Thanh tra hoạt động thăm dò khoáng sản khi nào?

ThienNhien.Net – Là một trong những nội dung được quy định tại Thông tư số 51/2015/TT- BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hướng dẫn một số nội dung thanh tra chuyên ngành khoáng sản.

Thông tư hướng dẫn một số nội dung thanh tra chuyên ngành khoáng sản như thanh tra hoạt động thăm dò khoáng sản, thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản cho các đối tượng là công chức thuộc Bộ TN&MT, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở TN&MT các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; các tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản; các tổ chức và cá nhân khác có liên quan.

Đối với việc thanh tra hoạt động thăm dò khoáng sản, Điều 3 Thông tư quy định việc thực hiện quy định về thông báo kế hoạch thăm dò; báo cáo hoạt động thăm dò khoáng sản; điều kiện thi công Đề án thăm dò khoáng sản; thay đổi phương pháp, khối lượng thăm dò.

Thời điểm gửi văn bản thông báo kế hoạch thăm dò; nộp báo cáo định kỳ hoạt động thăm dò khoáng sản được xác định trên cơ sở thời gian ghi trên bưu phẩm; thời gian ghi trên giấy biên nhận của đơn vị chuyển phát hoặc giấy tờ có liên quan; ngày đến ghi trong sổ văn bản đến tại văn thư của UBND cấp tỉnh/sở TN&MT nơi có hoạt động thăm dò; của Bộ TN&MT/Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT.

Ảnh minh họa: PanNature
Ảnh minh họa: PanNature

Khi doanh nghiệp tự thực hiện đề án thăm dò khoáng sản, việc xác định đủ điều kiện thi công đề án được xác định trên cơ sở các hợp đồng lao động (hoặc văn bản tương đương) của người phụ trách kỹ thuật và công nhân kỹ thuật tham gia trực tiếp thi công đề án theo quy định; quyết định giao chủ nhiệm đề án, người phụ trách kỹ thuật và hồ sơ cá nhân, văn bằng có liên quan kèm theo; thống kê các thiết bị, máy móc chuyên dùng sử dụng để thi công đề án tại thời điểm thanh tra.

Khi tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản không trực tiếp thi công đề án, việc xác định đủ điều kiện thi công đề án căn cứ hợp đồng thi công đề án giữa tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản với đơn vị trực tiếp thi công đề án; đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập của tổ chức hợp đồng thi công đề án; các hợp đồng lao động (hoặc văn bản tương đương) của người phụ trách kỹ thuật và công nhân kỹ thuật tham gia trực tiếp thi công đề án theo quy định; quyết định giao chủ nhiệm đề án, người phụ trách kỹ thuật và hồ sơ cá nhân, văn bằng có liên quan kèm theo; thống kê thiết bị, công cụ chuyên dùng để thi công công trình thăm dò khoáng sản phù hợp với đề án.

Căn cứ xác định đủ điều kiện được thay đổi phương pháp thăm dò hoặc thay đổi khối lượng thăm dò có chi phí lớn hơn 10% dự toán gồm văn bản, tài liệu của tổ chức, cá nhân báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp phép thăm dò về các nội dung thay đổi; văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép thăm dò về phương pháp, khối lượng được phép thay đổi.

Đối với thanh tra việc thực hiện quy định về khu vực được phép thăm dò khoáng sản, Điều 4 quy định xác định việc cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép thăm dò khoáng sản của tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản dựa trên kết quả đo vẽ tọa độ các điểm khép góc ngoài thực địa; bản vẽ sơ đồ các mốc đã cắm tương ứng với các điểm khép góc khu vực thăm dò khoáng sản ghi trong Giấy phép thăm dò khoáng sản kèm theo văn bản nghiệm thu; quy cách của mốc điểm khép góc, bao gồm: vật liệu làm mốc, kích thước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mốc trắc địa hạng 4 đối với trường hợp thăm dò khoáng sản rắn; theo tiêu chuẩn, quy chuẩn lĩnh vực giao thông thủy đối với trường hợp thăm dò cát, sỏi lòng sông, cửa sông, cửa biển; biên bản bàn giao hoàn thành cắm mốc các điểm khép góc tại thực địa giữa sở TN&MT nơi có hoạt động thăm dò khoáng sản, đại diện UBND cấp huyện, xã với tổ chức, cá nhân được phép thăm dò.

Việc xác định diện tích thăm dò vượt ra ngoài phạm vi khu vực được phép thăm dò khoáng sản theo nội dung, trình tự như xác định vị trí, tọa độ trung tâm của công trình thăm dò đã thi công tại thực địa nằm ngoài phạm vi khu vực được phép thăm dò; đưa tọa độ trung tâm của công trình quy định tại điểm a Khoản này lên bản đồ khu vực được phép thăm dò (có cùng hệ tọa độ và tỷ lệ). Nối từng điểm của công trình nằm ngoài ranh giới khu vực được phép thăm dò với 2 điểm mốc khu vực được phép thăm dò gần nhất để xác định hình tam giác của diện tích vượt; diện tích thăm dò vượt trong thực tế bằng tổng diện tích của các hình tam giác có diện tích vượt quy định tại điểm b Khoản này sau khi đã trừ đi các diện tích chồng lấn giữa các tam giác (nếu có).

Thanh tra nội dung kỹ thuật thăm dò khoáng sản cần xác định sự phù hợp của các dạng công trình thi công, mạng lưới công trình thăm dò trong thực tế so với đề án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định và nội dung Giấy phép thăm dò khoáng sản; hiện trạng thi công các công trình thăm dò; đối chiếu thông số kỹ thuật các công trình trong hồ sơ, tài liệu với số liệu tại thực địa (mốc và số liệu, kích cỡ, quy trình thi công); các loại mẫu đã lấy (vị trí, số lượng, chủng loại mẫu; quy trình lấy mẫu; trọng lượng của từng mẫu; cách thức bảo quản mẫu).

Thanh tra việc thực hiện các quy định khác trong thăm dò khoáng sản thì xác định việc chấp hành nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong thăm dò khoáng sản; công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; xác định nghĩa vụ trình phê duyệt trữ lượng khoáng sản khi đã hoàn thành công tác thăm dò; xác định nghĩa vụ nộp báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản và việc tổ chức, cá nhân thăm dò lợi dụng hoạt động thăm dò để khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở: vị trí lấy mẫu; khối lượng mẫu khoáng sản đã khai đào; tổng khối lượng mẫu vận chuyển thực tế so với đề án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định và giấy phép thăm dò khoáng sản.