Chống buôn lậu và quản lý gỗ nhập khẩu qua biên giới – Bài 2

Bài 2: Phức tạp vùng biển Tây

ThienNhien.Net – Tuy không ồn ào, náo nhiệt như Tây Ninh và Long An do cách xa TP.HCM nhưng tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép gỗ tại các tỉnh biên giới Tây Nam như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum vẫn diễn ra khiến cho các cơ quan chức năng phải đau đầu.

Gỗ lậu do Đội kiểm soát Hải quan Kiên Giang bắt giữ.
Gỗ lậu do Đội kiểm soát Hải quan Kiên Giang bắt giữ

Phức tạp vùng biển Tây Nam

Đầu tháng 12 này tại vùng biển Hà Tiên, Kiên Giang, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 phát hiện tàu KPS 20492 quốc tịch Campuchia có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên đã tiếp cận và yêu cầu kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 3 thuyền viên đều mang quốc tịch Campuchia do ông LOH DULLRÂMAN, sinh 1982, ngụ Campot – Campuchia làm thuyền trưởng. Trên tàu này đang vận chuyển 27 m3 gỗ hương không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Lực lượng Cảnh sát biển đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với thuyền trưởng và các thuyền viên, ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện để tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.

Đây chỉ là vụ buôn lậu gỗ mới nhất trên vùng biển Kiên Giang bị phát hiện. Năm 2014, Vùng Cảnh sát biển 4 cũng đã phát hiện và bắt giữ nhiều tàu chở hàng tấn gỗ trắc từ Campuchia về Việt Nam không có chứng từ, chứng minh hợp pháp. Các cơ quan chức năng khác như Công an, Hải quan cũng đã phát hiện các vụ buôn lậu gỗ theo đường biển, tập kết về khu vực thị xã Hà Tiên.

Hoạt động buôn lậu gỗ từ Campuchia sang Việt Nam đi theo đường biển mặc dù rất ít vụ được bắt giữ nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có đường dây ổ nhóm hoạt động theo tuyến này.

Theo Cục Hải quan Kiên Giang, các đối tượng thường sử dụng ghe máy loại nhỏ, vận chuyển nhiều lần, cất giấu tại các bãi bùn, chờ cơ hội khi không có lực lượng chức năng để vận chuyển vào nội địa. Với quân số mỏng như hiện này, việc tổ chức tuần tra thường xuyên tại tuyến ven biển hầu như là bất khả thi đối với lực lượng kiểm soát nên công tác chống buôn lậu nói chung và buôn lậu gỗ nói riêng gặp không ít khó khăn.

Tại Kiên Giang, Công an tỉnh này đang tiến hành truy nã đối tượng M.H.C ngụ phường Bình San, thị xã Hà Tiên, cầm đầu đường dây buôn lậu gỗ từ Campuchia về Việt Nam theo đường biển đã bỏ trốn. Theo kết quả đều tra ban đầu của cơ quan Công an, đối tượng này đã tổ chức mua 5 tấn gỗ trắc từ Campuchia, vận chuyển về Việt Nam bán kiếm lời. Vụ việc bị phát hiện khi lực lượng Công an bắt 2 đối tượng đang vận chuyển một lượng lớn gỗ trắc tại kênh 283, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Từ đây, Công an đã lần ra đường dây buôn lậu gỗ “khủng” của M.H.C. Thủ đoạn của đường dây này là dùng tàu gỗ, giả dạng ngư dân đánh cá, sang Campuchia nhận gỗ rồi chở về đến gần bờ, chia nhỏ thành nhiều ghe để đưa vào bờ đưa đi tiêu thụ. Công an Kiên Giang đã khởi tố vụ án, tiếp tục điều tra vụ buôn lậu gỗ ước tính hàng tỷ đồng này.

Gỗ lậu do Đội Kiểm soát Hải quan Đồng Tháp bắt giữ
Gỗ lậu do Đội Kiểm soát Hải quan Đồng Tháp bắt giữ

Đồng bằng… âm ỉ

Còn tại biên giới An Giang, Đồng Tháp, rất ít ai nghĩ có hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép gỗ qua biên giới nhưng thực tế hoạt động này vẫn diễn ra. Cuối tháng 10 vừa qua, Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp tuần tra, kiểm soát, phát hiện một chiếc xuồng bằng gỗ, chở hàng hóa, do một đối tượng điều khiển chạy từ hướng Campuchia về Việt Nam có dấu hiệu nghi vấn, lực lượng kiểm soát đã ra tín hiệu cho phương tiện trên dừng lại để kiểm tra. Qua kiểm tra phát hiện trên phương tiện có vận chuyển hàng chục tấm gỗ xẻ, có kích thước không đồng nhất, không rõ chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy tờ chứng minh số hàng hóa trên là hợp pháp. Tại cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang, lực lượng Biên phòng của An Giang Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên- An Giang đã phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển gỗ lậu từ Campuchia về Việt Nam với tang vật gồm 69 hộp gỗ căm xe với tổng khối lượng khoảng 7,4 m3. Các đối tượng đã dùng xe tải vận chuyển và khi lực lượng Biên phòng tiếp cận, yêu cầu kiểm tra, tài xế đã tắt máy, nhanh chân bỏ trốn. Năm 2014, Hải quan An Giang đã liên tiếp bắt giữ các vụ buôn lậu gỗ qua sông Tiền trị giá hàng tỷ đồng nên các đối tượng bắt đầu “nhát tay” hơn. Tuy nhiên, nhu cầu mua bán, kinh doanh gỗ vẫn còn rất cao tại thị trường nội địa nên dự báo hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép gỗ qua biên giới sẽ chưa có điểm dừng.

Bà Lê Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị bắt giữ và xử lý 6 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng gỗ qua biên giới; ra quyết định tịch thu 421 kg gỗ trắc, 9,46 m3 gỗ các loại. Vụ mới đây nhất là vào giữa tháng 10 vừa qua, Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đã tiến hành tuần tra kiểm soát khu vực hai bên cánh gà cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum) đã phát hiện 55 hộp gỗ giổi xẻ (nhóm III) với tổng khối lượng gần 2,5 m3.

Bà Huyền cho biết thêm, với địa bàn rừng núi, các đường mòn, lối mở tương đối nhiều; các đối tượng lợi dụng thời gian vào ban đêm dùng xe gắn máy để vận chuyển trái phép gỗ qua biên giới nên việc bắt giữ cực kỳ khó khăn. Mặt khác, các đối tượng nắm rõ địa hình và thời gian làm việc, sinh hoạt của lực lượng chống buôn lậu nên mỗi lần xuất quân bắt giữ gỗ lậu là mỗi lần phải đánh “đòn cân não”  với các đối tượng buôn lậu.

Nguyễn Hiền (ghi)

(Bài 3: Quản lý gỗ nhập khẩu- Phập phồng lo gian lận)