Lép vế trước FDI

Luật chơi phải được thiết lập lại, tạo thế cân bằng cho doanh nghiệp nội trước các doanh nghiệp FDI.

Sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, giấc mơ Việt Nam thịnh vượng cùng doanh nghiệp FDI một lần nữa lại nhen nhóm. Ngay những ngày đầu năm, một vị lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì cuộc họp về Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.

Theo đó, Đề án chưa nêu bật được những nội dung then chốt liên quan đến thực trạng, xu hướng phát triển của khu vực FDI, một trong những nguyên nhân khiến một số chuyên gia đã nói “có 2 nền kinh tế trong 1 đất nước” hay Nhà nước ưu đãi quá mức cho doanh nghiệp FDI mà để người nhà lép vế. Điều này dự báo sẽ có những thay đổi cơ bản trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

Nghiên cứu gần đây của Tiến sĩ Bùi Trinh (Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam) và Tiến sĩ Nguyễn Hồ Phi Hà (Học viện Tài chính) chứng minh, trong nền kinh tế hiện nay, thành phần kinh tế có thặng dư cao và để dành là khu vực đầu tư nước ngoài FDI. Về phần mình, dù GDP tăng cao nhưng đa số người dân Việt không có tiền để dành mà phải đi vay một phần để tiêu dùng, nghĩa là không có tiền tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Nghịch lý càng thêm khó hiểu khi nhóm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có quyền sử dụng nguồn tín dụng trong nước buộc các đồng nghiệp sở tại phải chia sẻ nguồn lực mà họ rất khó khăn mới tiếp cận được.

Cánh cửa cộng sinh cùng các doanh nghiệp FDI của doanh nghiệp Việt cũng gần như đóng kín. Quy định chặt chẽ về việc nhà đầu tư nước ngoài phải lập liên doanh với các đồng sự Việt Nam sau khi vấp phải thủ thuật loại doanh nghiệp nội bằng cách liên tục tăng vốn đã nới lỏng. Kết quả là theo một khảo sát được công bố năm 2017, khoảng 80% FDI ở Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Doanh nghiệp FDI tự làm tự hưởng, kéo thêm các doanh nghiệp nhỏ từ nước mình sang Việt Nam làm đối tác ngay cả ở những lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam có thể làm và làm tốt như dệt may, da giày, khai thác khoáng sản…

Năm 2018, Việt Nam thu hút được 35,46 tỉ USD vốn FDI đăng ký, giải ngân đạt 19,1 tỉ USD nhưng nói như các chuyên gia kinh tế, Việt Nam chỉ được một chút lao động giá rẻ. Chính vì những lý do trên, không ngạc nhiên, những chỉ đạo “bắt trúng bệnh” của nền kinh tế nói trên nhận được sự ủng hộ và đồng tình của rất nhiều chuyên gia kinh tế.

Trao đổi với NCĐT, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra quy trình ngược khiến Việt Nam bị thua thiệt khi tiếp nhận đầu tư FDI. Thứ nhất, quy tắc đối xử quốc gia, hàm nghĩa doanh nghiệp nước ngoài được đối xử ngang bằng với khối doanh nghiệp trong nước đã biến tướng thành kiểu nhịn miệng đãi khách. Thậm chí, doanh nghiệp Việt Nam còn thua thiệt rõ rệt trong tiếp cận nguồn lực tại chỗ, đặc biệt là đất đai.

Thứ 2, Việt Nam đang ưu đãi ngược. Thông thường, doanh nghiệp nước ngoài thuộc các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, đã cam kết và thực hiện đúng các cam kết trước khi đầu tư thì mới được nhận ưu đãi. Đằng này, chúng ta ưu đãi ngay từ khi họ bước chân vào Việt Nam. Dù họ không thực hiện đúng theo cam kết hay có những hoạt động làm ảnh hưởng tới môi trường, tổn hại tới quyền lợi người lao động, không những chúng ta không trừng phạt, ưu đãi dành cho họ vẫn không thay đổi.

Cuộc chạy đua thu hút FDI của các địa phương dẫn tới vấn đề thứ 3, ưu đãi thừa. Điều này thể hiện rõ nét trong vấn đề tiếp cận đất đai. Từ khi địa phương được phân cấp quyết định giao đất cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp FDI thường được lấy nhiều hơn đất so với mức cần thiết, với mức giá ưu đãi và thời gian dài hơn.

Nguyên tắc có thể cân nhắc là doanh nghiệp FDI được ưu đãi gì, doanh nghiệp Việt được ưu đãi cái đó; không ưu đãi thừa, có cơ chế thu hồi ưu đãi; triệt để áp dụng hậu ưu đãi (ưu đãi sau khi nhà đầu tư đã thực hiện xong cam kết); phân hạng ưu tiên đầu tư để có ưu đãi đích đáng cho doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ ở những lĩnh vực Việt Nam đang cần phát triển.

Song song đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI bằng cách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài lập liên doanh với Việt Nam. Không loại trừ khả năng bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải hợp tác với đối tác nội địa trong một số lĩnh vực trọng tâm hoặc đầu tư ở địa bàn nhạy cảm. Khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đưa doanh nghiệp thuần Việt vào chuỗi phụ trợ bằng cách ưu đãi thêm cho họ. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp trong nước mới tiếp nhận được sức mạnh lan tỏa từ khối FDI, để trưởng thành, song hành cùng họ trên con đường tiến tới một nền kinh tế Việt Nam hùng cường.