Lượng amoni tại “sông tuyết” Hà Nam vượt 70 lần cho phép

Amoni nếu tồn tại trong nước với hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn cho phép có thể chuyển hóa thành các chất gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.

Đại diện sở TN-MT tỉnh Hà Nam cho biết, hàm lượng amoni tại “sông tuyết”- đoạn chảy qua trạm thủy lợi Chợ Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam vượt trên 70,3 lần cho phép. Nồng độ oxy hòa tan dưới 2,5 lần giới hạn cho phép. Nước sông bị ô nhiễm ở cấp độ 2 – mức nghiêm trọng.

Amoni nếu tồn tại trong nước với hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn cho phép có thể chuyển hóa thành các chất gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác. Oxy hòa tan cần thiết cho sinh vật thủy sinh phát triển cũng cho thấy nguồn nước bị ô nhiễm chất hữu cơ.

Nước sủi bọt trắng xóa như “sông tuyết”.

Sở TN-MT tỉnh Hà Nam đề nghị UBND các địa phương kịp thời cho các xã phường ven sông Nhuệ, sông Đáy có biện pháp phòng ngừa để hạn chế thiệt hại về nguồn lợi thủy sản. Nhân dân trong khu vực cần sử dụng tiết kiệm nước sạch. Công ty Cổ phần nước sạch Hà Nam cần đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.

Theo ngành nông nghiệp địa phương, cả 5 khu vực trạm bơm thủy lợi trên địa bàn huyện Duy Tiên đều xảy ra hiện tượng sủi bọt trắng xóa trên sông. Tình trạng này đã kéo dài gần 3 tuần nay. Nguyên nhân là do việc bơm nước từ sông Duy Tiên kết nối từ sông Nhuệ phục vụ cho vụ đông xuân. Đây là nguồn nước phục vụ cho vụ đông xuân cấy lúa và hoa màu.

Trước đó, báo Người Đưa Tin đã phản ánh thực trạng ô nhiễm tại “sông Tuyết” ở Hà Nam. Hiện tượng đùn bọt trắng xóa, có đoạn bọt tràn cả bờ, dưới sông nước đen ngòm bốc mùi hôi thối khiến người dân sống gần khu Chợ Lương, xã yên Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam vô cùng bức xúc .

Theo phản ánh của người dân, hiện tượng này xảy ra từ nhiều năm nay, người dân phải chịu đựng sống trong cảnh ô nhiễm nồng nặc. Nhiều người già và trẻ em đã phải di cư đi nơi khác sống nhờ nhà người thân. Một số hộ gia đình đã tính đến chuyện di cư đến nơi khác sống.

Các chuyên gia hóa học phân tích, amoni không quá độc với cơ thể, nhưng nếu tồn tại trong nước với hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn cho phép, nó có thể chuyển hóa thành các chất gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác. Với hàm lượng amoni có trong nước vượt trên 70,3 lần cho phép- mức độ ô nhiễm vô cùng nguy hiểm. Khi nồng độ amoni trong nước cao, rất dễ sinh nitrit (NO2). Trong cơ thể động vật, nitrit và nitrat có thể biến thành N – nitroso – là chất tiền ung thư.

Nước nhiễm amoni sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Khi chất này vào trong cơ thể sẽ chiếm mất oxy khiến cho trẻ bị xanh xao, ốm yếu, thiếu máu, khó thở do thiếu oxy trong máu. Đến một giai đoạn nào đó khi nhiễm amoni nặng sẽ gây ngộp thở và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc về nguồn amoni cao bất thường ở đoạn “sông tuyết” này

Lan Huệ