Quần thể chò chì giữa chiến khu

ThienNhien.Net – Người dân xóm Thịnh Mỹ 3 (xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) gọi quần thể cây chò chỉ tại đây là rừng.

Cần có cơ chế chính sách đặc biệt đối với việc bảo vệ, gìn giữ quần thể cây chò chỉ độc đáo tại Thái Nguyên. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Cần có cơ chế chính sách đặc biệt đối với việc bảo vệ, gìn giữ quần thể cây chò chỉ độc đáo tại Thái Nguyên. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Mang ơn rừng chò chỉ nên các thế hệ người dân ở xã an toàn khu (ATK) này đã gìn giữ, bảo vệ rừng như một tài sản riêng. Rừng cũng đã mang lại đời sống tươi mới cho bà con nơi đây.

Rừng che bộ đội

Giữa bạt ngạt màu xanh của rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng cây chò chỉ ở Tân Thịnh mọc thành 2 khu vực, mỗi khu thành một quần thể có vài chục cây sinh sống. Đây là một điều hết sức đặc biệt không giống trong tự nhiên loài cây này chỉ phân bổ đơn lẻ.

Đa phần các cây ở đây có đường kính thân cây từ 50 – 100 cm. Thân cây như một mũi tên khổng lồ lao thẳng lên trời với chiều cao từ 25 – 30 m. Chưa có sự xác định chính xác về tuổi thọ của quần thể những cây chò chỉ ở đây.

Những bậc bô lão trong bản làng đều khẳng định, từ khi sinh ra và lớn lên, các cụ đã thấy rừng chò chỉ ở đây cao lớn lắm rồi.

Cụ Hoàng Thị Lịch (73 tuổi, xóm Thịnh Mỹ 2, xã Tân Thịnh) nhớ lại, lúc cụ chưa đầy 10 tuổi, rừng xanh chiến khu còn rậm rạp, có hoang thú như cọp, báo… nên quần thể những cây chò chỉ giăng hàng với cự ly rất đều tựa như thành lũy để mọi người trú ẩn. Đám trẻ trâu thấy hổ báo gầm rú thì lùa đàn chạy về nương bóng dưới tán chò chỉ.

Trong kháng chiến chống Pháp, rừng chò chỉ được chọn là nơi ở và làm việc của phân viện – Viện Quân y 108.

Gợi lại chuyện cũ, cụ Lương Thị Tập (82 tuổi, thị trấn Chợ Chu) bồi hồi kể, năm 1952, khi các cán bộ y tế của bệnh viện về rừng chò chỉ ở để điều trị cho thương bệnh binh thì những dân công hỏa tuyến như cụ Tập được lựa chọn để phục vụ công tác quân y. Nhiều thân cây chò chỉ năm ấy đã lớn tới 2, 3 người ôm mới hết. Thân cây thẳng đứng như thân cau.

Các dân công làm lán trại dưới những cây chò, mỗi cây được sử dụng như một góc cột của nhà lán để bác sỹ và bộ đội ở. Cụ Tập đã phục vụ hậu cần tới gần 7 tháng dưới tán những cây chò nơi đây.

Mới rồi, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định xếp hạng di tích đối với địa danh trên. Cụ Tập nhắn nhủ, không được khai thác, chặt phá, phải gìn giữ những cụ chò chỉ đó, vì các cụ thiêng lắm đấy!

Mang ơn với rừng chò chỉ cổ thụ, người già ở Tân Thịnh đều nhắc nhở con cháu không được xâm hại, chặt phá. Rừng chò chỉ bây giờ sừng sững, hiên ngang giữa rừng xanh chiến khu. Cách đây hơn chục năm, một cây chò bị sét đánh, chết đến lưng thân. Một cán bộ xã tận thu để làm nhà văn hóa xóm.

Để giúp đỡ xã Tân Thịnh nâng cao hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ quần thể rừng chò chỉ, năm 2010, thực hiện chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, Hạt Kiểm lâm huyện Định Hóa đã cử một cán bộ kiểm lâm xuống tận địa bàn, liên tục trực tiếp kiểm tra cũng như hỗ trợ tham mưu cho địa phương những phương án để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ những cây chò chỉ này.

Ngay lập tức, vị cán bộ nói trên đã bị khiển trách và buộc phải đưa thân cây trở lại rừng, lấy gỗ khác làm nhà văn hóa. Người dân Tân Thịnh đã thống nhất một luật riêng trong hương ước, với quan niệm là tuyệt đối không xâm hại, tận thu bất kể một cành cây, que củi nào từ rừng chò chỉ. Nếu cây chết, cành gãy thì chỉ can thiệp để cây không đổ lên cây còn sống.

Ông Âu Văn Loan (trưởng xóm Thịnh Mỹ 3) giải thích, quy định như vậy để hạn chế việc đối tượng xấu, thường là lâm tặc ở nơi khác tận dụng việc khai thác tận thu, sẽ hãm hại các cụ chò chỉ để trục lợi.

Rừng nuôi đồng bào

Ý thức, thái độ nặng tình với rừng, ơn huệ với rừng của đồng bào xã ATK Tân Thịnh dường như cũng được rừng xanh đáp nghĩa.

Với 5.180 ha đất lâm nghiệp (chiếm 86,7% đất tự nhiên), xã Tân Thịnh là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp và diện tích rừng lớn nhất của huyện Định Hóa. Phát huy thế mạnh của địa phương, từ nhiều năm nay rừng đã trở thành nguồn thu nhập quan trọng, giúp cho nhiều gia đình ở Tân Thịnh thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Trên con đường đất dân sinh khúc khuỷu, gập ghềnh chạy qua các khu vực Làng Duyên và Thịnh Mỹ của xã Tân Thịnh, chúng tôi bắt gặp bạt ngàn màu xanh của những vạt rừng, những cây keo thân to, cao vút đang đến tuổi thu hoạch.

Dọc 2 bên đường từng đống gỗ lớn được khai thác, tập kết để chờ ô tô đến vận chuyển; tiếng nói cười rộn rã của người dân đang vụ trồng rừng…

Anh Lý Văn Diệp (cán bộ địa chính xã Tân Thịnh) phấn khởi nói với chúng tôi: “Tân Thịnh nay đã no ấm hơn rất nhiều rồi, tất cả là nhờ vào nguồn thu từ rừng. Ở đây, chẳng cần phải tuyên truyền vận động, mọi người dân đều ý thức được vai trò của rừng, chủ động nhận giao khoán đất, trồng và bảo về rừng bởi họ thấy được những lợi ích thiết thực của rừng đem lại”.

Hơn nửa tiếng đi xe máy, chúng tôi đến được Khuổi Lừa, xóm xa xôi nhất của xã Tân Thịnh (cách trung tâm xã 12 km).

Trái với mường tượng ban đầu của chúng tôi về một xóm nhỏ nghèo khó, người dân Khuổi Lừa lại có đời sống no ấm, sung túc và là một trong những xóm có mức sống khá của xã. Những căn nhà ngói mới dựng dọc theo các còn đường chạy tỏa vào rừng, hầu hết các gia đình đều đã sắm được tivi, xe máy, tủ lạnh…

Trưởng xóm Hoàng Ngọc Quý cho biết, rừng ở Khuổi Lừa khá lắm, đất xanh lại vì rừng, người dân cũng khá lên từ rừng. Cả xóm chỉ có 36 hộ nhưng có tới gần 400 ha rừng, nhà ít cũng một vài ha, nhiều đến vài chục ha rừng trồng.

Điển hình nhất về trồng rừng là ông Vũ Ngọc Dậu. Với hơn 80 ha rừng trồng và nhận khoanh nuôi, gia đình ông có mức sống khả giả nhất xóm nhờ trồng rừng.

Ông Dậu nhẩm tính, trung bình mỗi năm một ha rừng cho thu nhập hơn 2 triệu đồng từ khai thác tỉa, tổng thu nhập của gia đình ông đạt mức gần 200 triệu đồng, số tiền mơ ước cả đời của nhiều gia đình làm nông nghiệp.

Hiện nay, số gia đình ở Tân Thịnh có thu nhập trên 100 triệu đồng từ rừng mỗi năm không còn là hiếm. Theo thống kê, cả xã có gần 300 gia đình có quy mô diện tích rừng hơn 10 ha. Trong đó có nhiều gia đình có diện tích từ 40 – 60 ha.

Ông Nông Đình Thân, xóm Nà Chúa, chủ nhân của hơn 60 rừng chia sẻ, giờ cứ có đất trồng rừng là không lo đói nữa. Chỉ cần 1 – 2 ha trồng cây nguyên liệu như keo, mỡ, bỏ công chăm sóc nhiều trong 1, 2 năm đầu tiên, hết chu kỳ khoảng 5 – 7 năm là có cả trăm mét khối gỗ, bán rẻ cũng có 50 triệu đồng, đáng giá bằng cả gia tài…

Ông Hứa Văn Đặng (Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh) cho biết, khi người dân đã nhận thấy những lợi ích thiết thực từ rừng thì họ sẽ tự nguyện trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Phát triển kinh tế đồi rừng đã và đang đóng góp một cách tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân xã Tân Thịnh.

Trên địa bàn xã hiện không còn lô đất lâm nghiệp nào bị bỏ trống. Trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp hạn chế, xã đã xác định kinh tế đồi rừng là hướng mũi nhọn, từ đó tập trung chỉ đạo, khuyến khích người dân trồng và phát triển rừng.

Trong những năm qua, xã đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý rừng ATK huyện để hỗ trợ người dân về vốn, giống và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cấp phép khai thác, chế biến lâm sản trên địa bàn.

Xã cũng phối hợp và chỉ đạo các xóm phát quang đường giao thông nông thôn, đặc biệt là đường giao thông đến tận chân rừng để tiện cho việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao giá trị kinh tế của rừng.

Chò chỉ là cây gỗ lớn có giá trị kinh tế và giá trị đa dạng sinh học. Cây đã sớm có tên trong sách đỏ của Việt Nam, đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao và cần được bảo tồn. Tại Việt Nam, ngoài cây chò chỉ ngàn năm tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, mới đây quần thể gồm 9 cây chò chỉ gần 600 năm tuổi (ở thôn Tắn Khâu, thuộc xã Phú Nam, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Quần thể cây chò chỉ với số lượng lớn tại Thái Nguyên ngoài giá trị sinh học còn mang cả giá trị văn hóa. Vì vậy, ngoài ý thức tự giác của nhân dân, cần có cơ chế chính sách đặc biệt đối với việc bảo vệ, gìn giữ quần thể cây chò chỉ độc đáo trên.