Những trông đợi ở Davos

Niềm hy vọng Diễn đàn Kinh tế thế giới có thể tạo ra bước đột phá trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tan thành mây khói khi toàn bộ phái đoàn Nhà Trắng ngồi nhà

Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019 (WEF 2019) sẽ diễn ra ở Davos – Thụy Sĩ từ ngày 22 đến 25-1, với chủ đề chính là “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc mới trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”.

WEF 2019 được đánh giá là nơi tụ họp của những nhân vật giàu có và quyền lực nhất thế giới. Thế nhưng, nhiều vấn đề về chính trị và kinh tế đang treo lơ lửng trên đầu giới tinh hoa toàn cầu khi họ tập trung tại Davos lần này.

WEF tự nhận vai trò của mình là “cải thiện tình trạng của thế giới”. Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Anand Giridharadas, sau nhiều thập kỷ đấu tranh cho toàn cầu hóa, nay WEF e sợ rằng tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng, chủ nghĩa bảo hộ và nền chính trị theo chủ nghĩa dân tộc có thể khiến kinh tế thế giới “mộng du” vào một cuộc khủng hoảng khác.

Nhà sáng lập WEF Klaus Schwab nhận định: “Toàn cầu hóa sản sinh ra kẻ thắng, người thua và không có thêm nhiều người thắng nữa trong 24, 25, 30 năm qua nhưng chúng ta phải chăm sóc những người thua sau khi họ bị bỏ lại phía sau”. Ông Schwab dự kiến sẽ thúc đẩy các chính khách và người đứng đầu doanh nghiệp theo hướng toàn cầu hóa toàn diện mới, để sửa chữa khoảng cách giữa “giai cấp vô sản thế kỷ XXI” chiếm số đông và số ít những người được đặc quyền đặc lợi.

Về biến đổi khí hậu, sau nhiều năm cảnh báo, hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp, chính khách và nhà kinh tế dường như đã nhận ra thông điệp cấp bách. Biến đổi khí hậu và các sự kiện thời tiết cực đoan đã đứng đầu danh sách các mối hiểm nguy nền kinh tế thế giới đang đối mặt – theo cuộc thăm dò thường niên của WEF về các nguy cơ toàn cầu.

Nhà sáng lập WEF Klaus Schwab phát biểu tại cuộc họp báo trước hội nghị thường niên ở Davos Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, các mối quan hệ quốc tế đang ngày càng xấu đi và chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng cho thấy càng khó đạt được thỏa thuận toàn cầu về vấn đề này, mặc dù các vụ cháy rừng ở California – Mỹ và lụt lội gần đây ở Pháp đã bộc lộ rõ cái giá phải trả về con người và kinh tế của thái độ không hành động.

Ngoài ra, sức khỏe tâm thần đã được WEF đặt làm một đề tài then chốt ở Davos năm nay. WEF 2019 sẽ đề cập những nỗi lo sợ rằng tình trạng trầm cảm, lo âu và các vấn đề khác về sức khỏe tâm thần đang tăng lên nhưng không hề được đánh giá đúng mức và lưu tâm thích đáng. Hoàng tử Anh cùng với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern sẽ tham gia hội đồng “các vấn đề sức khỏe tâm thần”.

Trong khi đó, niềm hy vọng hội nghị ở Davos có thể tạo ra bước đột phá trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc đã tan thành mây khói khi toàn bộ phái đoàn Nhà Trắng ngồi nhà. Về phần mình, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn sẽ nhấn mạnh về thiệt hại do chiến tranh thương mại gây ra, đồng thời cho biết liệu kinh tế Trung Quốc có tụt dốc nhanh như một số nhà kinh tế e ngại hay không.

Một diễn biến khác, cuộc thăm dò ý kiến mới được WEF công bố trước thềm hội nghị ở Davos cho thấy thế giới mở rộng cửa cho nhập cư và sự hợp tác đa phương. Theo đó, đa số những người tham gia đều tin chắc sự hợp tác giữa các quốc gia là rất quan trọng.

Thêm vào đó, một báo cáo khác của WEF, với tựa đề Báo cáo Thách thức Toàn cầu 2019, cho thấy nguy cơ đối đầu chính trị gia tăng giữa các cường quốc sẽ ngăn chặn doanh nghiệp và chính phủ giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu hoặc các vụ tấn công mạng.

Ngôi sao mới

Dù vắng mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số lãnh đạo thế giới khác, WEF 2019 tại Davos vẫn là tâm điểm chú ý. Chủ nhân Nhà Trắng hồi đầu tháng này đã hủy tham dự sự kiện vì chính phủ Mỹ đóng cửa một phần, đồng thời hủy chuyến đi dự kiến của phái đoàn cấp cao, gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Ngoại giao Michael Pompeo và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross. Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng không tham dự cuộc họp năm nay tại Thụy Sĩ, do các vấn đề trong nước.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel và tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro là những nhà lãnh đạo hàng đầu trong danh sách tham dự hội nghị. Cuộc họp giữa các phái đoàn Mỹ và Trung Quốc được cho là một trong những điểm nhấn của sự kiện năm nay. Ông Klaus Schwab, nhà sáng lập WEF, hôm 19-1 cho biết tuy phái đoàn cấp cao Mỹ không tham dự nhưng có khoảng 800 người từ Mỹ dự kiến có mặt, trong đó có các lãnh đạo của những công ty lớn nhất thế giới. Chủ tịch điều hành WEF này cho hay: “Chúng ta có thể tin vào sự hiện diện của khoảng 60 nguyên thủ quốc gia. Điều này chứng tỏ sự kiện tại Davos vẫn có sức ảnh hưởng”.

Theo đài CNBC (Mỹ), sự vắng mặt của ông Trump trong sự kiện kéo dài 5 ngày sẽ là cơ hội giúp tổng thống Brazil mới đắc cử tỏa sáng trên sân khấu WEF. Trong chuyến công du quốc tế đầu tiên kể từ khi trở thành tổng thống chưa đầy 3 tuần, ông Bolsonaro dự kiến có bài phát biểu dài 45 phút tại WEF ngày 22-1. Các nhà phân tích cho rằng tổng thống của nền dân chủ lớn nhất Mỹ Latin sẽ tập trung vào các kế hoạch giải quyết vấn đề lương hưu của chính phủ Brazil dù nhiều khả năng đối mặt chỉ trích về một số vấn đề từ biến đổi khí hậu đến nhân quyền.

“Với việc lần đầu có mặt tại WEF và đại diện cho sự chuyển dịch quan trọng từ chính quyền cánh tả sang cánh hữu tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin, Tổng thống Bolsonaro sẽ thu hút sự chú ý từ báo giới” – ông Robert Wood, nhà phân tích về Brazil tại Cơ quan Tình báo Kinh tế (Anh), nhận định. Được truyền thông Brazil xem là “Donald Trump miền nhiệt đới” trong suốt chiến dịch tranh cử gây chia rẽ sâu sắc, tân tổng thống 63 tuổi cho biết ông muốn giới thiệu một đất nước Brazil khác tại diễn đàn. Ông Wood cho hay: “Trọng tâm chính của ông Bolsonaro là muốn đưa Brazil trở lại thành điểm đầu tư hấp dẫn bằng việc đề xuất những cải cách thị trường tự do và tái khẳng định những cam kết về việc ban hành những cải cách lương hưu để thiết lập một trật tự tốt hơn đối với nền hành chính công”.

Xuân Mai

 

Nguồn: