“Trả nợ” cho rừng

Hơn nửa cuộc đời theo dân bản phá rừng làm rẫy, khi về già, ông Vừa Mý Lúa (ở thôn Ngậm Soọc, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) mới “sáng cái bụng” nhận ra: Việc phá rừng, đốt nương làm rẫy là nguyên nhân đưa đến tình trạng lũ quét liên miên. Suốt 30 năm qua, ông đã âm thầm trồng, chăm sóc, bảo vệ 70ha rừng để trả cái “nợ” của thời trai trẻ.

Nợ rừng phải trả

Tập tục ngàn xưa người Mông sống du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy. Khi còn trai trẻ, Vừa Mý Lúa phải theo gia đình và dân bản đi qua bao nhiêu dãy núi cao từ Đồng Văn sang Mèo Vạc.

Nơi nào gia đình ông đi qua, nơi ấy cây cối bị đốn hạ, rừng cháy trụi. Đâm lỗ tra ngô được vài mùa, đất khô cằn, gia đình ông Lúa lại tiếp tục tìm đến những cánh rừng khác.

Ông trầm giọng kể: “Tôi không nhớ đã đốt bao cánh rừng, du canh qua bao dãy núi nữa. Khi di cư, chỉ còn lại những vạt rừng trơ trọc đất đá khô cằn. Cực nhất vào mùa mưa hàng năm. Lũ đổ về tàn phá nương ngô, cuốn trôi nhà cửa, trâu bò. Gia đình tôi phải chạy lũ thường xuyên”. Đến ngoài 40 tuổi, ông Lúa vẫn dắt díu vợ con đi qua các vùng núi cao, đốt rừng làm rẫy và cuộc sống vẫn bấp bênh.

Năm 1980, sau lần gặp một cán bộ lâm trường người Kinh, ông được nghe về tác dụng của việc trồng và bảo vệ rừng. “Từ đó,
tôi mới sáng cái bụng. Lũ quét nhiều, đất cằn cỗi, bị xói mòn nhanh là do mình không biết giữ rừng”, ông Lúa kể lại.

Khi đó, ông Lúa quyết tâm bỏ tập tục du canh, du cư đốt rừng làm nương. Ông đưa gia đình về định cư tại xã Mậu Duệ. Ông kể: “Khi tôi về, vạt đồi chỉ toàn cỏ dại. Từng vạt núi lô nhô đất đá khô cằn, không trồng trọt được gì”. Nhưng ông vẫn quyết chí phủ xanh vùng đất hoang hóa này.

Việc đầu tiên ông nhận ngay đất của Lâm trường huyện Yên Minh. Suốt 30 năm trồng, chăm sóc, bảo vệ 70ha rừng với nhiều loại cây như hồi, thông, kháo nhậm, sa mộc, mỡ…, ông không để xảy ra vụ cháy rừng lớn hay bị người xấu chặt phá trộm.

Những năm đầu khai hoang ở vùng đất mới, gia đình ông hầu như không có nguồn thu nhập. “Ngày đó khổ lắm. Suốt ngày chỉ ăn mèn mén, ăn sắn thay cơm thôi. Thậm chí, có hôm phải nhịn đói lên nương”, ông bùi ngùi nói. Nếu chỉ dựa vào rừng thì không đủ ăn, ông quyết định đào con mương dài chừng 700m từ khe núi về làm ruộng bậc thang và cứu hạn trong mùa khô, kết hợp nuôi thêm lợn, gà.

“Ăn lộc” của rừng

Ba chục năm mồ hôi, nước mắt của gia đình ông đổ xuống để có cuộc sống ấm no như ngày hôm nay. Ông Lúa vui vẻ kể: “Mới đây có công ty cổ phần ở tỉnh đặt hợp đồng khai thác nhựa thông, khoảng 300đ/cây. Hàng ngàn cây thông nhà tôi sắp sinh lợi, thu nhập không nhỏ mà tôi vẫn giữ được cây”.

Các loại cây khác, lâm trường cho phép ông khai thác, tỉa thưa khoảng 3% mỗi năm. Cạnh đó, ông dành đất trồng các loại cây ăn quả. Công sức ông đã được đền bù: 1.000 cây xoài, quả được bán cho trung tâm thu mua làm đặc sản “xoài Yên Minh” đã có thương hiệu.

Không chỉ làm chủ khu rừng 70ha, ông Lúa còn đầu tư làm kinh tế vườn – ao – chuồng (VAC), tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác nhau. Dẫn khách ra chuồng bò, ông giới thiệu: “Nhà tôi hiện có 50 con trâu, bò, nhiều nhất nhì huyện miền núi này”.
Giá trâu, bò trên thị trường chừng 6 triệu đồng/con, tổng giá trị đàn trâu, bò nhà ông cũng gần 300 triệu đồng. Một gia tài lớn với người Mông vùng Yên Minh còn nhiều khó khăn.

“Kết hợp kinh tế VAC – rừng, gia đình tôi có 6 người mà làm không hết việc. Tận dụng bằng hết đất canh tác, liên tục tái sản xuất, không để đất nghỉ”, ông nói.

Hiện tại, gia đình ông chỉ có 1ha đất trồng lúa nước, chủ yếu ruộng bậc thang, phải thường xuyên mở mương máng, khai thông dòng nước tưới tiêu. Cạnh đó, có hơn 1ha đất trồng ngô để nấu rượu, chăn nuôi, xen ghép trồng cây hồi.

Ngoài ra, ông “đổ” cả chục triệu đồng mua vật liệu đắp con đập ngăn nước làm ao thả cá. Ước tính gia đình ông có tổng thu nhập hàng năm lên hơn 150 triệu đồng từ mô hình kinh tế VAC – rừng!

Nhờ thế, ông đã về Hà Nội 3 lần để báo công “gia đình nông dân sản xuất giỏi toàn quốc” và liên tục đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Hà Giang từ năm 1988 đến nay.