Gia Lai: Sông oằn mình "cõng" thuỷ điện

ThienNhien.Net – Gia Lai là vùng đầu nguồn của ba hệ thống sông lớn đổ về duyên hải miền Trung và vùng tận cùng hạ lưu Mê Kông. Được đánh giá có tiềm năng lớn về phát triển thuỷ điện, nay Gia Lai đã trở thành một trong những tỉnh có số lượng nhà máy thuỷ điện nhiều nhất cả nước. Ngoài 7 nhà máy thuỷ điện lớn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hơn một trăm dự án thuỷ điện vừa và nhỏ đã được đưa vào quy hoạch của tỉnh. Điều này dẫn tới nguy cơ các con sông sẽ bị quá tải. Với những dòng sông đang phải oằn mình “cõng” thuỷ điện, tương lai, điều gì sẽ xảy ra?

 

65 nhà máy thuỷ điện trên một lưu vực sông

 

Gia Lai có ba lưu vực sông (LVS) chính là LVS Sê San, LVS Ba và LVS Sêrêpok. Hai dòng sông lớn là sông Sê San và sông Ba, từ năm 2001, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bậc thang thuỷ điện với 12 công trình lớn.

 

Theo Sở Công thương tỉnh Gia Lai, hiện tỉnh có bảy công trình thủy điện lớn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam(EVN) đầu tư với tổng công suất thiết kế1.871MW (gần tương đương với công suất tối đa của thuỷ điện Hoà Bình), trong đó trên dòng Sê San có bốn công trình (ba đang vận hành, một đang thi công), trên sông Ba có ba công trình đang thi công.

 

Thuỷ điện vừa và nhỏ của Gia Lai được quy hoạch trên cả ba lưu vực sông, với 113 bậc thang thuỷ điện, có tổng công suất 549,781 MW. Trong đó, LVS Sê San có 22 nhà máy, LVS Sêrêpok 26 nhà máy và LVS Ba 65 nhà máy. Nhắm mắt mà tính cũng thấy công suất của mỗi nhà máy chưa đầy 5 MW.

 

Tính đến nay, cả tỉnh mới có 21 nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ đi vào vận hành, có nghĩa rằng trong những năm tới, Gia Lai sẽ còn chờ đón ít nhất 92 công trình thuỷ điện vừa và nhỏ nữa.

 

Cũng lưu ý thêm rằng già nửa số công trình này nằm trên lưu vực sông Ba. Con số 65 bậc thang thuỷ điện trên dòng chính và các nhánh, chi của sông Ba riêng trên địa bàn Gia Lai cho thấy trong tương lai không xa các nhà máy thuỷ điện sẽ cắm chi chít trên các nhánh sông. Rất có thể, sông Ba sẽ sớm giành vị trí kỷ lục cả nước về số lượng nhà máy thuỷ điện.

 

Theo bản Quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ được UBND tỉnh duyệt tại Quyết định số 04/2004/QĐ-UB ngày 8/1/2004, số lượng công trình thuỷ điện dự kiến là 90, tương ứng với tổng công suất 216,24 MW. Như vậy, sau 5 năm, số lượng bậc thang thuỷ điện dự kiến đã tằng thêm 23 và tổng công suất tăng 250%.

 

Điện năng được sản xuất từ nguồn nước tự nhiên của các con sông, con suối. Việc công suất tăng lên, đồng nghĩa với lượng nước cung cấp để sản xuất điện tăng lên. Trong khi đó, dung tích các hồ chứa có hạn, nước cung cấp cho các nhà máy chủ yếu là từ các dòng chảy. Lưu lượng, mức nước các dòng chảy – trừ những đợt lũ lớn – gần như cố định.

 

Nguy cơ thiếu nước để sản xuất điện, lâu nay xảy ra với nhiều công trình thuỷ điện trên cả nước, có thể là lời cảnh báo cho thuỷ điện Gia Lai. Thực tế này chắc chắn các doanh nghiệp đầu tư thuỷ điện, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, không thể không biết!

 

Bàn công luận tội

 

Cũng dễ hiểu rằng với đà phát triển các công trình thuỷ điện như hiện nay, công nghiệp điện năng đang chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của Gia Lai. Ông Phạm Công Thành – Trưởng phòng Kinh tế ngành, Sở Kế hoạch – Đầu tư cho biết: Giá trị công nghiệp điện năng của tỉnh so với tổng giá trị công nghiệp toàn tỉnh năm 2008(*) là 446 tỷ đồng/2.910 tỷ đồng (chiếm 15% – PV), năm 2009 ước tính là 1.399/3.810 tỷ đồng (tức tăng lên 36,7%).

 

 thuy dien Ialy
Trừ mưa lũ lớn, đập tràn nhà máy thuỷ điện Yaly lúc nào cũng khô. Như vậy, các nhà máy thuỷ điện phía dưới sẽ ít có cơ hội tích nước.

Tiếp xúc với lãnh đạo một số nhà máy thuỷ điện ở Gia Lai, chúng tôi đều nhận được một lời phàn nàn chung: “Đánh giá các dự án thuỷ điện người ta chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của nó rồi kết tội các nhà máy thuỷ điện phá hoại môi trường, tác động xấu đến đời sống người dân địa phương như phá rừng, chiếm đất sản xuất. Thực tế, các nhà máy thuỷ điện hiện nay tạo ra cảnh quan môi trường đẹp, góp phần điều hoà khí hậu, có khả năng tích nước rất lớn để cấp nước cho mùa khô và cắt lũ….

 

Nhưng sự việc nhãn tiền từ việc xả lũ nhà máy thuỷ điện A Vương trong cơn bão số 10 vừa rồi khiến hàng trăm nghìn người dân ở miền Trung khốn đốn trong biển nước hẳn là một sự phản biện rõ ràng cho những lời biện hộ “ru ngủ” về việc điều tiết nước của các công trình thuỷ điện lâu nay.

 

Ông Lê Thanh Xuân – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, đồng thời là thành viên Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường các công trình thuỷ điện của tỉnh chia sẻ: Thuỷ điện vừa và nhỏ ở Gia Lai thường nằm ở vùng sâu, hầu như ít ảnh hưởng đến dân sở tại, có lấy ít đất rừng nhưng không đáng kể bởi các hồ chứa không lớn.

 

Lời nhận xét của ông Xuân khiến chúng tôi chợt liên tưởng đến câu chuyện về thuỷ điện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nó cũng nằm cách xa khu dân cư, khoảng 20 cây số và có vẻ như chẳng hề gây ảnh hưởng tiêu cực gì cho địa phương. Khi được hỏi, một số người dân sở tại thậm chí còn chưa nghe nói đến tên công trình. Vì vậy, họ cũng không hề biết rằng công trình ấy ban đầu chỉ xin 105 ha rừng để làm thuỷ điện nhưng thực tế đã ngốn đến hơn 300 ha, và đến nay, sau hơn 5 năm chính thức khởi công nó vẫn nằm ê hề ngổn ngang trong một vạt rừng cách họ không quá xa.

 


 (*) Tính theo giá năm 1994.