Hàng nghìn bạn trẻ tham dự lễ hội chiếu phim và ca nhạc WildFest

ThienNhien.Net – Tối nay (8/11), hơn 5.000 bạn trẻ và đông đảo người dân Thủ đô đã nô nức kéo đến Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) để đón xem sự kiện WildFest, lễ hội chiếu phim và ca nhạc ngoài trời về động vật hoang dã đầu tiên tại Việt Nam.

WildFest, lễ hội chiếu phim và ca nhạc ngoài trời về động vật hoang dã đầu tiên tại Việt Nam (Ảnh: PV/Vietnam+)
WildFest, lễ hội chiếu phim và ca nhạc ngoài trời về động vật hoang dã đầu tiên tại Việt Nam (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, mặc dù 18 giờ 30 phút “đêm hội” chiếu phim và ca nhạc ngoài trời mới chính thức bắt đầu, nhưng ngay từ 16 giờ chiều nay, đông đảo bạn trẻ và người dân Thủ đô đã có mặt tại Hoàng Thành Thăng Long để gặp gỡ và trò chuyện với các nghệ sĩ, đạo diễn phim nổi tiếng, cũng như tìm hiểu các câu chuyện về động vật hoang dã.

Sự kiện WildFest còn có sự tham gia của đại diện Chính phủ Việt Nam, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius, Đại sứ Vương quốc Anh Giles Lever, đại diện Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam và ông Steve Galster – Giám đốc Freelend.

Phát biểu tại chương trình, Đại sứ Ted Osius cho rằng, vấn nạn buôn bán, săn bắn động vật hoang dã như tê giác đang là mối đe dọa lớn, khiến nhiều loài quý hiếm đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Thậm chí, việc buôn bán trái phép này còn hỗ trợ cho một số mạng lưới tội phạm khủng bố quốc tế phát triển.

“Chính vì vậy, thông qua sự kiện WildFest tối nay, chúng tôi hy vọng các bạn trẻ nhận thức đúng lợi ích và tác hại của việc buôn bán trái phép động vật hoang dã, nhất là sừng tê giác tại Nam Phi. Sừng tê giác không phải là thuốc cổ truyền để chữa bệnh, nó cũng không phải là một biểu tượng thể hiện đẳng cấp, mà là sự đàn áp. Vì thế, chúng tôi kêu gọi các bạn giúp đỡ, cùng chúng tôi lên tiếng để bảo vệ loài động vật hoang dã đang bị đe dọa này,” Đại sứ ​Hoa Kỳ nhấn mạnh.

Theo đại diện Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam, nạn săn trộm sừng tê giác tại Nam Phi và các quốc gia khác đã ​trở thành cuộc khủng hoảng. Chỉ tính riêng trong năm 2014 đã có hơn 1.200 con tê giác tại Nam Phi bị giết. Và, nếu việc bắn giết vẫn tiếp tục diễn ra thì thế giới sẽ mất đi loài động vật quý hiếm.

“Sừng tê giác trên thực tế nó chỉ như những móng tay của con người, nó không có công dụng làm thuốc chữa bệnh. Vì thế, chúng ta cần làm việc với nhau để tạo ra sự thay đổi trong việc tiêu dùng, cũng như ngăn chặn nạn bắn giết và buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp. Chúng tôi cũng hi vọng, các bạn trẻ lên tiếng để chống lại nạn săn bắn, buôn bán để bảo vệ loài tê giác quý hiếm,” đại diện Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam nói.

Hơn 5.000 bạn trẻ tham dự chương trình WildFest - lễ hội chiếu phim và ca nhạc ngoài trời về động vật hoang dã ngoài trời (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hơn 5.000 bạn trẻ tham dự chương trình WildFest – lễ hội chiếu phim và ca nhạc ngoài trời về động vật hoang dã ngoài trời (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về phần mình, ông Vương Tiến Mạnh, Phó giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và ​Phát triển ​Nông thôn) cho biết, những năm gần đây, do nhu cầu phát triển kinh tế, một bộ phận nhỏ người Việt đã tham gia vào các hoạt động buôn bán động vật hoang dã, dẫn đến sự suy giảm của các loài quý hiếm.

Trước thực tế trên, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và ​Phát triển Nông thôn và các cơ quan tham mưu cho Chính phủ đã ban hành và thực thi các quy định pháp luật để ngăn chặn tội phạm buôn bán động vật hoang dã trong nước, cũng như ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển động vật hoang dã xuyên quốc gia, như sừng tê giác tại Nam Phi.

“Tuy nhiên, nếu không có sự chung tay của các bạn trẻ thì công tác này sẽ khó đạt được kết quả. Vì thế, chúng tôi mong muốn các bạn trẻ cùng chung tay với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ để bảo vệ động vật hoang dã, cũng như đưa các loài quý hiếm trở lại Việt Nam, để Việt Nam trở thành một điểm đến đẹp trong mắt bạn bè quốc tế,” ông Mạnh nói.

Chia sẻ về lý do tham gia chương trình Cùng Hành động tạo sự Thay đổi/WildFest, đạo diễn Charlie Nguyễn (Đại sứ thiện chí của OGC/WildFest) nói: “Niềm tin vào phép màu của những phương thuốc được cho là thần dược với người Việt đã có từ lâu đời nên chẳng dễ để lay chuyển suy nghĩ đó với những người lớn tuổi. Tuy nhiên, tôi tin rằng thế hệ trẻ có cách nghĩ khác và họ chính là những người tạo được sự ảnh hưởng lâu dài.”

Đạo diễn Charlie Nguyễn cũng tin tưởng, với ngôn ngữ điện ảnh – thứ phương tiện giải trí có sức tác động rộng lớn, trực tiếp, các bộ phim được công chiếu sẽ góp phần tạo sự thay đổi, góp phần bảo vệ động vật hoang dã.

​Diễn viên Hồng Ánh – người luôn nhiệt tâm với các hoạt động vì thiên nhiên, môi trường và bảo vệ động vật – chia sẻ: “Là người được khán giả biết mặt, nhớ tên, tôi nghĩ mình có trách nhiệm lên tiếng trước các vấn đề đang được cả thế giới quan tâm này.”

Diễn viên Hồng Ánh cũng cho biết, tuy hành động này chưa thể thay đổi suy nghĩ của nhiều người ngay lập tức nhưng với những chương trình như thế này, dần dần mọi người sẽ nghĩ khác đi.

“Chúng ta chưa thể thay đổi cả một cộng đồng nhưng nếu một người thay đổi thì những người bên cạnh họ cũng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng tích cực, sức lan toả đó sẽ rộng hơn, xa hơn khi mỗi người trong chúng ta đều hành động,” diễn viên Hồng Ánh nói.