Khai thác đất, đá “chui” tràn lan (Bài 1): Lợi dụng cải tạo đất rồi đem bán

Từ nhiều năm qua, lợi dụng việc cải tạo mặt đất phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các xã: Sông Trầu, Sông Thao, Hưng Thịnh…của huyện Trảng Bom, nạn khai thác đất, đá để đem bán hoạt động khá rầm rộ.

Sau thời gian ngưng khai thác, khoảng 2 tháng trở lại đây, tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) lại nổi lên tình trạng mua bán đất, đá dùng để san lấp mặt bằng. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn tới môi trường và cuộc sống của người dân địa phương. Người dân liên tục có ý kiến với chính quyền địa phương, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Máy cuốc đang hoạt động hết công suất để khai thác đất đem bán ở ấp Hưng Bình,xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom).

Chỉ tính riêng tại một bãi đất ở ấp Hưng Bình, mỗi ngày đã có cả trăm lượt xe tải ben ồ ạt chở đất đem đi tiêu thụ.

“Xẻ thịt” đất đồi

Cách UBND xã Hưng Thịnh khoảng 300m hướng về ngã ba Sông Thao, cứ vài phút lại có 3-5 chiếc xe tải ben loại 10-15 tấn từ quốc lộ 1 rẽ vào đường Hưng Bình 1 (người dân địa phương quen gọi là đường Ba Lá Xanh). Bám theo một chiếc xe tải ben, phóng viên Báo Đồng Nai ghi nhận quá trình di chuyển chiếc xe liên tục bóp còi, chạy với tốc độ cao để đến điểm khai thác đất.

Từ nhiều năm qua, lợi dụng việc cải tạo mặt đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, tại các xã: Sông Trầu, Sông Thao, Hưng Thịnh… của huyện Trảng Bom, nạn khai thác đất, đá để đem bán hoạt động khá rầm rộ. Đến nay sau nhiều đợt ra quân xử lý của các cơ quan chức năng, tình trạng này vẫn ngang nhiên diễn ra.

Di chuyển khoảng 5km, vượt qua các rẫy thanh long, mía ở 2 bên đường, chiếc xe ben rẽ vào một quả đồi trồng điều. Đoạn từ đường nhựa vào nơi khai thác đất khoảng 200m đã được ủi sẵn để xe tải ben di chuyển dễ dàng.

Tuy nhiên, do nằm sâu bên trong khu đất nên chỉ có người quen mới lọt được vào nơi khai thác đất. Mọi hoạt động từ bên ngoài đều có người cảnh giới thăm dò rất kỹ, kể cả những người đang chăm sóc rẫy thanh long gần đó.

“Đây là rẫy của gia đình, tôi đang chôn cọc để trồng thanh long. Lúc mới đến đây, tôi cũng bị ông V. tra hỏi có phải người ở địa phương hay không?” – một người dân cho hay.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đồng Nai, ông V. là một “đầu nậu” chuyên đi “săn” các quả đồi trồng chuối, điều không hiệu quả của người dân địa phương rồi thuê phương tiện khai thác đất đem bán. Giá cả được ông V. giao ước với chủ đất để vừa có lợi cho cả 2 bên.

Với cách làm này, ông V. có thể “hợp thức hóa” chuyện khai thác thành cải tạo đất mà không bị chính quyền địa phương làm khó, còn người dân khi được ông V. “đề nghị hợp tác” đều khá yên tâm.

Ngày 19-12, chứng kiến việc khai thác đất tại đây, chúng tôi không khỏi giật mình trước cảnh cả một quả đồi rộng lớn bị xe ủi “san bằng” sau vài ngày hoạt động. Ở đây lúc nào cũng ồn ào bởi tiếng máy cuốc múc đất, tiếng xe tải ra vào chở đất. Hoạt động này diễn ra từ mấy tháng qua, lúc cao điểm có khoảng 2-3 máy cuốc và nhiều nhân công làm việc. Chưa đầy 30 phút quan sát, chúng tôi đếm có gần 10 xe vào ra khu vực này “ăn hàng”.

Liên hệ với ông V. đặt vấn đề mua đất chở đi nơi khác san lấp mặt bằng, ông cho biết không khó để vận chuyển đất đưa đi nơi khác, giá cả tùy thuộc vào quãng đường xa hay gần và quan trọng là cần bao nhiêu có bấy nhiêu. “Đường lớn chạy xe lớn, không được thì đi xe nhỏ của Trung Quốc, mỗi chuyến chở khoảng 7-8m3 đất” – ông V. khẳng định chắc nịch.

Đất sau khi được múc lên rao bán chủ yếu để san lấp mặt bằng. Ngoài ra, còn có hàng trăm m3 đá “mồ côi” được các chủ đất, “đầu nậu” bán lại cho các doanh nghiệp khai thác đá.

Xung quanh “công trường” khai thác đất của ông V., đất bị xới tung, nhiều vị trí bị múc sâu cả chục mét; tiếng máy cuốc hoạt động ầm ĩ cùng hàng chục chuyến xe chở đất to nhỏ vào ra nhộn nhịp. Trong quá trình khai thác đất, một người được ông V. thuê làm giám sát liên tục hối thúc nhân công nhanh chóng làm việc. Người này cũng thường đảo mắt xung quanh xem có người lạ thâm nhập vào “công trường” hay không.

Sau vài ngày khai thác, một quả đồi trồng điều rộng lớn đã bị “xẻ thịt” chỉ còn là bãi đất trống nham nhở và trơ trụi. Hiện trạng sau khi khai thác đất khiến những hộ dân làm rẫy gần đó cũng khó mà nhận ra được.

Khó, vẫn có đất bán

Cách đó không xa, một khu vườn khác đã bị xe cuốc cày xới liên tục. Người dân địa phương cho hay khu vực này do ông U. khai thác. Người này đã huy động nhiều phương tiện đến múc đất tạo thành những “vách núi” cao. Khi sự việc bị cơ quan chức năng phát hiện, ông U. tạm ngưng khai thác đất, nhưng hậu quả là có đến hàng ngàn m3 đất đã bị đào bới và chuyển đi nơi khác bởi hàng trăm chuyến xe tải ben.

Đất nông nghiệp bị múc đem đi bán, vườn rẫy tạo thành những “vách núi” cao gần chục mét.

Trong vai người có nhu cầu mua đất san lấp mặt bằng, chúng tôi tiếp xúc với những “cò” mua bán đất chuyên nghiệp ở đây dễ dàng bởi chỉ cần dừng xe bên đường hỏi mua đất đã có nhiều “cò” giới thiệu ngay.

“Cò” Đ. (khoảng 45 tuổi) cho biết trước đó, vợ chồng ông ta phải bỏ ra mấy triệu đồng để mua đất về san mặt bằng làm quán và cũng nhờ vậy mà biết nhu cầu mua đất của người dân rất lớn. Ông Đ. chia sẻ, dạo gần đây bị “siết” quá nên rất khó mua được những xe đất dôi dư nhờ cải tạo đất và giá cũng cao hơn so với trước đây 50-100 ngàn đồng/xe 6m3. Tuy nhiên khó cỡ nào cũng có đất để bán, nếu chúng tôi đồng ý thì ông sẽ cho số điện thoại chủ đất hoặc “đầu nậu” để liên hệ mua. Mỗi lần thỏa thuận thành công, ông Đ. được chủ đất cho vài trăm ngàn đồng uống nước chứ không được hưởng nhiều.

Vài phút sau, tự xưng là người chuyên đứng ra mua bán đất san lấp mặt bằng ở khu vực xã Hưng Thịnh, ông Ng. điện thoại cho chúng tôi biết giá đất san lấp mặt bằng đắt hay rẻ tùy thuộc vào từng loại đất; nếu đất bồi giá khoảng 400 ngàn đồng/xe 6m3; đất sỏi múc từ dưới sâu lên thì cao hơn chút, từ 440-450 ngàn đồng/xe. Khi chúng tôi tỏ ra thắc mắc giá bán đất “quá chát” thì ông Ng. trấn an bây giờ mua đất khó khăn nên giá cũng vô chừng, lại phụ thuộc khoảng cách xa gần.

“Anh gọi mua đất lúc nào sẽ có ngay lúc ấy, nếu chở xa thì phụ thêm chút đỉnh trả tiền dầu, đường to hay nhỏ vào được tuốt. Xe chở không đầy không lấy tiền…” – ông Ng. lên tiếng khoe.

Theo người dân địa phương, đất san lấp mặt bằng ở đây được khai thác rầm rộ nhờ phong trào “cải tạo” đất mặt để trồng cây ăn trái, nhưng thực chất được thu gom mang đi bán cho những người có nhu cầu san lấp mặt bằng. Sau khi bị khai thác, một khu vực rộng cả chục hécta trở nên nham nhở, bị xới tung như bãi chiến trường.

Với những quả đồi bị “xẻ thịt” từ lâu, nay đã được người dân trồng thanh long, bưởi…, còn các chỗ vừa mới khai thác trở thành những hầm sâu mà vách đất cao cả chục mét. Cuộc sống của người dân cũng bị ảnh hưởng, trong đó tuyến đường từ trung tâm xã vào nơi khai thác đã xuống cấp, nhiều đoạn hư hỏng nghiêm trọng do xe tải ben chạy ồ ạt đêm ngày.