Tăng trưởng nhưng không duy ý chí

ThienNhien.Net –  Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn để đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng không duy ý chí, không chủ quan

Ngày 1-6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp (DN) về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, hóa chất và công nghiệp hỗ trợ.

Khai thác thêm 1 triệu tấn dầu

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các bộ, ngành và đơn vị liên quan rà soát, đánh giá, đưa ra các nhóm ngành cụ thể có khả năng tăng trưởng và còn dư địa tăng trưởng, từ đó đề xuất kịch bản bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7% với các ngành và từng quý năm 2017.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 (Ảnh: Xuân Tuyến)

Báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ mức tăng trưởng sản lượng được rà soát, mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp cả năm 2017 dự kiến khoảng 8% (đạt mức kế hoạch đề ra của năm 2017 và cao hơn so với mức tăng của năm 2016 là 7,4%). Trong đó, ngành khai khoáng đạt khoảng 92% so với năm 2016 (đã tính đến sản lượng khai thác dầu thô tăng thêm 1 triệu tấn). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 12,5% so với năm 2016. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng khoảng 12%.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, phương án nêu trên đã được rà soát, tính toán khá kỹ lưỡng từng ngành, từng nhóm sản phẩm và xác định ở ngưỡng cao, nhiều sản phẩm ở mức phấn đấu.

Đánh giá khả năng tăng trưởng của từng lĩnh vực công nghiệp, ngành dầu khí khẳng định sẽ phấn đấu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu và 1 tỉ m3 khí, qua đó phấn đấu cả năm sẽ đạt 13,28 triệu tấn dầu và 10,6 tỉ m3 khí (đóng góp thêm khoảng 0,25% mức tăng GDP). Còn về than, khả năng khai thác thêm là khó khăn do phụ thuộc vào thị trường.

Đối với những khoáng sản khác, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục khẩn trương rà soát, tổng hợp khối lượng quặng tồn kho của DN tại các địa phương có quặng để DN sớm thực hiện được những đơn hàng xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục đề xuất với Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho một số DN khai thác, chế biến khoáng sản có giá trị như: quặng titan, đá vôi trắng… để góp phần đóng góp tăng trưởng cho ngành công nghiệp khai khoáng.

Đối với nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, việc rà soát 24 mặt hàng/nhóm hàng chủ yếu trong 5 tháng đầu năm cho thấy 12 nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng tốt (tăng trên 8%), 3 nhóm có khả năng tăng trưởng ở mức trung bình (5%-8%) và 9 nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng ở mức thấp, giảm.

Dự báo chỉ số IIP năm 2017 của nhóm ngành sản xuất và phân phối điện tăng khoảng 12%, cao hơn mức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đưa ra là 11,5%.

Tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 ở mức 6,7% là rất khó khăn nhưng không phải không có khả năng thực hiện. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT, ngành thống kê cần tiếp tục tính toán chi tiết hơn nữa, đến từng sản phẩm chủ lực trong cơ cấu GDP.

Theo đó, Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN rà soát thật kỹ tình hình sản xuất và đề ra các chỉ tiêu cụ thể của từng sản phẩm cụ thể theo từng quý và cả năm, theo dõi sát việc triển khai thực hiện. Từ đó, chỉ rõ sản phẩm nào tăng trưởng không đạt, sản phẩm nào có thể bổ sung cũng như kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

“Từ nay đến cuối năm phải điều hành theo từng chỉ tiêu tăng trưởng của từng sản phẩm cụ thể. Tháo gỡ khó khăn để đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng không duy ý chí, không chủ quan” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương chủ trì có các giải pháp hỗ trợ DN phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới. Cần tích cực mở rộng thị trường cho sản phẩm Việt Nam, coi trọng thị trường trong nước, đồng thời phải lấy thị trường khu vực và toàn cầu làm mục tiêu để cạnh tranh.

“Phải kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các chính sách về thuế, phí… để giúp DN cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả với các sản phẩm nhập khẩu cũng như đẩy mạnh được xuất khẩu, qua đó tăng trưởng sản lượng sản xuất” – Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tập trung giải quyết các dự án đang tồn đọng, các dự án còn vướng mắc để sớm tái khởi động, đưa vào khai thác sản xuất – kinh doanh, phát huy nguồn lực đóng góp mạnh mẽ vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Đối với một số ngành, lĩnh vực sản xuất cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo rà soát, nâng cao hiệu quả, sản lượng các lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là dầu khí, than. Ngành dầu khí bảo đảm khai thác thêm tối thiểu 1 triệu tấn dầu thô so với kế hoạch. Ngành may mặc, giày da, túi xách cần duy trì tăng trưởng cao (trên 10%). Đây là ngành sản xuất có tỉ lệ nội địa hóa cao (đạt gần 50%), sử dụng nhiều lao động, đang chiếm lĩnh thị trường nhiều nước trên thế giới.

Ngoài ra, ngành công nghiệp ô tô cần được khuyến khích để tăng tỉ lệ nội địa hóa, tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu. Các ngành cơ khí chế tạo, sản xuất thép, công nghiệp hóa chất, rượu bia, nước giải khát cần được tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất. Lĩnh vực sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng cũng cần được ưu tiên hơn.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần sớm có quy định chi tiết về chế biến sâu đối với một số loại khoáng sản; khuyến khích DN trong nước ưu tiên sử dụng nguyên liệu đầu vào là các loại khoáng sản trong nước sản xuất được.

Mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 33 tỉ USD

Mức tăng trưởng cụ thể của từng khu vực và một số ngành quan trọng của nền kinh tế trong năm 2017 theo Nghị quyết số 40/2017 của Chính phủ:

– Khu vực nông nghiệp tăng trưởng 3,05%. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 33 tỉ USD.

– Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,91%. Trong đó, khu vực công nghiệp tăng trưởng 8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 13%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng 11,5%; ngành xây dựng tăng trưởng 10,5%.

– Khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,19%. Trong đó, tăng trưởng về khách du lịch là 30%.