Cần đặt quyền con người làm trọng tâm trong nỗ lực bảo tồn rừng

ThienNhien.Net – Cộng đồng phụ thuộc vào rừng đang phải đối mặt với thách thức từ nạn phá rừng và suy thoái rừng. Các phương pháp sử dụng đất truyền thống và sáng kiến cộng đồng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Đó là kết luận từ Báo cáo Securing Forests – Securing Rights.

Báo cáo tổng kết nghiên cứu tại hàng chục cộng đồng bản địa sống dựa vào rừng tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latin với những xâm phạm bất lợi đối với các cộng đồng sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng, từ việc lấn chiếm đất đai của các tập đoàn đến việc chính phủ từ chối những quyền con người cơ bản.

Những quốc gia được khảo sát trong nghiên cứu, bao gồm Indonesia, Malaysia, Cameroon, Congo, Liberia, Colombia, Guyana, Paraguay, và Peru, đều đang phải hứng chịu nạn tàn phá và suy thoái rừng từ các ngành công nghiệp trang trại, khai thác gỗ, khai khoáng và phát triển cây công nghiệp.

Đường đi của lâm tặc vào rừng Amazon (Ảnh: mongabay.com)
Đường đi của lâm tặc vào rừng Amazon (Ảnh: mongabay.com)

Báo cáo chỉ ra những sai lầm trong nỗ lực hạn chế xâm lấn và phá rừng, đồng thời cho rằng các cam kết bảo vệ rừng và các phương pháp tiếp cận như chương trình UN REDD+ chưa đủ để giải quyết sự thiếu bền vững vốn có trong các mô hình phát triển dựa vào sản xuất hàng hóa công nghiệp hiện tại.

Các tác giả đề xuất cách tiếp cận dựa trên quyền để giải quyết nạn phá rừng, kêu gọi thay đổi chính sách và đặt vấn đề quyền và công lý làm trọng tâm trong các nỗ lực hạn chế phá rừng.

Nếu các nhà lãnh đạo tiếp tục phủ nhận và trốn tránh quyền của các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, nỗ lực ngăn chặn nạn phá rừng sẽ tiếp tục thất bạị. Cách duy nhất để quản lý rừng là công nhận, tôn trọng và bồi thường quyền lợi của cộng đồng, đình chỉ giấy phép hoạt động của các dự án phát triển xâm lấn rừng, gây thiệt hại cho cộng đồng. Bằng chứng là những khu vực do cộng đồng quản lý có tỷ lệ mất rừng ít hơn các khu vực còn lại.

Là tác nhân gây ra một phần mười khí nhà kính, hoạt động phá rừng là vấn đề cần được ưu tiên số một trong các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu, trong đó người dân bản địa đóng một vai trò vô cùng quan trọng.