Chứng chỉ rừng bền vững làm minh bạch nguồn gỗ cao su xuất khẩu

Các dự án thí điểm đã mang lại giá trị quý báu cho ngành cao su trong việc thực hiện chứng nhận chứng chỉ rừng bền vững.

Dự kiến đến cuối năm 2021 có trên 268.000ha cao su tại Việt Nam hoàn thành phương án quản lý rừng bền vững. (Ảnh minh họa: Thế Trung)

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, gỗ cao su đã trở thành một trong những nguồn cung nguyên liệu quan trọng đối với ngành chế biến gỗ của Việt Nam, đặc biệt là trong xuất khẩu, nhưng cùng lúc đó, ngành cao su cũng phải đối diện với vấn đề sản phẩm bền vững và hợp pháp. Theo ông Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends), để gỗ đạt chứng chỉ bền vững đòi hỏi ngành cao su cần có chiến lược cụ thể thực hiện, được bắt đầu từ khâu thu thập và minh bạch thông tin, bao gồm tình trạng sử dụng đất đai, sử dụng lao động, tuân thủ các quy định về môi trường, pháp luật về thuế, phí…

Ông Nguyễn Quốc Trị – Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh: Quản lý rừng bền vững và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm là những khái niệm mới đối với ngành sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cao su. Nhưng thông qua các dự án thí điểm mà PEFC (hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững) và các thành viên quốc gia đã thực hiện với các tổ chức, doanh nghiệp, nhóm hộ tiểu điền trong khu vực Đông Nam Á, đã chứng minh rằng việc thực hiện chứng chỉ này là hoàn toàn khả thi và cần thiết đối với ngành caosu.

Được biết, hệ thống chứng chỉ rừng Quốc tế PEFC, đã thí điểm chứng nhận sản phẩm caosu thiên nhiên và gỗ caosu trên khắp Đông Nam Á. Bên cạnh loại hình chứng nhận đơn cho các chủ rừng là các công ty, nhờ hợp tác với những cao su tiểu điền ở tất cả các quy mô, PEFC đã áp dụng thành công loại hình chứng nhận theo nhóm, cho phép các tiểu điền phối hợp và triển khai các biện pháp quản lý bền vững cùng nhau. Kinh nghiệm từ những người tham gia các dự án thí điểm đã mang lại giá trị quý báu cho ngành cao su trong việc thực hiện chứng nhận PEFC.

Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), đến thời điểm này, 11 thành viên của tập đoàn vừa nhận được chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế PEFC ST 1001:2010 cho 51.317ha cao su. Đồng thời, các công ty này cũng được cấp chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế PEFC ST 2002:2013 cho 20 nhà máy.

VRG dự kiến đến cuối năm 2021 có trên 268.000ha cao su tại Việt Nam hoàn thành phương án quản lý rừng bền vững, trong đó, khoảng 100.000ha có chứng chỉ VFCS/PEFC-FM và khoảng 38 nhà máy chế biến có chứng chỉ PEFC-CoC…

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, nhằm tạo ra sự kết nối giữa sản xuất, bảo vệ rừng và nâng cao đời sống của người trồng cao su, PFC tổ chức hội thảo trực tuyến miền phí vào lúc 15 – 16 giờ ngày 22.9.2021. Người tham dự có thể đăng ký tại treee.es/firstmoversweb

Các diễn giả và người tham dự sẽ có cơ hội thảo luận lợi ích của chứng nhận PEFC, bao gồm cải tiến hệ thống quản lý, giảm thiểu rủi ro, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, cải thiện sinh kế và năng suất của các tiểu điền.