Hãy suy nghĩ kỹ trước khi nâng cấp điện thoại!

ThienNhien.Net – Điện thoại di động mang đến những tính năng tuyệt vời, nền công nghệ hoàn hảo giúp con người trở nên hiện đại hơn. Nhưng, liệu rằng bạn đã biết đến cuộc đời của một chiếc điện thoại di động? Được mua về, sử dụng, chán rồi bỏ?

Ước chừng có hơn 2 tỷ điện thoại di động được bán trên khắp thế giới vào năm 2014, hơn một nửa trong số đó là smartphone. Trong khi đó, số người sử dụng điện thoại di động ước tính chiếm khoảng 87% dân số thế giới. Thế nhưng trong số những người dùng ấy, có được bao nhiêu người từng nghĩ đến “cuộc đời” chiếc điện thoại cũ sẽ đi về đâu khi phải nhường chỗ cho đời mới?

Ảnh minh họa: josephmcconnell.com
Ảnh minh họa: josephmcconnell.com

Hàng năm trên thế giới, hàng triệu chiếc điện thoại di động mới được ra lò và một số lượng tương đương bị thải đi, mặc dù phần lớn còn đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các sản phẩm công nghệ hiện nay, điện thoại luôn có nguy cơ lỗi thời, cả về mặt công nghệ cũng như kiểu dáng, trong khi chúng ta luôn muốn sở hữu đời mới nhất hoặc cập nhật nhất. Mặc dù tưởng như là một vật rất nhỏ và đơn giản, điện thoại tích hợp vô cùng nhiều công nghệ phức tạp với rất nhiều thành phần. Chúng cũng cần những vật liệu thô lấy từ lòng đất, sau đó được chế tạo thành những linh kiện để lắp ráp ra sản phẩm cuối cùng. Chiếc điện thoại sau đó sẽ có một “cuộc sống” khi về tay chủ nhân của nó, và cuối cùng “chết” khi chủ nhân quyết định vứt bỏ.

Trung bình, một chiếc điện thoại thường chỉ được sử dụng tối đa trong vòng 8 tháng trước khi bị thế chỗ. Với hầu hết mọi người, vứt vào sọt rác coi như giải quyết xong vấn đề, nhưng điều gì sẽ xảy ra sau đó? Ước tính khoảng 150 triệu chiếc mỗi năm kết thúc cuộc đời ở những bãi rác trên toàn thế giới. Có lẽ nhìn một cách lạc quan thì ít nhất những chiếc điện thoại bỏ đi cũng được tái sử dụng, những phần giá trị sẽ được hồi phục và chuyển thành các linh kiện cho những chiếc mới. Sự thật lại “trần trụi” hơn như thế. Bởi vì hầu như những chiếc được tái chế đều được chuyển đến các nước đang phát triển nơi các phương pháp tái chế đều không an toàn. Tại đó, các bước tái chế không chỉ gây nguy hiểm cho những người tái chế mà còn đặc biệt nguy hại cho môi trường khi các thành phần có hại sử dụng trong sản xuất điện thoại rò rỉ ra khí quyển hay thấm vào mạch nước ngầm.

Vậy nên, khi nâng cấp điện thoại, hãy dừng lại một giây trước khi vứt điện thoại vào thùng rác và cân nhắc việc tái sử dụng chúng. Cách đó không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền bạc mà còn đóng góp không nhỏ cho việc bảo vệ môi trường.