30 tỷ USD phát triển hạ tầng Tiểu vùng Mê Kông mở rộng

ThienNhien.Net – Ngày 10/9, các bộ trưởng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) lần thứ 20 đã kêu gọi huy động nguồn vốn bổ sung để triển khai toàn bộ các dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật ưu tiên trị giá 30 tỷ USD nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Chương trình GMS đã đầu tư xấp xỉ 17 tỷ USD vào các dự án kết nối giao thông tiểu vùng, các dự án năng lượng xuyên biên giới,...
Chương trình GMS đã đầu tư xấp xỉ 17 tỷ USD vào các dự án kết nối giao thông tiểu vùng, các dự án năng lượng xuyên biên giới…

Tại hội nghị ngày hôm nay, các bộ trưởng của 6 nước GMS bao gồm Cam-pu-chia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã kêu gọi có những nỗ lực tăng tốc để đem lại sự thông suốt trong trao đổi thương mại và giao thông qua biên giới giữa các quốc gia trong khu vực. Cùng với việc cải thiện hệ thống viễn thông và năng lượng, đây là những vấn đề nền tảng cho việc hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Các bộ trưởng đều thống nhất nhận định về nhu cầu cần thêm nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng được đưa ra sau khi 5 quốc gia thuộc Tiểu vùng Mê Kông và Nhật Bản gần đây đã thông qua một thỏa thuận nhằm thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa trong tiểu vùng. Thỏa thuận này chi tiết hóa những chính sách cần thiết nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại qua biên giới và phát triển các khu kinh tế đặc biệt ở khu vực biên giới.

Các bộ trưởng cũng đã thông qua một khung khổ mới cho phát triển đô thị trong GMS với trọng tâm lớn hơn dành cho phát triển xanh. Đây là sự bổ sung cho việc thực hiện và đạt được những mục tiêu phát triển bền vững.

“Các hoạt động trong Chương trình Hợp tác Kinh tế GMS nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng khả năng tiếp cận tới các nguồn năng lượng, thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều đã đem lại những lợi ích to lớn cho tiểu vùng và người dân trong khu vực”, Phó chủ tịch ADB, ông Stephen Groff phát biểu.

“Hướng đến phía trước, GMS sẽ cần huy động những nguồn lực lớn hơn, đặc biệt là các nguồn vốn tư nhân, để thực hiện thành công kế hoạch phát triển đầy hoài bão của mình”, Phó chủ tịch ADB nói thêm.

Kể từ khi ra đời vào năm 1992, Chương trình GMS đã đầu tư xấp xỉ 17 tỷ USD vào các dự án kết nối giao thông tiểu vùng, các dự án năng lượng xuyên biên giới, các dự án cơ sở hạ tầng du lịch và các dự án phòng bệnh truyền nhiễm.