"Kẻ giết người" ẩn trong rau muống!

Béo phì trở thành bóng ma ám ảnh người dân đô thị và khiến họ nâng cao ý thức và thói quen dùng rau nhiều hơn, ăn ít tinh bột hơn trong cấu trúc khẩu phần ăn hàng ngày.
Rau muống – một loại rau chủ yếu trồng thuỷ sinh – mà người dân TP.HCM có thói quen tiêu dùng khá lớn.

Chẳng những thói quen này được phản ánh từ ngày xưa trong ca dao về nỗi nhớ canh rau muống khi xa nhà, mà, theo phỏng vấn bỏ túi của SGTT, 70% những bà nội trợ độ tuổi 30-50 thường xuyên ăn rau muống, 3-4 lần trở lên trong tuần, vì cho rằng rau muống giàu sắt, canxi, vitamin A; có người còn cho rằng ăn rau còn làm láng da mặt. Chị Nguyễn Thị Đan Phượng, 25 tuổi, công nhân viên, ở Q.10, quả quyết: “Ăn rau làm cho da mặt trở nên đẹp hơn”. Chị Phượng ăn rau mỗi ngày ba buổi, từ rau sống của quán bún bò đến rau sống bún riêu với khối lượng 300g/ngày.

Thế nhưng, món ăn “gây nghiện” này lại vừa được đưa vào danh sách không an toàn qua một khảo sát mới đây.

Khảo sát này của nhóm cán bộ Phân viện Bảo hộ lao động TP.HCM thực hiện trên 25 mẫu rau ngẫu nhiên lấy trên thị trường và điểm trồng rau trên địa bàn TP.HCM. Kết quả cho thấy, hàm lượng chì trong rau thuỷ sinh vẫn là vấn đề đáng báo động. Khảo sát cho thấy, 16/25 mẫu rau, chủ yếu là rau thuỷ sinh như rau muống, được kiểm nghiệm có hàm lượng chì vượt quá mức cho phép từ 0,17 đến 1,32 mg/kg (khảo sát cũng nói đến rau nhút và rau om, nhưng các loại rau này đặc tính thuỷ sinh rất thấp, và tỷ lệ tiêu dùng càng thấp hơn).

Rau thuỷ sinh nhiễm chì chủ yếu do tác động từ nguồn nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp; nước thải bệnh viện; nước thải, rác sinh hoạt…

Yếu tố thứ hai của nhóm này đưa ra không đáng tin cậy: bảng khảo sát báo cáo thêm rằng, “một số nông dân sử dụng xăng, dầu nhớt pha với thuốc bảo vệ thực vật loại rẻ tiền, độc tính cao để trừ sâu rầy”, làm tăng tỷ lệ nhiễm chì cao. Thực ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt việc không sử dụng xăng không pha chì vào trước ngày 31/1/2001; ngoài ra dư lượng mùi hôi của xăng, dầu, trên sản phẩm liên quan đến bán hàng.

Hàm lượng nhiễm chì nói trên không đủ gây ra ngộ độc chì cấp tính, nhưng sử dụng thường xuyên nguồn rau muống “giàu chì” này sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến sức khoẻ, đặc biệt có thể gây suy gan, thận và ảnh hưởng đến thần kinh. Trẻ em bị ngộ độc mãn tính chì sẽ bị chậm phát triển trí não.

Hàm lượng chì trong thực phẩm, theo tiêu chuẩn xuất khẩu, là từ 0,2 – 0,3ppm/kg (ppm: phần triệu), tuỳ theo thị trường nhập khẩu – EU không quá 0,2ppm/kg, Bắc Mỹ không quá 0,3ppm/kg.

Theo BS Nguyễn Xuân Mai, viện phó Viện Y tế công cộng TP.HCM, thực phẩm nhiễm chì ở mức vượt ngưỡng quy định thì chỉ còn nước mang đi tiêu huỷ (chôn), không cách nào tái chế để loại bỏ chì.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, nhu cầu sử dụng rau quả tại TP.HCM vào khoảng 1.600 tấn/ngày, nhưng sản lượng rau sạch chỉ cung ứng 20-30%. TP.HCM hiện có 2.046 ha đất trồng rau sạch, trong số này 1.712ha được sở công nhận.

Hiện TP.HCM chỉ mới đáp ứng được nhu cầu sử dụng rau quả của người dân khoảng 20-30%, còn 70-80% phải nhập từ các tỉnh lân cận. Rau muống thì chủ yếu nhập từ các tỉnh có tốc độ công nghiệp hoá cao lân cận, nhưng việc xử lý nước thải ở các tỉnh này vẫn chưa đạt yêu cầu.

Công bố 64% rau thuỷ sinh nhiễm chì với hàm lượng quá cao (hàng triệu lần) so với tiêu chuẩn cho phép đến nay vẫn chưa thấy có ý kiến bảo vệ người tiêu dùng của giới chức trách cũng như của các đại biểu HĐND, mặc dầu mức nguy hiểm theo báo cáo này đủ khiến các đại biểu quốc tế đặt vấn đề với cơ quan quản lý. Người dân cần biết khảo sát này có đáng tin cậy không để ra quyết định, tiếp tục ăn hay không ăn rau muống nữa. Nếu ăn thì ăn nguồn nào.