Gian nan hành trình giải cứu tê tê

ThienNhien.Net – Sau nhiều lần mật phục, ngày 8.5, Công an huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình đã bắt giữ những kẻ buôn bán động vật hoang dã, thu giữ 43 con tê tê và giao cho lực lượng kiểm lâm. Những con tê tê may mắn không trở thành mồi “nhậu” này được Trung tâm Giải cứu và bảo tồn động vật hoang dã (SVW), thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương, cứu chữa, nuôi dưỡng. Mới đây, 35 con khỏe nhất đã được thả lại về môi trường tự nhiên ở Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Những con tê tê khi mới được công an bắt giữ từ những kẻ buôn lậu.
Những con tê tê khi mới được công an bắt giữ từ những kẻ buôn lậu.

Tê tê đeo máy định vị 

Gần 12h trưa, chúng tôi có mặt ở đường Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM để đi thả tê tê. Trên ôtô đã có vài phóng viên Việt Nam và nước ngoài. Xe ra khỏi nội thành, một cô nhân viên của SVW lấy ra một bịch bánh mì kẹp thịt và phát cho các thành viên trên xe. “Chuyến đi quá gấp nên trung tâm không kịp chuẩn bị cơm, các anh chị thông cảm ăn tạm bánh mì”, cô nói. Xe tiếp tục lao nhanh trên xa lộ Hà Nội thẳng hướng tỉnh Đồng Nai để tới Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Đại diện SVW kể: “Quá trình vận chuyển lòng vòng từ các tỉnh phía Nam ra của những kẻ buôn lậu làm nhiều con tê tê gần như đã chết “lâm sàng”. Con nào khỏe hơn cũng bị thương đầy mình. Ngày đầu tiếp nhận, do tê tê yếu quá, các bác sĩ của trung tâm phải tiêm thuốc bổ để tăng cường sức khỏe cho chúng. Sau gần hai ngày, một số con đã hồi sức cố ngóc cái mũi ra khỏi đám vẩy cứng thở khụt khịt, nhìn chúng thương lắm. Một vài con đã bắt đầu đi đại tiện được. Nhưng do những kẻ buôn lậu cố tình nhét hàng kilogram bột gạo vào bụng nên phân của chúng khi đại tiện ra toàn bột gạo”.

Thức ăn của tê tê là kiến vàng. Chiến dịch săn bắt kiến làm thức ăn cho tê tê được SVW phát động đến toàn thể cán bộ nhân viên. Mỗi ngày, hơn 40 tê tê ăn hết vài kilogram kiến. Những ngày đầu, một số nhân viên của trung tâm vào rừng bắt kiến chưa có kinh nghiệm bị kiến, cắn sưng hết cả người, phải tiêm thuốc giải độc mới khỏi.

Lúc này, xe của đoàn chúng tôi đã vượt qua sông Đồng Nai tới địa phận Vườn Quốc gia Cát Tiên. Trời bắt đầu đổ mưa lớn, đã có vài người trong đoàn móc máy ảnh ra chụp cảnh mưa rừng và khen đẹp. Vườn quốc gia Cát Tiên được ngăn cách với khu dân cư bằng một chuyến phà ngang qua sông Đồng Nai. Đón đoàn là một người đàn ông nhìn còn trẻ, anh tự giới thiệu là Nguyễn Văn Thái – Giám đốc SVW. Mưa lớn, anh Thái mời đoàn vào nhà hàng cạnh đó nghỉ ngơi và thông báo về lịch trình chuyến đi thả tê tê vào buổi tối. Theo anh Thái, tê tê đã được gắn chip định vị, nhưng để giữ bí mật nên anh sẽ không thông báo vị trí, tọa độ đoàn sẽ tới vào buổi tối. Lúc này, một nhân viên của SVW vào thông báo, xe chở tê tê đã tới.

Tê tê đâu không thấy, chỉ có chiếc ôtô 34 chỗ ngồi chở những chiếc thùng gỗ cập bến. Gầm của chiếc xe thấp quá nên nó không xuống được phà. Toàn bộ nhân viên của SVW và cán bộ Vườn Quốc gia Cát Tiên phải khuân từng thùng gỗ lên bờ. Những chiếc thùng gỗ sau đó được chất lên một chiếc xe chuyên dụng khác để chuyển đến nơi tập kết. Lúc này, các nhân viên của SVW mang tới mấy bịch kiến đông lạnh, mở nắp thùng gỗ và đổ vào cho tê tê ăn. Khi đó, chúng tôi mới hay, mỗi chiếc thùng gỗ có 1 – 2 con tê tê. Trời tối, những con tê tê phải trải qua một hành trình dài từ Bắc vào Nam, đi ôtô, tàu bay, qua phà… đã khá mệt, nhưng khi ngửi thấy mùi của kiến, chúng liền thò cái đầu ra đón nhận những con kiến vàng.

Chụp hình, quay phim từ chiều tới giờ đã thấm mệt, nhóm phóng viên tìm vào hiên một căn nhà gần đó để nghỉ. Các thành viên của SVW tiếp tục cho tê tê ăn kiến. Bụng chúng tôi lúc này cũng cảm thấy có “kiến bò”. Đói rồi, nhớ lại buổi chiều nhân viên của SVW đã đặt cơm tối ở nhà hàng với giá 120.000 đồng/một suất, nên chúng tôi chắc mẩm sẽ được thưởng thức một bữa cơm ngon với các món đặc sản của rừng.

Gần 19h, cô nhân viên tên Th.N của SVW – người cùng đi với đoàn từ trưa – tới mời nhóm phóng viên, những người sẽ về thành phố ngay trong đêm vào nhà hàng để ăn cơm trước. Đây rồi, cô phục vụ của nhà hàng bưng bốn đĩa cơm sườn nướng còn nóng hổi đặt lên bàn và chúc mọi người ăn ngon. Thế cũng đủ ấm bụng, mọi người nhìn nhau mỉm cười.

Các nhân viên SVW đang chữa những vết thương cho tê tê.
Các nhân viên SVW đang chữa những vết thương cho tê tê.

Bí mật đến phút cuối

Trời vẫn mưa, nhưng theo quy định, gần 19h30, chúng tôi lên xe theo nhân viên của SVW di chuyển sâu vào trong rừng để thả tê tê dưới sự giám sát của các nhân viên kiểm lâm. Để giữ bí mật, lúc này, chúng tôi vẫn không được thông báo về vị trí, tọa độ đoàn sẽ thả tê tê. Đoàn di chuyển sâu vào rừng khoảng 5km thì dừng lại để thả con tê tê đầu tiên. Chúng tôi cùng nhân viên của SVW khuân chiếc thùng gỗ, trong đó có đựng 1 cá thể tê tê và đi theo người dẫn đường, vừa đi người này vừa phải chặt bớt những nhánh cây dây leo có gai.

Đến một chỗ cách xa đường khoảng 50 – 60m, chúng tôi dừng lại và thả con tê tê đầu tiên. Nhưng nó không chịu ra khỏi chiếc thùng gỗ nên nhân viên của SVW phải rắc những con kiến vàng ươm xung quanh để dụ chúng ra ăn. Bất ngờ, nó lao nhanh vào bóng đêm làm chúng tôi không kịp chụp hình. Mưa lớn, trời tối đen như mực, người dẫn đường đeo đèn pin trên đầu đi trước, nhóm phóng viên cứ thế bước theo sau đi tiếp vào rừng. Di chuyển gần 10km, thả được hơn 10 con tê tê, chúng tôi ai cũng bị gai rừng cào rách hết cả chân tay và đầu. Kim đồng hồ chỉ hơn 21h, cô nhân viên SVW nhắc chúng tôi ra ôtô để về lại thành phố.

Cho tê tê ăn kiến vàng.
Cho tê tê ăn kiến vàng.

Không kịp rồi, chuyến phà cuối đã sang bờ bên kia từ lúc 20h. “Không sao! Được ngủ một đêm ở khách sạn trong rừng cũng thú vị”, anh em chúng tôi bảo nhau. Mưa tiếp tục rơi, cô nhân viên của SVW thông báo, đoàn sẽ qua phà về thành phố trong đêm. Và sau nhiều cuộc điện thoại cho ai đó của cô N.Th, đến hơn 23h đêm, người lái phà đã có mặt và đưa đoàn qua sông. Trời mưa, nước sông chảy xiết, người lái phà yêu cầu một đồng nghiệp trong đoàn lên chiếc thuyền nhỏ cùng anh vượt sông sang bờ bên. Sau đó, anh sẽ cầm đèn pin làm tín hiệu cho phà qua sông sau. Mọi người ngồi chờ trên bờ, không ai nói với ai, nhưng chúng tôi đều cầu chúc cho đồng nghiệp được an toàn.

Gần 24h, chiếc phà theo ánh đèn tín hiệu lờ mờ từ bờ bên kia từ từ đưa chúng tôi vượt sông. Dòng nước chảy cuồn cuộn đã kéo chiếc phà chở chúng tôi xuôi theo dòng nước cách khá xa bến. Nhưng sau một hồi vật lộn, với kinh nghiệm nhiều năm, người lái phà cũng đưa được đoàn vào bến an toàn. Vừa đặt chân lên tới bờ, một đồng nghiệp nói với tôi: “Hôm nay, đoàn đi vào toàn giờ thiên, đi 12h trưa, về 12h đêm”’.

Đường làng quê về đêm nhìn giống nhau, bác tài không thuộc đường chạy lòng vòng mãi mới ra tới đường lớn. Mệt quá, chúng tôi thiếp đi khi nào không hay. Mở mắt ra xe đã tới thành phố, nhìn đồng hồ lúc này là 3h sáng. Xe chạy về đêm lạc đường mà vẫn nhanh hơn khi đi gần 1 tiếng. Bụng lại có “kiến bò”, chúng tôi rủ nhau tìm xe mì gõ gần chợ Bến Thành làm mỗi người một tô cho ấm bụng trước khi về nhà.