Người phụ nữ thành đạt từ gáo dừa

Sự thành công của Nguyễn Thị Kim Thanh – Giám đốc Công ty Dừa Việt gắn liền với dừa. hiều người gọi đùa bà là doanh nhân… gáo dừa. Với bà, những chiếc gáo dừa vốn chỉ để người dân quê làm ca múc nước, hoặc bị bỏ đi sẽ biến thành tranh, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất cao cấp đắt tiền. Sản phẩm làm từ gáo dừa của bà đã có mặt ở Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Singapore, Nhật…

Đánh thức…

“Đánh thức gáo dừa” là ý tưởng đặt cho bức tranh gáo dừa Việt Nam quê hương tôi của Giám đốc Công ty Dừa Việt Nguyễn Thị Kim Thanh vừa tham gia thành công tại sàn giao dịch ý tưởng do Vietbook tổ chức lần đầu tiên vào ngày 22-10-2006. Tại sàn giao dịch này, chỉ có hai ý tưởng, một của ông Huỳnh Văn Đa với bộ tác phẩm 54 bình gốm, một của bà Kim Thanh với bức tranh nói trên được mua với giá cao. Bức tranh này có diện tích 1,59 m x 2,78 m được Vietbook công nhận đạt kỷ lục Guinness về tranh gáo dừa lớn nhất Việt Nam và được bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Tổng Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ, mua với giá 100 triệu đồng.

Việt Nam quê hương tôi đánh dấu sự thành công của bà Kim Thanh ở lĩnh vực làm tranh gáo dừa. Nhưng sẽ rất bất ngờ đối với nhiều người khi biết bà khởi nghiệp từ một nhân viên kế toán, không biết một tí gì về mỹ thuật, hội họa. Anh Võ Quý Quốc, tốt nghiệp Trường CĐ Mỹ thuật Đồng Nai hiện là nhân viên thiết kế tại xưởng Dừa Việt, kể lại những ngày đầu làm tranh của bà: “Làm tranh lập thể rất khó, càng khó hơn với dân tay ngang. Tôi phục cô ở điểm này khi tự mày mò, ra tận miền Trung tìm người tư vấn, chỉ bảo, rồi thức trắng hàng đêm bên bản vẽ để có một bức tranh lớn và độc đáo như thế”. Người mua tranh – bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng nhận xét: “Tôi chọn mua bức tranh này không chỉ vì nó đẹp, phản ánh được cái hồn phong cảnh làng quê nên thơ, bình dị của Việt Nam. Tôi mua nó còn là vì sự đồng điệu ý tưởng.

Bước ngoặt

Mỗi tuần không dưới 3 lần bà chạy xe từ nhà ở Sài Gòn xuống xưởng ở tận Củ Chi cách xa gần 50 km. Xưởng của Công ty Dừa Việt là ngôi nhà ba gian cũng được làm từ gỗ dừa, trong nhà vật dụng cũng toàn bằng dừa nằm tại xã Tân An Hội, bên dòng kênh Thầy Cai được xây dựng vào năm 1999. Khi xây ngôi nhà này, bà phải về tận Bến Tre mua dừa. Cái nghiệp làm tranh gáo dừa, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất của bà bắt đầu từ đây. Bà nhận ra những chiếc gáo dừa người dân quê thường làm ca múc nước có tuổi thọ hàng chục năm. Còn nếu không làm ca, người ta vứt bỏ, làm củi. “Tại sao lại không tận dụng chế tạo những sản phẩm phục vụ cho đời sống trong thời buổi gỗ ngày càng hiếm?”. Nghĩ thế và sau chuyến đi ấy, bà ra sức nghiên cứu các sản phẩm từ gáo dừa. Đến năm 2003, tại một hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, bà trình làng đề tài khoa học “Vật liệu mới từ gáo dừa, khả năng ứng dụng làm vật liệu và trang trí nội thất” và đoạt giải nhì. Từ đó, các loại gạch gáo dừa bắt đầu xuất hiện trên thị trường và được nhiều người đánh giá cao về độ bền, thẩm mỹ, ưa thích sử dụng hơn cả gạch ốp, đá hoa cương. Cũng với gáo dừa, bà tiếp tục nghiên cứu và thành công cùng đề tài “Tranh gáo dừa bóc lớp từng phần” với hơn 70 bức tranh bằng gáo dừa, đoạt giải khuyến khích tại hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật năm 2004.

Truyền lửa đam mê

Tuy không còn trẻ nhưng bà Kim Thanh lúc nào cũng hoạt bát, nhanh nhẹn. Bà nói về cách làm của mình: “Tôi không cho mình là người… bề trên. Tôi làm việc gì cũng không nề hà. Có khi tôi ở văn phòng sắp xếp công việc, điều hành xưởng. Có khi chạy đi giao hàng, tìm đối tác. Thỉnh thoảng xách xe chạy đi làm nhân viên kinh doanh…”.

Với công việc, bà như một con ong chăm chỉ. Với kinh doanh, bà là doanh nhân giỏi nắm bắt cơ hội, dù khởi nghiệp trái nghề. Cái hay là những bức tranh do bà làm sắc màu được thể hiện nhuần nhuyễn, hài hòa giữa gam màu ngà của dừa non, gam màu nhạt của dừa rám và màu nâu sậm của dừa khô. Tất cả chủ đề đều hướng về con người, thiên nhiên, hoa cỏ. Có lẽ nhờ thế mà sản phẩm của Công ty Dừa Việt hiện nay không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất sang nhiều nước như Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Singapore, Nhật…

Từ 6 lao động ban đầu đến nay số nhân công, thợ và cả đội ngũ thiết kế làm việc tại xưởng khoảng 30 người, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Họa sĩ Nguyễn Điệp, gần 3 năm gắn bó, làm việc cùng bà, nói: “Tôi học được ở bà sự tận tâm với nghề, hết lòng vì mọi người”. Một người thợ khác, ông Nguyễn Tiến Dũng, 42 tuổi quê ở Bến Tre, bộc bạch: “Tôi có 6 năm làm việc tại xưởng. Từ người không biết gì, nhờ chị dẫn dắt, tôi có thể làm được nhiều sản phẩm mỹ nghệ, tranh gáo dừa”.