Cây trồng biến đổi gene: “Không phải cây đũa thần”

ThienNhien.Net – “Những ai có suy nghĩ trồng cây biến đổi gene (BĐG) để tăng năng suất là ảo tưởng và phi thực tế. Giống cây trồng BĐG hoàn không phải là cây đũa thần để cứu sống ngành nông nghiệp nước nhà”.

GS-TS Trần Hồng Uy – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô (Bộ NNPTNT) đã bày tỏ quan điểm của mình xung quanh câu chuyện cây trồng GMC cũng như cần làm gì để phát huy tiềm năng giá trị của ngô lai và ngô bản địa Việt Nam.

Một trong nhiều loại giống ngô lai có chất lượng tốt ở Việt Nam.
Một trong nhiều loại giống ngô lai có chất lượng tốt ở Việt Nam.

Vì sao nhiều nước phản đối?

Không thể phủ nhận rằng biến đổi gene là một dạng công nghệ sinh học tầm cao, cây trồng BĐG là một bước phát triển mới của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên đánh giá, phân tích ở nhiều góc độ, nếu Việt Nam nhập giống BĐG về trồng vào thời điểm này là một sai lầm lớn.

Nếu xét về mặt năng suất, các giống ngô BĐG có năng suất không hề cao hơn so với các giống ngô ở Việt Nam khi chúng đều có năng suất từ 8-10 tấn/ha. Chính vì vậy cây trồng BĐG không thể là giải pháp để đảm bảo nguyên liệu cho ngành thức ăn chăn nuôi thay thế nhập khẩu, càng không phải là giải pháp tốt để giảm nghèo bền vững và đảm bảo an ninh lương thực.

Phát triển cây trồng BĐG chỉ càng làm cho nông dân phụ thuộc hơn vào các công ty giống nước ngoài. Những ai có suy nghĩ trồng cây BĐG để tăng năng suất là ảo tưởng và phi thực tế. Bên cạnh đó cây trồng BĐG không giúp nông dân giảm chi phí thậm chí ngược lại và cây trồng BĐG cũng đưa đến những mối nguy ngại cho môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và lớn nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Các nước trong khu vực như từ Thái Lan, Indonesia, Philippines… rất nể phục Việt Nam trong việc trồng ngô. Các giống ngô lai của chúng ta có chất lượng tốt như giống ngô lai 10, HQ2000… Vì vậy nếu đề cập đến việc trồng ngô BĐG ở Việt Nam thì đó là sai lầm vì ngô BĐG không giải quyết được vấn đề gì cả, không tăng năng suất, không chịu hạn, còn về kháng cỏ, kháng sâu đó không phải là vấn đề to tát ở Việt Nam.

Vậy một câu hỏi đặt ra là chúng ta nhập giống và trồng các giống ngô BĐG để làm gì trong bối cảnh các viện nghiên cứu cũng đang nghiên cứu các giống cây trồng BĐG?

Hiện nay Ấn Độ, Trung Quốc đang gặp vấn đề về cây trồng GMC, cộng đồng châu Âu cũng kịch liệt phản đối, một số nước khu vực Đông Nam Á cũng phản đối việc trồng các giống cây BĐG. Nếu các giống cây trồng GMC tốt như thế, có lợi như thế tại sao nhiều nước không ủng hộ trồng, nhiều nước phản đối kịch liệt?

Nếu trồng cây BĐG chắn chắn sẽ đưa đến những nguy cơ mất an toàn, những rủi ro, hệ lụy cho con người cũng như môi trường sinh thái. Nhiều nước như Mỹ, Brazil, Argentina, Ấn Độ… biết điều đó rồi. Một triệu ha ở miền Tây nước Mỹ sau 10 năm trồng ngô BĐG đã sinh ra một loại cỏ rất ghê gớm, một loại sâu phá hoại sinh sôi tràn lan.

Ở Argentina cũng có vấn đề lớn với cây trồng BĐG khiến cho sinh thái bị biến đổi. Các nước châu Âu như Pháp, Hungary, Bungaria, Rumani và một số nước khác cũng đã từng thử trồng BĐG nhưng sau đó họ bỏ không trồng nữa. Những nước này tôi đã từng đến để tìm hiểu, sau khi từ bỏ cây trồng BĐG các nước này đều thừa nhận giống cây trồng BĐG không tốt như họ nghĩ.

Có một băn khoan mà chưa có ai trả lời thích đáng đó là năng suất tiềm năng của ngô Việt Nam cao như thế (8-10 tấn/ha), chống chịu khô hạn, chống đổ, sâu bệnh không thua kém gì các giống BĐG, lại rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, vùng sinh thái trong nước vậy tại sao chúng ta phải nhập giống BĐG, tại sao phải trồng các giống ngô đó?

Tôi khẳng định BĐG không phải là cây đũa thần để cứu sống ngành nông nghiệp Việt Nam.

Giáo sư Trần Hồng Uy thăm vườn dòng ngô giống tại Trại TN Giống cây trồng TƯ Khoái Châu
Giáo sư Trần Hồng Uy thăm vườn dòng ngô giống tại Trại TN Giống cây trồng TƯ Khoái Châu

Cần khai thác hết tiềm năng ngô lai Việt Nam

Hiện nay Việt Nam vẫn đang phải NK ngô đều đặn mỗi năm hơn 2 triệu tấn ngô nhằm phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong nước vì vậy để lấp đầy khoảng trống này theo tôi chúng ta cần làm một cuộc cách mạng đối với ngành ngô để khai thác hết tiềm năng của ngô lai trong nước.

Ngô lai Việt Nam có tiềm năng năng suất rất cao, đưa vào sản xuất ít nhất đạt từ 8- 10 tấn/ha, có mặt ở khắp các vùng sinh thái trên cả nước từ Tây Bắc, ĐBSH, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ hoặc ĐBSCL, hạt giống ngô lai Việt Nam còn xuất khẩu (XK) sang Lào, Campuchia đến bây giờ các nước này vẫn sử dụng giống ngô lai Việt Nam.

Ngô lai Việt Nam có giá thấp (40-50 nghìn đồng/kg hạt giống), chất lượng lại cao nên được nhiều nước trong khu vực đón nhận. Ngô lai Việt Nam đạt được 5 yêu cầu sau:

Thứ nhất, giá hạt giống phải chăng; thứ hai, năng suất cao (tương đương với ngô GMC); thứ ba, chất lượng tốt; thứ tư, giống bảo quản được lâu; thứ năm, thích nghi trên diện rộng trên toàn quốc, từ miền núi đến miền xuôi, từ Bắc vào Nam, không những thế còn được trồng ở Lào, Campuchia, Thái Lan… Thái Lan trước đây là nước trồng ngô hàng đầu khu vực với năng suất 2,7 tấn/ha, và thời điểm đó Việt Nam xếp hạng bét bảng với năng suất chỉ 1,5 tấn/ha (1970). Thế nhưng hiện nay chúng ta đang đứng đầu trong khu vực về trồng ngô với năng suất bình quân 4,4 – 4,8 tấn/ha, với tổng sản lượng 4,8 triệu tấn/năm.

Để có thể làm một cuộc cách mạng cho ngành ngô, nhiều ý kiến cho rằng cần chuyển đổi khoảng 200.000 ha diện tích trồng lúa chuyển sang trồng ngô nhằm đẩy tổng sản lượng ngô lên (trong bối cảnh lúa gạo XK đang dư thừa, tồn đọng). Diện tích chuyển đổi phần lớn nằm ở vùng ĐBSCL, các vùng khác gần như đã hết đất.

Ở vùng ĐBSCL để chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng ngô là bài toán không hề dễ giải bởi nông dân ở đây đang thấy ổn định khi trồng lúa, nay chuyển lúa sang ngô, liệu hiệu quả kinh tế có cao hơn không, nông dân có đồng ý thay đổi tập quán sản xuất không?

Nếu quyết tâm làm một cuộc cách mạng trong ngành ngô, chúng ta cần làm quyết liệt, triệt để từ cơ chế chính sách, kế hoạch, quy hoạch, có mục tiêu rõ ràng, có lộ trình cụ thể và phải đầu tư tương xứng nhằm thúc đẩy tạo ra các giống ngô mới có chất lượng tốt… vừa thay đổi cơ chế chính sách hỗ trợ, vừa vận động nông dân, và để làm thành công chúng ta hãy chuyển đổi từng phần, không làm ồ ạt dễ mắc sai lầm. Còn nếu làm không quyết liệt, làm kiểu mệnh lệnh thì không đi đến đâu cả.

Tôi thiết nghĩ, sẽ là thiết thực hơn nếu thay vì cho nhập và trồng các giống GMC, chúng ta hãy dành nguồn lực, nhân lực đầu tư khai thác tiềm năng sản xuất các giống cây trồng trong nước khi mà tiềm năng đó vẫn còn rất dồi dào.