Ngăn thảm họa từ đầu nguồn

ThienNhien.Net – “Thảm họa xả lũ với lưu vực sông Hồng trên lãnh thổ Việt Nam đã quá rõ ràng. Khẩn cấp lắm rồi, phải làm ngay, đừng để quá muộn khi nước đã đến chân”.

11h ngày 11/10, mức nước sông Hồng tại Lào Cai dâng đột ngột, ở mức 81,03 m (vượt mức báo động 1,03m). Lũ bất ngờ cuốn trôi và làm đắm thuyền bè, tàn phá nhiều diện tích hoa màu của dân cư xã A Mú Sung, huyện Bát Xát (Lào Cai).

Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn Lào Cai Lưu Minh Hải thông tin đến báo chí, khu vực xả lũ ở Trung Quốc, cách TP Lào Cai khoảng 100 km. Lượng nước xả lên đến 2.500 m3/giây khiến nhiều dân cư sống ven sông Hồng   trở tay không kịp. Nước lũ cũng làm tuyến đường tỉnh 156 dọc biên giới nhiều chỗ ngập sâu hơn 1m.

Sạt lở thường xuyên xảy ra ở hạ lưu sông Hồng trên lãnh thổ Việt Nam mỗi khi xuất hiện lũ lớn.
Sạt lở thường xuyên xảy ra ở hạ lưu sông Hồng trên lãnh thổ Việt Nam mỗi khi xuất hiện lũ lớn.

Sông Hồng chảy vào  lãnh thổ Việt Nam bắt đầu tại xã A Mú Sung huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Theo các tài liệu được công bố, sông Hồng ở Trung Quốc chiếm khoảng 48% diện tích toàn lưu vực. Ở Việt Nam, diện tích lưu vực này là 51,3%. Phần còn lại nằm trên lãnh thổ Lào.

Mối nguy từ việc xả lũ đối với vùng châu thổ sông Hồng được giới khoa học cũng như chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và thế giới cảnh báo từ ngay khi Trung Quốc  xây hàng loạt hồ, đập thủy điện ở đầu nguồn như Mã Đổ Sơn (Madushan), Nam Sa (Nansha), Kiết Sái (Jiasha) cùng khoảng 20 đập nước lớn nhỏ khác.

Đáng lo ngại nhất là đập Mã Đổ Sơn có chiều cao thân đập lên đến 105 m, chứa khoảng 551 triệu m3 nước. Các nghiên cứu được công bố cho thấy, cùng với việc đưa vào khai thác hàng loạt hồ chứa  thủy điện xây dựng từ năm 2007, Trung Quốc đã hoàn thiện kế hoạch xây trên 50 nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Lô, Sông Đà, Sông Thao.

Theo tính toán của chuyên gia Trường Đại học Thủy lợi, từ thượng nguồn sông Đà đến gần biên giới Việt Nam, có 11 công trình thuỷ điện đã xây dựng xong hoặc đã có kế hoạch xây dựng gồm: Chung Ái Kiều, Phổ Tú Kiều, Tam Giang Khẩu, Tứ Nam Giang, Tọa Dương Sơn, Thạch Môn Khảm, Tân Bình Trại, Long Mã, Cư Phổ Độ, Cách Lan Tan, Thổ Khả Hà.

Trên sông Thao có  29 đập ngăn nước, trong đó có 1 đập ngăn sông chính cách biên giới Việt Nam khoảng 140 km, đó là đập thủy điện Nanshan cao 90 m; diện tích hồ chứa 9 km2; có 3 cửa xả nước.

Trên sông Lô – Gâm  có ít nhất 8 hồ thủy điện được xây dựng với tổng công suất lắp máy khoảng 2300 MW. Trong đó có 3 hồ chứa lớn là Mã Đường (400MW), Bi Thủy (278MW), Nam Cổn (1.500MW).

Hiện Việt Nam không có thông tin đầy đủ về quy mô, chế độ vận hành của các hồ chứa bên Trung Quốc do phía Trung Quốc không cung cấp. Qua nhiều lần đề nghị và thương thảo, từ năm 2001 đến nay, Trung Quốc đồng ý cung cấp số liệu quan trắc mực nước, lưu lượng của 4 trạm thủy văn.

Trên nhánh sông Đà có trạm Trung Ái Kiều trên sông A Mặc, Thổ Khả Hà (trước đây là Lý Tiến Độ được di dời xuống hạ lưu hồ sau khi có hồ Thổ Khả Hà).

Trong đó trạm thủy văn Trung Ái Kiều ở thượng nguồn ít bị ảnh hưởng điều tiết của hồ chứa còn trạm Thổ Khả Hà nằm ở hạ lưu bậc thang cuối cùng cách biên giới Việt Nam 4 km. Những năm gần đây, có thêm trạm Kim Thủy Hà trên Nậm Giàng nhưng không có số liệu thường xuyên.

Trên sông Thao có trạm Nguyên Giang và Mạn Hảo trên sông Nguyên.Trong  đó trạm Nguyên Giang nằm ở thượng lưu các hồ chứa còn trạm Mạn Hảo nằm ở hạ lưu bậc thang cuối  cùng cách biên giới Việt Nam khoảng 8 km. Phía Trung Quốc cũng chỉ cấp cho ta tài liệu mực nước theo ốp 1,7,13,19 trong  mùa lũ (từ 15 tháng 5 đến tháng 15 tháng 10 hàng năm).

Cũng theo các chuyên gia, tra cứu số liệu có từ 2001 đến nay thì tài liệu mùa kiệt không được (phía Trung Quốc) cung cấp nên rất khó phân tích ảnh hưởng điều tiết của các hồ chứa  bên Trung Quốc đến dòng chảy hạ du thuộc  địa phận Việt Nam.

Chia sẻ mối nguy hại của thủy điện xả lũ đầu nguồn các dòng sông, từ năm 2007 đến nay, nhiều tổ chức sông ngòi quốc tế cũng lên tiếng cho rằng, Trung Quốc đã coi nhẹ tác hại của thủy điện đối với quốc gia cuối nguồn nước bằng việc cho xây hàng loạt  thủy điện với các hồ đập có sức chứa vô cùng lớn ở thượng nguồn dòng sông Hồng.

Trở lại với trận lũ dâng bất thường ở Lào Cai sáng 11/10, sau khi để lại hậu quả nặng nề đối với cư dân sống ven sông Hồng của Lào Cai; lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Lào Cai cho biết, từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, phía Trung Quốc đều chia sẻ thông tin về quan trắc thủy văn trên sông Hồng.

Tuy nhiên lượng nước xả tăng đột ngột vượt ngưỡng báo động vào ngày 11/10, buộc những người có trách nhiệm phải “ngầm hiểu” là phía bên kia (Trung Quốc)  đang xả lũ để cảnh báo kịp thời đến các địa phương  chịu ảnh hưởng. Tình huống lũ dâng bất ngờ kể từ rạng sáng ngày 11-10 với biên độ từ 4 đến 6 m cũng đặt cơ quan có trách nhiệm, lãnh đạo các địa phương của Lào Cai vào tình huống phải ứng phó khẩn cấp, sẵn sàng nhân lực, phương tiện cứu hộ, sơ tán hàng vạn dân cư.

Nhận định về trận lũ bất thường ngày 11/10, trên sông Hồng và hậu quả của nó với cư dân các địa phương Lào Cai; Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, GS.TS Vũ Trọng Hồng, cho rằng với lượng xả 2.500 m3/giây vào thời điểm sông Hồng đầy nước trong mùa mưa sẽ vô cùng nguy hiểm.

Cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam – TS Đào Trọng Tứ, khẳng định, chuyện Trung Quốc xả lũ gây lũ đột ngột ở sông Hồng ngày 11/10 vừa qua chắc chắn sẽ còn lặp đi lặp lại. Thượng nguồn sông Hồng ở  Trung Quốc đang có 2 thủy điện lớn là Mudasan  (dung tích 550 triệu m3) , thủy điện Nansa  (dung tích 200 triệu m3).

Không thể ngăn Trung Quốc xả lũ vào mùa mưa nên tổ chức, cá nhân có trách nhiệm của Việt Nam phải bằng mọi giá tìm sự hợp tác, thống nhất xử lý tình huống rủi ro thiên tai thường xuyên với phía Trung Quốc.

“Thảm họa xả lũ với lưu vực sông Hồng trên lãnh thổ Việt Nam đã quá rõ ràng.Khẩn cấp lắm rồi, phải làm ngay, đừng để quá muộn khi nước đã đến chân”.

Nhiều chuyên gia hàng đầu về sông ngòi và đập lớn của Việt Nam thêm một lần lên tiếng một cách đầy bức thiết, ngay khi vừa xảy ra trận lũ bất thường ở nơi con sông Hồng vừa chạm vào đất Việt.