Những hy sinh thầm lặng

Khi thiên tai xảy ra, những thông tin được quan tâm nhiều nhất có lẽ là cứu được bao nhiêu người, bao nhiêu tài sản. Nhưng đằng sau những kết quả ấy là sự nỗ lực, xả thân quên mình của hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ cũng như nhân dân tham gia vào lực lượng tìm kiếm cứu hộ và cứu nạn.

Theo Cục cứu hộ – Cứu nạn thuộc Bộ Tổng Tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam, trong năm 2020, Cục đã tham mưu đề xuất điều động 411.200 lượt người và 15.500 lượt phương tiện khắc phục hậu quả 1.733 vụ sự cố, tai nạn, cứu được 3.600 người và 146 phương tiện. Trong đó riêng quân đội đã điều động hơn 89% lượt người và 85% lượt phương tiện tham gia cứu nạn hiệu quả 1.411 vụ, cứu được 1.770 người và 55 phương tiện.

Chân bật máu vì băng rừng, vượt suối, vượt bùn lầy, đá sỏi

Thượng tá Ngô Nam Cường, Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong tám người thoát nạn khi tham gia Đoàn cứu hộ cứu nạn cùng Quân khu 4 vào Rào Trăng 3.

Chia sẻ với phóng viên Nhân Dân điện tử sau những ngày cùng người dân vượt bão lũ, Thượng tá Ngô Nam Cường cho biết: Trưa ngày 12-10, ngay sau khi nhận tin báo xảy ra sạt lở đất ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3, tôi và ba cán bộ, sĩ quan trong đơn vị; lãnh đạo, cán bộ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND huyện Phong Điền cùng Đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân khu 4, lập tức hành quân đến điểm xảy ra sạt lở thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, tiếp cận hiện trường càng sớm càng tốt, nhằm thiếp lập các phương án tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn nhanh nhất.

Tại thời điểm đó, dù mưa lớn, đường đến Rào Trăng 3 nhiều điểm sạt lở, các đập tràn nước dâng cao, chảy xiết rất nguy hiểm nhưng đồng chí Phó Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man quán triệt với Đoàn công tác rằng: “Nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút, dù khó khăn đến thế nào cũng phải đi, kể cả có hy sinh”.

Xác định trách nhiệm của người chiến sĩ cách mạng trước nhân dân, trên cương vị Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Thượng tá Ngô Nam Cường đã tham mưu thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại UBND xã Phong Xuân (huyện Phong Điền), chuẩn bị cho các phương án cứu hộ, cứu nạn. Từ UBND xã Phong Xuân, Đoàn công tác đã hành quân bằng đường bộ 15km, chân bật máu vì băng rừng, vượt suối, vượt bùn lầy, đá sỏi để tiếp cận khu vực Rào Trăng 3.

Lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 theo đường thủy.

Khi đến Tiểu khu 67, cách khu vực sạt lở 5km thì trời đã tối, kèm theo mưa lớn, nước ở các con suối dâng cao. Vậy nên, Đoàn công tác gồm 21 người đã tạm dừng chân nghỉ lại tại khu nhà Tiểu khu 67, để sáng sớm tiếp tục hành quân vào hiện trường.

Thế nhưng, sạt lở khiến đất đá bất ngờ đổ ụp xuống khu nhà, nơi Đoàn công tác dừng chân, vùi lấp 13 đồng chí, đồng đội. Thượng tá Ngô Nam Cường là một trong tám đồng chí may mắn sống sót trở về. Nhiều đồng chí bị chấn thương cả về thân thể lẫn tấm lý.

“Trực tiếp chứng kiến thủ trưởng và đồng đội mình gặp nạn, vẫn đang mất tích trong vụ sạt lở nên với trách nhiệm là một quân nhân cách mạng, một cán bộ, Đảng viên, người chỉ huy, tôi càng không thể và không được gục ngã, mà cần bình tĩnh, vững vàng, để nhanh chóng tìm kiếm đồng đội. Vợ, con, cha, mẹ, gia đình các anh, nhân dân Thừa Thiên Huế và cả nước đang nóng lòng hướng vào Rào Trăng 3, đau đáu hy vọng sẽ tìm và cứu được các anh về. Sớm một phút sẽ có thêm một phần hy vọng. Vậy nên, dù phía trước là gian nan, là hiểm nguy nhưng chúng tôi vẫn không thể lùi bước”, Thượng tá Ngô Nam Cường chia sẻ.

Trong suốt những ngày sau sự cố sạt lở đất, mặc dù bị chấn thương về thân thể và tinh thần nhưng Thượng tá Ngô Nam Cường vẫn tiếp tục bám hiện trường, cùng với các lực lượng vũ trang, cấp ủy chính quyền địa phương, quyết tâm tìm kiếm bằng được, nhanh nhất 13 đồng chí, đồng đội.

“Thế nhưng nỗi đau quặn thắt tâm can khi cả 13 đồng chí, đồng đội tôi đã hy sinh. Các anh vì thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, bảo vệ tính mạng nhân dân, bảo vệ bình yên cuộc sống mà anh dũng hy sinh ngay trong thời bình. Sự hy sinh đó, là những ngọn hải đăng, chúng tôi sẽ mãi mang theo trong hành trang người lính, để luôn tự nhắc nhở mình hoàn thành thật tốt nhiệm vụ bằng tất cả trái tim”, Thượng tá Ngô Nam Cường.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước vô cùng tiếc thương trước sự hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ trong những ngày vừa qua; nhưng cũng rất tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng của chúng ta, một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân; một đội quân tuyệt đối trung thành, tin cậy, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trích thư Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi toàn thể cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 22-10-2020

Vừa tìm kiếm người mất tích, vừa tiếp tế cho người bị cô lập

Chưa đầy ba ngày sau khi tìm thấy hết 13 thi thể cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong sự cố tại Rào Trăng 3, thì một thảm họa khác lại ập đến.

Trước sự hiểm nguy của nhân dân do bão lũ gây ra, cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 đã hành quân về xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn giúp nhân dân bảo vệ tính mạng, tài sản do mưa lũ, sạt lở.

Sau những ngày dầm mình trong mưa gió, với bao khó khăn, gian khổ, hiểm nguy nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, không chùn bước để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình… các chiến sĩ trở về doanh trại để ngày mai lại lên đường tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân.

Vào lúc 1 giờ 30 phút, ngày 18-10, một vụ sạt lở núi kinh hoàng xảy ra tại nơi đóng quân của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337, làm bốn sĩ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp và tám chiến sĩ hy sinh.

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ tàu Vietship 01 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị ban đêm thay nhau tựa lưng bên trại để tìm chút nghỉ ngơi.

Rồi chỉ chục ngày sau đó, lại liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất tại hai huyện Phước Sơn và Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, khiến hàng chục người chết và mất tích.

Đại tá Nguyễn Quang Nam, Phó Chỉ truy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, nhận được thông tin vụ sạt lở đất đau lòng tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) trưa 29-10, một trung đội 30 cán bộ, chiến sĩ cùng xe chuyên dụng bắt đầu hành quân lên huyện Phước Sơn khai thông các điểm sạt lở và tiến vào xã Phước Lộc để triển khai công tác cứu nạn. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết lúc đó diễn biến rất phức tạp, đất đá vẫn tiếp tục đổ sập lấp tuyến đường huyết mạch hàng chục điểm nên không thể tiếp cận được hiện trường.

Tuyến đường giao thông huyết mạch vào các xã vùng cao bị ách tắc, không chỉ gây nhiều trở ngại cho công tác tìm kiếm người mất tích tại xã Phước Lộc mà còn làm gần ba nghìn hộ dân ở xã Phước Thành và xã Phước Lộc cô lập, có nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm.

Trước tình hình đó, các lực lượng bộ đội, công an đều lên phương án phối hợp triển khai công tác vừa tiến hành thông đường, tiếp cận hiện trường tìm kiếm nạn nhân mất tích, vừa tìm cách chi viện lương thực, thực phẩm cho người dân bị cô lập.

Với quyết tâm không để người dân thiếu cơm, lạc muối, với sự hỗ trợ tích cực Sư đoàn Không quân 372, trong sáng 1-11, chuyến hàng cứu trợ đầu tiên đã đưa đến người dân bị sạt lở đường gây cô lập tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) bằng máy bay.

Và cũng ngay trong sáng 1-11, chuyến hàng cứu trợ đầu tiên bằng đường bộ cũng đã được lực lượng bộ đội băng rừng, lội suối vận chuyển vào tiếp tế cho người dân đang bị cô lập do bị tắc đường giao thông tại xã Phước Thành (huyện Phước Sơn).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nhớ lại, trong hai ngày 1 và 2-11, Sư đoàn Không quân 372 đã thực hiện bốn chuyến bay, đưa tám tấn lương thực, hàng hóa… vào tiếp tế cho người dân xã Phước Lộc. Cùng với đó, hơn 450 cán bộ, chiến sĩ của tỉnh Quảng Nam và huyện Phước Sơn cũng vượt qua chặng đường hàng chục km bị sạt lở, chia cắt để vận chuyển 15 tấn hàng hóa đến tiếp tế cho người dân xã Phước Thành; đồng thời đưa 1,2 tấn hàng hóa để hỗ trợ cho xã người dân Phước Lộc bị cô lập.

Trung úy Lưu Văn Tuân, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam cho biết, khi nhận được lệnh cấp trên, anh cùng đồng đội mang theo lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men… khởi hành từ xã Phước Công bất chấp trời mưa gió, băng rừng, lội suối. Có nơi bùn ngập đến gối nhưng vẫn cố gắng ngoi lên từng bước để mong sớm đưa lương thực đến tiếp tế đồng bào đang bị cô lập.

Hoãn cưới nhiều lần, nhà bị tốc mái phải nhờ người thân

Gặp anh khi câu chuyện mà bà con địa phương kể về anh đã được lan truyền rộng rãi bằng tấm lòng biết ơn và niềm tin sâu sắc kể từ khi anh về nhận nhiệm vụ tại địa bàn, Thiếu tá Nguyễn Văn Hoành, Trưởng công an xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) được bà con địa phương gọi trìu mến bằng cái tên “người chèo đò vượt lũ”.

Trong cơn lũ kép, xã Tân Lâm Hương được coi là “rốn lũ” của huyện Thạch Hà. Mưa lớn kéo dài cộng với hồ Kẻ Gỗ xả tràn với lưu lượng lớn khiến gần bốn nghìn hộ dân trên địa bàn bị ngập lũ, cá biệt có nhiều khu vực nước lũ dâng rất nhanh, mực nước cao từ 2 – 3m đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của rất nhiều hộ dân.

Dù không nhớ hết về những lần anh và đồng đội không quản gian nguy, vượt qua dòng nước xoáy, sơ tán người dân về nơi an toàn nhưng khi được chúng tôi đề nghị kể về lần chèo đò vượt lũ đáng nhớ nhất, Thiếu tá Nguyễn Văn Hoành chậm rãi nhớ lại:

Ngày hôm đó, nước lũ dâng rất nhanh, sau nhiều đợt chở bà con ra khỏi vùng nguy hiểm, chúng tôi nhận được tin tại thôn Tiền Thượng (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) đang có hai ông bà già bị tai biến, nước vào ngập gần nửa nhà, cần di dời ngay. Khi chúng tôi có mặt tại gia đình thì nước đã ngập đến gần mái nhà, sau khi gọi không thấy ai trả lời, anh em chúng tôi phá cửa bơi vào nhà thì thấy nhà có hai người già ốm yếu đang nằm trên gác xép chờ cứu hộ trong tình cảnh sức tàn lực kiệt.

Trước tình thế cấp bách, một câu hỏi đặt ra là: Đưa ông bà ra bằng cách nào? Nước ngập gần mái nhà, xuồng cứu hộ không thể vào được tận nhà. Tình trạng sức khỏe của hai ông bà không thể ra khỏi nhà bằng cách mặc áo phao và bế ra bởi chỉ cần dích nước, sức khỏe của cả hai rất dễ bị tổn thương. Cuối cùng, chúng tôi phải quay ra gọi thuyền tôn nhỏ, chui vào trong phòng bế ông xuống. Mấy anh em người trước người sau vừa bơi vừa kéo ông bà ra thuyền to rồi đưa đi.

“Có lần khi chạy xuồng về thôn Sơn Trình (xã Tân Lâm Hương) đón các cụ già ở đây đi sơ tán, gặp dòng nước xoáy, xuồng chết máy, bị nước cuốn trôi, chúng tôi phải dùng sào làm bằng tre để chống đỡ và điều khiển xuồng vào địa điểm đón 10 cụ già. Vừa mới bám cây cối, chèo chống xuồng ra khỏi dòng nước xoáy thì chúng tôi lại nghe gọi hiện có hai ông bà đang mắc kẹt cần giải cứu gấp. Biết là nguy hiểm đang rình rập nhưng nếu chúng tôi không vào thì người dân sẽ gặp nạn. Không một chút do dự, hai anh em chúng tôi người cố khởi động lại máy, người tiếp tục dùng sào di chuyển thuyền đến nơi phát ra tiếng kêu cứu để đón hai cụ già về nơi an toàn”, Thiếu tá Nguyễn Văn Hoành nhớ lại.

Được biết trong những ngày xảy ra mưa lũ, gia đình Thiếu tá Hoành cũng nằm trong khu vực trọng điểm ngập lụt, nước dâng hơn 1m. Vì nhiệm vụ nên mọi việc trong gia đình anh phải “nhờ cả” và người vợ trẻ. Theo như lời anh, do nước lũ lên nhanh, vợ anh bận con nhỏ nên chỉ thu xếp được những thứ thiết yếu; còn xe máy, tủ lạnh, máy giặt bị chìm hoàn toàn trong nước lũ; bàn ghế, giường tủ trôi nổi trong nhà.

Trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế được giao nhiệm vụ chỉ huy trực tiếp các lực lượng tìm kiếm các công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hoành là một trong hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ khác đã phải gác lại toàn bộ việc cá nhân để lo việc chung, vì dân, vì nước. Khi nhắc về Trung úy Lưu Văn Tuân (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam), một đồng đội của anh cho biết, trước đó, khi dịch Covid-19 xảy ra, Trung úy Tuân phải bám ở chốt kiểm soát dịch tại xã A Nông (huyện Tây Giang) vùng biên giới Việt – Lào ròng rã sáu tháng trời. Và đám cưới của Tuân phải lùi lại nhiều lần, đến khi tổ chức xong lễ cưới được một tuần, anh lại tiếp tục khoác ba lên đường giúp người dân huyện Phước Sơn vượt qua khó khăn bão lũ.

Còn Trung úy Đoàn Thế Cẩm, Phòng Tham mưu BĐBP tỉnh Quảng Nam (quê huyện Thăng Bình, Quảng Nam) chia sẻ, một ngày sau khi cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền, anh và đồng đội nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại huyện Phước Sơn. Vào thời điểm đó, vợ anh gọi điện thông báo nhà đã bị gió bão tốc mái. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ, anh Cẩm động viên vợ và gọi điện nhờ người thân đến hỗ trợ gia đình, rồi khoác ba lô lên đường. Được biết, vợ anh lúc đó cũng mới sinh con thứ hai vừa được ba tháng tuổi.

Không riêng gì Trung úy Lưu Văn Tuân và Trung úy Đoàn Thế Cẩm mà Thiếu tá Vi Văn Vông (quê tỉnh Nghệ An), Trợ lý công binh Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam cũng đã tám tháng gắn bó với núi rừng, hết trực dịch Covid-19 ở biên giới thì bão lũ ập đến. Anh tiếp tục hành trang lên đường cùng đồng đội tiếp cận hiện trường vụ sạt lở núi tại xã Phước Lộc để tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích.

Bộ Quốc phòng đã quyết định tuyển dụng thân nhân các liệt sĩ hy sinh đủ điều kiện về sức khỏe, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu vào quân đội. Đến cuối tháng 12, đã có vợ của bảy liệt sĩ được tuyển dụng vào công tác tại các Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh và tại Đoàn 337. Hiện, Đoàn 337 đang tiếp tục cố gắng làm thật tốt công tác chính sách với thân nhân 22 liệt sĩ.

Đại tá Uông Đình Tân, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế quốc phòng 337

Nguồn: