Ngăn chặn hiểm họa từ hồ chứa nước – Kỳ 2: Sớm có những giải pháp căn cơ, triệt để

ThienNhien.Net – Hiện trên cả nước vẫn còn hơn 1.000 hồ chứa nhỏ bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ, cần được khẩn trương sửa chữa, nâng cấp. Ðể làm được việc này cần triển khai các giải pháp đồng bộ. Phải ưu tiên nguồn vốn cho những công trình cấp bách; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ và công nhân quản lý, vận hành hồ chứa…

Nguồn vốn “giật gấu vá vai”

Ðể cùng lúc nâng cấp số lượng lớn hồ chứa mất an toàn như hiện nay là bài toán “bất khả thi”. Giải pháp hợp lý nhất là ưu tiên những công trình cấp bách. Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi Nguyễn Mậu Văn cho biết: Toàn tỉnh có 121 hồ chứa, trong đó có 87 hồ được xây dựng từ năm 1989 trở về trước, đến nay xuống cấp, hư hỏng. Tỉnh tiến hành rà soát, lên kế hoạch ưu tiên sửa chữa 36 hồ xuống cấp nặng. Còn Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Bình Ðịnh Phan Xuân Hải cho biết, trên địa bàn tỉnh có 164 hồ chứa, với tổng dung tích 583 triệu m3. Từ năm 2000 đến nay, tỉnh tiến hành nâng cấp được 50 hồ, vẫn còn 46 hồ cần sửa chữa ngay trong mùa mưa bão năm nay.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNN) từ năm 2000 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn, đặc biệt nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ đã đầu tư xây dựng mới khoảng 930 hồ chứa, sửa chữa nâng cấp 633 hồ các loại. Hiện mới có 27 hồ chứa lớn được lắp đặt hệ thống Scada dự báo lũ và hỗ trợ quản lý vận hành. Mặc dù số hồ chứa cần nâng cấp được chọn lọc theo thứ tự cấp bách, nhưng số tiền cần đầu tư vẫn quá lớn. Ðể huy động nguồn vốn một cách nhanh nhất, dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, với tổng mức đầu tư là 443 triệu USD, nhằm khôi phục và bảo đảm an toàn cho các công trình. Dự án này sẽ góp phần cải thiện thể chế, chính sách về quản lý, giám sát an toàn đập cấp quốc gia, tăng cường năng lực quản lý, vận hành và cơ chế thông tin phối hợp trên lưu vực. Dự án gồm ba hợp phần: Khôi phục an toàn đập, kinh phí 412 triệu USD; Quản lý an toàn đập, kinh phí: 20 triệu USD; Hỗ trợ quản lý dự án, kinh phí: 11 triệu USD. Phạm vi thực hiện dự án từ năm 2016 đến 2022. Tuy nhiên, số tiền trên cùng với tiền cấp bù thủy lợi phí hằng năm cộng ngân sách địa phương vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu sửa chữa đồng loạt các hồ chứa đang xuống cấp như hiện nay. Chính vì vậy, vấn đề làm chậm sự xuống cấp của những công trình đang là ưu tiên của các địa phương.”Của bền tại người”. Thực tế đã chứng minh, ở đâu có đội ngũ cán bộ năng lực quản lý tốt thì hồ ở đó được vận hành tốt, ít xảy ra trục trặc cũng như xuống cấp.

Hệ thống cống hồ Núi Một, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh xuống cấp nghiêm trọng.

Huy động mọi nguồn lực

Ðể cùng một lúc nâng cấp, sửa chữa số lượng lớn hồ chứa xuống cấp, bảo đảm an toàn người dân vùng hạ du, Bộ NN và PTNN đề xuất Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa nước, để huy động nguồn lực, triển khai các giải pháp đồng bộ. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng bổ sung, nâng cấp mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn; nâng cao chất lượng dự báo mưa lũ phục vụ vận hành hồ chứa.

Tuy nhiên, trong quá trình thi hành các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý an toàn đập phát sinh một số bất cập, như: Vấn đề biến đổi khí hậu chưa được đề cập; chưa có quy định về huy động nguồn lực của xã hội để phát triển thủy lợi; chưa quy định rõ quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý an toàn đập; chưa có quy định về thẩm quyền quyết định cho phép tích nước hồ chứa đảm bảo an toàn đập; chưa quy định rõ việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du của các hồ chứa trên cùng một lưu vực sông làm cơ sở xây dựng phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập. Ngoài ra, việc quy định cứng nội dung về quản lý an toàn đập cho tất cả các đập, hồ chứa có quy mô khác nhau cho nên việc thực hiện bất cập, thiếu khả thi.

Trước thực trạng trên, Bộ NN và PTNN cần triển khai đầu tư trang bị hệ thống giám sát tự động, hệ thống cảnh báo xả lũ hạ du các hồ chứa thủy lợi lớn để hỗ trợ quản lý, vận hành và chỉ đạo ứng phó trong trường hợp khẩn cấp. Chỉ đạo các chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng hồ chứa lớn do Bộ quản lý tổ chức lập phương án phòng lũ, lụt cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập theo quy định. Bộ Xây dựng cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng liên quan đến kháng chấn động đất trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Ðể tạo nguồn thu từ chính các hồ chứa bằng dịch vụ phát triển du lịch, lấy nguồn kinh phí thu được từ du lịch tái đầu tư nâng cấp hồ cũng đang được các địa phương nghiên cứu, triển khai. Ðiển hình là hồ Núi Một, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, chứa nước tưới tiêu cho hàng nghìn héc-ta đất canh tác của thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước, những năm gần đây hồ Núi Một còn là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với người dân Bình Ðịnh bởi những nét hoang sơ kỳ thú. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bình Ðịnh cho biết: Mặc dù làm du lịch có nguồn thu nhưng cũng không ít vướng mắc. Nhất là về vấn đề môi trường và an toàn cho du khách. Chính vì vậy, Công ty vẫn chưa mở rộng quảng bá, chưa đầu tư cơ sở dịch vụ nào.

Có vẻ đẹp như hồ Núi Một, hồ Núi Cốc cũng đang được phát huy lợi thế kinh doanh dịch vụ du lịch từ sớm. Nhưng Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật (Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Thái Nguyên) Nguyễn Hồng Thái cho biết: Ðể doanh nghiệp vào thuê cảnh quan hồ Núi Cốc làm du lịch chắc chắn sẽ có tiền tái đầu tư vào hồ. Nhưng Ban quản lý hồ không đáp ứng được một số đòi hỏi của phía doanh nghiệp. Thí dụ, doanh nghiệp yêu cầu không được rút nước mặt hồ để phục vụ du khách. Riêng đòi hỏi đó Ban quản lý đã không đáp ứng được. Chính vì vậy, các địa phương cần học tập kinh nghiệm, tùy theo lợi thế riêng để xã hội hóa việc kinh doanh du lịch hợp lý, tạo nguồn thu phục vụ công tác tái đầu tư tu bổ, sửa chữa, nâng cấp hồ, nhằm bảo đảm an toàn vùng hạ du.