Nạn “cát tặc” ở Đác Nông

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đác Nông, nạn “cát tặc” lộng hành, chúng thuê cả “côn đồ” bảo kê và ngang nhiên dùng xà lan hút cát trực tiếp trên phần đất sản xuất của người dân, gây sạt lở nghiêm trọng. Nhiều hộ dân đã bị mất toàn bộ đất sản xuất hoặc bị đe dọa, ép bán đổ bán tháo đất sản xuất cho các “đầu nậu” khai thác cát, phải đi làm thuê sống qua ngày, thậm chí bỏ địa phương đi làm thuê ở tỉnh khác… Thế nhưng, chính quyền và các cấp, các ngành huyện Krông Nô cũng như tỉnh Đác Nông chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Ép dân bán đất sản xuất

Theo phản ánh của nhân dân, chúng tôi tìm về xã Buôn Choah để tìm hiểu thực tế, gặp anh Vi Văn Thành, trưởng thôn 1 trên đường đi tuần tra từ cánh đồng về, anh Thành cho biết: “Đã mấy năm nay, đêm nào tôi cũng phải thức dậy lúc hai giờ sáng cùng với một số bà con có đất ven sông đi tuần tra, ngăn không cho “cát tặc” hút đất sản xuất. Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây, do cát dưới sông đã hết, nên bọn khai thác cát đã tấn công lên bờ, hút cát trực tiếp vào phần đất sản xuất của bà con, gây sạt lở nghiêm trọng. Các đối tượng khai thác cát ngày càng manh động, thuê giang hồ bảo kê sẵn sàng tấn công người dân nếu ngăn cản. Thực tế ở địa phương đã có một số trường hợp người dân bị bọn bảo kê tấn công bị thương phải nhập viện. Sự việc đã diễn ra nhiều năm, chúng tôi không thể chống đỡ, nhiều hộ dân bị đe dọa nên hoang mang đành bán đất cho “cát tặc”.

Chị Đỗ Thị Thu, ở thôn 1 là hộ có nhiều đất nhất nhì của xã. Với năm ha đất trồng ngô lai hai vụ, mỗi năm cho thu nhập gần 600 triệu đồng, nhưng bây giờ chị Thu đã trắng tay, năm ha đất đã bị cát tặc “nuốt” sạch, thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng. Không còn đất sản xuất, hàng ngày vợ chồng chị phải đi làm thuê, buôn bán vặt để trang trải cho bốn miệng ăn trong gia đình.

“Lúc đầu bọn chúng cho người hỏi mua nhưng tôi không bán vì tiếc đất. Hơn nữa, đất này do ông bà để lại nên không thể bán được. Gần hai năm nay, vợ chồng tôi lúc nào cũng thay nhau trông coi ngày đêm, nhưng bọn chúng vẫn ngang nhiên cho xà lan vào hút cát mặc cho chúng tôi hết lời van xin. Nhìn từng đoàn xà lan vô tư hút cát mang đi ngay giữa ban ngày mà lòng đau như cắt, bây giờ tôi chẳng còn gì…”, chị Thu nói trong nước mắt.

Cũng như gia đình chị Thu, đã ba năm nay, anh Luân Văn Tứ, ở thôn 3, xã Buôn Chóah kiên trì giữ đất nhưng vẫn không ngăn được nạn “cát tặc”. Chỉ trong vòng bốn tháng gần đây, hàng chục xà lan đua nhau hút cát khiến hơn ba sào đất sản xuất của gia đình anh bị sạt lở xuống sông nên diện tích còn lại anh đành bán hết. Anh Tứ than thở: “Theo giá thị trường hiện nay, một ha đất nông nghiệp tại xã Buôn Choáh có giá gần 350 triệu đồng, nhưng các đối tượng khai thác cát chỉ mua với giá 110 triệu đồng, nếu mình không bán cũng bị mất nên tôi đành bán 1,2 ha với giá 132 triệu đồng. Số tiền bán đất đã tiêu xài hết, hiện tại cả bốn người trong gia đình chỉ sống nhờ vào hai sào đất lúa còn lại và tiền công đi làm thuê hàng ngày. Cứ với tình trạng này một thời gian nữa không biết lấy gì mà sống đây?”.

Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh, Dương Văn Lực, xác nhận: Đến nay toàn xã có khoảng 16 hộ bán đất với diện tích gần sáu ha, hộ ít nhất 300 m2 với giá 3,3 triệu đồng, hộ nhiều nhất 1,2 ha với giá 132 triệu đồng. Tuy nhiên, hoạt động mua bán chỉ được thực hiện lén lút qua hình thức viết giấy trao tay chứ đến thời điểm này, UBND xã Buôn Choáh chưa xác nhận bất kỳ trường hợp nào mua bán đất. Hiện, một số hộ mất toàn bộ đất sản xuất phải đi làm thuê hoặc bỏ địa phương đi làm ăn ở các tỉnh khác.

"Cát tặc" ngang nhiên đưa xà lan trực tiếp hút cát trên đất sản xuất của người dân
“Cát tặc” ngang nhiên đưa xà lan trực tiếp hút cát trên đất sản xuất của người dân

Ngoài việc thuê “xã hội đen” tấn công làm bị thương người dân, bọn “đầu nậu” còn cử người lân la trong dân tìm các hộ có đất ven sông vận động bán đất, nếu vận động không thành thì bọn chúng hăm dọa buộc người dân yếu thế phải bán đất. “Mặc dù UBND xã đã chỉ đạo cho lực lượng chức năng của xã và ban tự quản các thôn, buôn tuyên truyền nhân dân không được bán đất, khi phát hiện người lạ mặt báo cáo ngay lên cấp trên để kiểm tra, xử lý… Tuy nhiên, do bị đe dọa trả thù nên người dân không ai dám khai báo mà đành âm thầm bán đất”, ông Lực cho biết thêm.

Chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Ngô Xuân Đông cho biết: Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Krông Nô đoạn qua xã Buôn Choáh gây sạt lở đất sản xuất của người dân địa phương đã diễn ra nhiều năm nay, các đối tượng ngày càng táo tợn sẵn sàng tấn công người dân. Khi có lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý thì tình hình có giảm xuống, nhưng sau khi lực lượng chức năng rút đi thì mọi việc trở lại như cũ.

Các cơ quan chức năng của huyện nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng vụ việc vẫn chưa dứt điểm. Nguyên nhân là do địa phận các đối tượng khai thác cát thuộc giáp ranh giữa hai tỉnh Đác Nông và Đác Lắc, các đối tượng khai thác cát trái phép là các doanh nghiệp, công ty thuộc tỉnh Đác Lắc cấp phép và quản lý nên không thể kiểm tra, xử lý được.

Theo thống kê của UBND huyện, đến nay, tổng số hộ có đất bị sạt lở do khai thác cát trái phép là 84 hộ, với diện tích gần 60 ha, trong đó có năm hộ có tài sản trên đất bị sạt lở. UBND huyện đã nhiều lần báo cáo lên UBND tỉnh, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh có phương án xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Vì vậy, tình trạng sạt lở đất vẫn diễn ra gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân do bị mất đất.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đác Nông Hoàng Duy Chuyển cho rằng: Cái khó nhất hiện nay là các công ty, doanh nghiệp khai thác cát trái phép đều nằm ở tỉnh Đác Lắc, do tỉnh này cấp phép và quản lý. Vì vậy, để giải quyết tận gốc nạn khai thác cát trái phép cần phải có sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của UBND tỉnh Đác Lắc và các ngành chức năng liên quan. Thời gian qua, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản gửi UBND tỉnh Đác Lắc đề nghị phối hợp và chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phối hợp xử lý, tuy nhiên đến nay vụ việc vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông Nguyễn Đức Luyện cho biết: Vấn đề sạt lở đất ở Buôn Choah có hai nguyên nhân, một là do ảnh hưởng của việc xả nước thủy điện Buôn Tua Srah, hai là việc khai thác cát trái phép. Để xử lý được vấn đề khai thác cát trái phép, tỉnh Đác Nông đã có nhiều văn bản gửi tỉnh Đác Lắc đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý.

Về phía mình, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh phối vợp với Công an huyện Krông Nô xử lý vụ việc, tuy nhiên do dòng sông nằm giữa ranh giới hai tỉnh nên không thể xử lý dứt điểm được. Vừa qua, tỉnh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đác Lắc, thống nhất phương án phối hợp để ngăn chặn tình trạng này.

Theo đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh chủ động phối hợp xây dựng quy chế phối hợp quản lý khai thác cát trên sông Krông Nô trình UBND tỉnh thông qua và ký kết trong tháng 10 -2015. UBND hai tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan tăng cường công tác quản lý, tổ chức đăng ký tàu thuyền, đăng ký lô-gô, quy hoạch bến cát, thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định…