Vẫn còn nhiều bất cập trong phát triển điện mặt trời

Việc phát triển điện từ năng lượng tái tạo thời gian qua tại các địa phương phía Nam đã phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, “đây là vấn đề quan trọng cần được tập trung xử lý, không thể chậm trễ, kéo dài”.

Xử phạt 150 triệu đồng 2 doanh nghiệp vi phạm ở Long An

Sáng ngày 4/4, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Long An cho biết, hai doanh nghiệp điện năng lượng mặt trời (bao gồm Công ty Cổ phần điện Mặt Trời Europlast Long An và Công ty Cổ phần điện Mặt Trời Europlast Long An) đã thực hiện xong nộp phạt, với tổng số tiền gần 150 triệu đồng. Hiện, hai doanh nghiệp đang khắc phục hậu quả đã được Thanh tra Sở Xây dựng chỉ ra trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Trước đó, Thanh tra Sở Xây dựng Long An đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với hai doanh nghiệp khi thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Công ty Cổ phần điện Mặt Trời Europlast Long An bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 110 triệu đồng đồng thời bị buộc thực hiện kiểm định chất lượng công trình, có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định.

Công ty Cổ phần điện Mặt Trời Europlast Long An khi thực hiện dự án đầu tư Nhà máy điện Mặt Trời tại xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, Long An đã có hành vi vi phạm trong việc lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng; khởi công xây dựng và nghiệm thu công trình.

Cụ thể, doanh nghiệp này đã lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ năng lực thi công và giám sát xây dựng; không gửi báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc gửi báo cáo không đầy đủ các thông tin liên quan đến quá trình xây dựng theo quy định; bàn giao, đưa công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng dự án điện năng lượng mặt trời, hai doanh nghiệp ở Long An bị xử phạt 150 triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Năng lượng BCG-Băng Dương bị xử phạt hành chính số tiền hơn 35 triệu đồng, buộc thực hiện kiểm định chất lượng công trình xây dựng theo quy định.

BCG-Băng Dương khi thực hiện dự án Nhà máy điện Mặt Trời ở xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, Long An đã lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ năng lực thi công và giám sát xây dựng; không gửi báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc gửi báo cáo không đầy đủ các thông tin liên quan đến quá trình xây dựng theo quy định.

Thanh tra Sở Xây dựng Long An yêu cầu hai doanh nghiệp trên nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp doanh nghiệp không chấp hành sẽ thực hiện cưỡng chế thi hành theo quy định.

Theo Sở Xây dựng Long An, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường quản lý xây dựng trên địa bàn; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các công trình, dự án xây dựng. Nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm, lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tăng cường giám sát các dự án điện mặt trời từ ngày 1/4

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã Ban hành quyết định số 795 về việc kiểm tra phát triển điện mặt trời. Dự kiến tổ chức các đoàn kiểm tra chia thành 2 đợt. Đợt một được thực hiện ngay tại thời điểm ngày 5/3/2021 và tiến hành kiểm tra đối với 10 tỉnh, thành phố có tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà lớn.

Đợt kiểm tra thứ 2 dự kiến sẽ thực hiện vào thời điểm tháng 5 và tháng 6 năm 2021. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên kế hoạch kiểm tra đợt 2 đã tạm dừng để thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hiện tại, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, việc đi lại giữa các địa phương được nới lỏng, công tác kiểm tra, giám sát đợt 2 đã có thể thực hiện được.

“Đây là vấn đề quan trọng cần được tập trung xử lý, không thể chậm trễ, kéo dài”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Sau cuộc họp, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra để tiếp tục thực hiện công việc rà soát, giám sát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà. Thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 1/4 đến hết ngày 10/4/2022.

Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Kết luận số 1424/KL-BCT về rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà tại các đơn vị điện lực trên cả nước.

Nhiều đơn vị trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung và Tổng công ty Điện lực TP.HCM… cũng thuộc diện kiểm tra và phát hiện một loạt sai phạm. Trong đó, hàng loạt các công ty điện lực có các sai phạm như ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, trái với quy định của Bộ Công Thương; thỏa thuận, chấp thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải hệ thống điện là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể thấy, việc phát triển điện từ năng lượng tái tạo thời gian qua tại các địa phương phía Nam đã phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Đơn cử với điện mặt trời, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được phê duyệt vào tháng 3/2016, đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện mặt trời đạt khoảng 12.000MW.

Tuy nhiên, số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến hết tháng 4/2021, tổng công suất điện mặt trời đã đạt 17.000MW, chiếm tỷ lệ gần 25% công suất đặt (tổng công suất định mức của những thiết bị tiêu thụ điện) của hệ thống. Tại Ninh Thuận, nhiều nhà máy điện mặt trời không thể phát huy tối đa công suất vì thiếu hạ tầng truyền dẫn. Còn tại Cà Mau, hơn 300.000 ha mặt nước đang chờ được các bộ, ngành cho phép lắp pin năng lượng mặt trời để phát điện.