mắc và còn phải điều chỉnh nên tỉnh chưa thể phê duyệt, do đó Hiệp Hòa Phát chưa được UBND tỉnh ra quyết định giao đất nên không thể cho thuê lại đất để thực hiện dự án. Không những vậy đến nay Hiệp Hòa Phát cũng chưa đầu tư xây dựng bất cứ công trình hạ tầng nào nên cũng không thể cho thuê kết cấu hạ tầng. Mặt khác, dự án lọc dầu Vũng Rô thuộc danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư và đầu tư tại Khu kinh tế Nam Phú Yên nên được miễn 100% tiền thuê đất.

Phó Chủ tịnh UBND tỉnh Phú Yên trả lời chất vấn của báo chí
Phó Chủ tịnh UBND tỉnh Phú Yên trả lời chất vấn của báo chí

Tại cuộc họp báo, khi đề cập đến những thiệt hại do phải điều chỉnh giảm quy mô nghiên cứu quy hoạch KCN Hòa Tâm, ông Nhất cho rằng: nếu dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô đặt trong khu vực KCN Hòa Tâm thì thực tế chỉ có lợi cho Hiệp Hòa Phát bởi việc thu hút các dự án đầu tư khác như: hóa dầu, công nghiệp phụ trợ… sẽ rất thuận lợi. Không những vậy, Hiệp Hòa Phát còn được hưởng lợi thế từ những dự án đầu tư ngoài hang rào theo cơ chế ưu đãi của Chính Phủ đối với những dự án an ninh năng lượng quốc gia.

Mặt khác, ông Nhất cũng khẳng định việc giao 450ha đất cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô để xây dựng nhà máy lọc dầu chỉ là việc điều chỉnh giảm quy mô nghiên cứu quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng của dự án KCN Hòa tâm do Hiệp Hòa Phát triển khai thực hiện. Những thiệt hại nếu có do phải điều chỉnh lại thiết kế, quy hoạch sẽ được phía tỉnh bồi hoàn một cách thỏa đáng trên nguyên tắc thực tế và hợp tình hợp lý.

– Đến nay, Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đã chuyển cho tỉnh Phú Yên 5 triệu USD đặt cược để cam kết thực hiện dự án, nếu trong một thời gian nhất định dự án không được thực hiện thì số tiền trên sẽ hoàn toàn thuộc về tỉnh. Ngoài ra, nhà đầu tư này cũng đã chi hơn 100 triệu USD cho việc chi phí san lấp mặt bằng, mua bản quyền công nghệ và thiết kế kỹ thuật cũng như thuê chuyên gia làm việc tại dự án. Ngay sau khi nhận được Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, nhà đầu tư sẽ ngay lập tức ký hợp đồng EPC với trị giá 287 triệu USD.- Ngay sau khi hoàn thành và đi vào khai thác, nhà máy lọc dầu Vũng Rô sẽ đóng góp vào ngân sách tỉnh Phú Yên khoảng 110 triệu USD thuế giá trị gia tăng (được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu), tạo việc làm cho khoảng 1300 lao động địa phương. Sau 5 năm đi vào hoạt động ổn định và hình thành nên các KCN hóa dầu và phụ trợ, dự án sẽ đóng góp vào nhân sách quốc gia cũng như địa phương hàng chục ngàn tỷ đồng, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.