Khánh Hòa: Hàng ngàn lồng bè mọc trái phép trên sông Quán Trường

ThienNhien.Net – Lồng bè trái phép với mật độ dày đặc không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn cản trở dòng chảy thoát lũ khu vực phía Tây thành phố Nha Trang.

Khu vực sông Quán Trường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nơi đang thi công Dự án chỉnh trị sông Tắc – sông Quán Trường xuất hiện hàng ngàn lồng bè nuôi thủy sản trái phép.

Ảnh: VOV
Ảnh: VOV

Sông Quán Trường trước đây là dòng chảy tự nhiên, nay được chỉnh bằng cách nạo vét, đắp đê 2 bên tả hữu để không cho nước lũ từ phía thượng nguồn tràn qua các khu dân cư 2 bên mà đổ thẳng ra biển. Từ mấy tháng nay, đoạn sông dài khoảng 2 km từ chân cầu Bình Tân đến cầu đường Phong Châu xuất hiện hàng ngàn lồng bè nối tiếp nhau.

Ông Trần Văn Tân, ở xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang cho biết, gần 2 năm nay, tại khu vực này một số người đã làm các bè tre, nổi bằng xốp, sau đó neo lại đáy sông bằng bao cát. Trên các thanh tre được căng dây cước gắn các loại lưới. Vẹm sẽ bám vào giá lưới để phát triển, sau khoảng 2,5 tháng thì thu hoạch. Mỗi hộ làm từ 30-100 ô bè, mỗi ngày kiếm được khoảng 1 triệu đồng.

Từ chỗ chỉ có vài hộ đặt lồng bè, đến nay khu vực này đã có hàng ngàn lồng bè của nhiều hộ dân từ các xã, phường khác thả đặt trái phép. Một số người còn dựng lán trại trên các gò đất hoặc trên các bè nổi để trông coi. Một số hộ làm hàng trăm mét vuông lồng bè, thuê hàng chục người để thu hoạch vẹm.

Vẹm nuôi chỉ đầu tư ban đầu bằng lồng, bè sau đó thu hoạch thường xuyên. Vẹm được các thương lái đưa xe ô tô đến thu mua ngay tại bờ đê với giá từ 4.000-5.000 đồng/kg, rồi được vận chuyển đi các nơi để làm thức ăn cho tôm hùm.

Ông Hoàng Vinh, một người dân nuôi vẹm cho biết: “Không có gì trở ngại hết, thả xuống rồi bắt lên người ta bán. Tre với vật liệu lưới, cước mua, công bỏ công làm. Cũng không thấy ai ngăn cản. Thấy họ làm đông quá, cũng có thu nhập, cũng có lời bắt chước làm. Sau khoảng 2 tháng vớt lên bán thì thấy cũng có lãi. Đợt đầu khoảng 2 tháng rưỡi, 3 tháng; đợt sau cỡ tháng rưỡi, hai tháng”.

Khu vực người dân nuôi thủy sản nằm trong phạm vi của công trường Dự án chỉnh trị hạ lưu sông Tắc – sông Quán Trường do  Ban quản lý dự án các công trình Giao thông và Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Công trình này là kênh thoát lũ, tạo cảnh quan cho khu vực phía Tây thành phố Nha Trang, không được quy hoạch cho nuôi trồng thủy sản.

Hàng trăm lồng bè trên sông
Hàng trăm lồng bè trên sông

Hiện nay, hàng ngàn lồng bè đang gây ô nhiễm môi trường và uy hiếp an toàn của hàng trăm tàu cá đang neo đậu tại cảng Hòn Rớ, hạ lưu sông Quán Trường, nơi chỉ cách các lồng bè chưa đến 3km. Tình trạng người dân ồ ạt làm lồng bè diễn ra với tốc độ rất nhanh từ đầu năm đến nay nhưng phía chủ đầu tư cũng như các địa phương lại cho rằng thiếu phương tiện, nhân lực để xử lý nên số lượng lồng bè đặt trái phép trên sông ngày càng gia tăng. Vừa qua, lực lượng chức năng đã kiểm đếm được hơn 2.200 lồng bè.

Ông Lê Thành Trực, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án giao thông thủy lợi tỉnh Khánh Hòa thừa nhận công tác quản lý chưa chặt chẽ: “Họ làm rất đơn giản, lồng tre thả dây xuống, do đó làm rất nhanh. Phát hiện thì về làm các thủ tục xong, báo với Uỷ ban nhân dân các xã, phường để triển khai thì bà con cũng triển khai rất nhanh. Mỗi lần khi xuống thì bà con hầu như không xuất hiện. Bà con chỉ làm ban đêm sau đó ngày mai là mới có”.

Khu vực người dân lấn chiếm đặt lồng bè trước đây đã được các địa phương giải phóng mặt bằng bàn giao cho phía chủ đầu tư để thi công dự án. Thế nhưng, khi người dân lắp đặt lồng bè họ không gặp bất kỳ sự ngăn cản nào của cơ quan chức năng. Nhiều người tự ý đầu tư hàng trăm triệu đồng làm lồng bè mà không biết việc làm này là trái phép.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Địa phương đã yêu cầu người dân tự tháo dỡ lồng bè lấn chiếm dòng sông. Các hộ dân nuôi tự phát trong phạm vi trong dự án chứ không phải nuôi trong quy hoạch. Một số hộ dân cho rằng chưa nhận được khuyến cáo nào thì tôi sẽ cho kiểm tra lại thông tin.

Xác định trách nhiệm của chủ đầu tư sau khi đã nhận được mặt bằng mà thành phố đã bàn giao, trách nhiệm đầu tiên là của chủ đầu tư. Thành phố tiếp tục kiên trì vận động yêu cầu tự tháo dỡ. Không chấp hành thì thành phố sẽ đặt ra thời hạn chót để yêu cầu tự tháo dỡ”.