Ô nhiễm từ nội thành ra ngoại thành – Bài 2

Quy hoạch điểm đến an toàn

ThienNhien.Net – Làm thế nào để giải quyết dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm của các cơ sở sản xuất, nhất là những cơ sở nằm trong danh sách phải di dời là vấn đề các cơ quan chức năng đều lắc đầu ngao ngán. Cách làm hiện nay khiến các doanh nghiệp “chạy lòng vòng” và TPHCM vẫn phải hứng chịu một lượng lớn chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Chất thải công nghiệp trước một nhà máy gang, thép trong KCN Lê Minh Xuân (Ảnh: Phạm Cao Minh/Sài Gòn Giải Phóng)
Chất thải công nghiệp trước một nhà máy gang, thép trong KCN Lê Minh Xuân (Ảnh: Phạm Cao Minh/Sài Gòn Giải Phóng)

“Bắt cóc bỏ dĩa”

Ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân bức xúc, để có thể giải quyết hơn 140 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn, quận đã phải “phá rào”. Cụ thể, tạm ngừng cung cấp điện, nước để buộc họ phải ngưng hoạt động; tăng cường công tác thanh kiểm tra; tăng mức xử phạt cao nhất có thể… Thế nhưng, những giải pháp trên chỉ là tình thế.

Ông Trần Thanh Châu, Phó giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TPHCM cho biết, cách giải quyết cơ sở ô nhiễm hiện tại không khác gì “bắt cóc bỏ dĩa”. Việc xử lý cần phải thực hiện đúng luật. Các cơ quan chức năng không thể sử dụng quyền hành chính để làm sai luật. Thời gian qua, việc vận dụng luật nhưng không thể giải quyết được triệt để vấn đề ô nhiễm mà phải áp dụng giải pháp “linh động”, chứng tỏ một số quy định pháp luật hiện nay đã không còn phù hợp thực tế. Thành phố cần có kiến nghị điều chỉnh, nhất định không để tình trạng cơ quan chấp pháp lại hành xử sai pháp luật.

Ông Bình cũng chia sẻ thêm, sản xuất gây ô nhiễm là điều không thể chấp nhận. Thế nhưng, xét tính chất, đặc thù của những cơ sở này cho thấy phần lớn họ là những cơ sở sản xuất nhỏ, kinh doanh cá thể, hộ gia đình. Nếu muốn họ di dời và xử lý vấn đề ô nhiễm một cách triệt để, nhất thiết phải cho họ điểm đến an toàn môi trường. Ở đó, họ có thể trả dịch vụ cho hoạt động xử lý chất thải. Tuy nhiên, điểm đến đó là đâu khi chính lãnh đạo quận đích thân liên hệ tìm điểm đến đều bị từ chối hoặc không có. Còn địa bàn quận cũng đã là vùng phụ cận. Nếu cứ buộc họ di dời thì chỉ có cách… đuổi họ ra khỏi thành phố.

Nguy cơ tái ô nhiễm

Liên quan đến vấn đề điểm đến an toàn, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Phó ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết, để có thể vào được khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp phải đảm bảo 3 yếu tố: phù hợp với quy hoạch ngành nghề mà khu được cấp phép; phải có đánh giá tác động môi trường và diện tích thuê phải đảm bảo theo yêu cầu của các chủ đầu tư.

Và theo như ý kiến của đại diện quận 12, chỉ cần thiếu một trong 3 tiêu chí trên cũng đã có thể loại hơn 90% cơ sở thuộc diện di dời hiện nay. Không thể lựa chọn khu công nghiệp làm điểm đến thì các cụm công nghiệp được các cơ sở, doanh nghiệp cũng như lãnh đạo các quận huyện chọn để xem xét. Chỉ có điều, không phải cụm công nghiệp nào cũng là điểm đến an toàn.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, công tác quy hoạch các cụm công nghiệp được xây dựng khi thành phố đã hình thành một số địa điểm sản xuất công nghiệp tập trung, xen cài với các khu dân cư. Do vậy, quy hoạch thực tế chỉ là hợp thức hóa sự tồn tại của những cụm công nghiệp đã có doanh nghiệp đang hoạt động. Hiện mức độ phát sinh ô nhiễm tại các cụm này cũng diễn biến khá phức tạp. Hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải không đồng bộ nên rất khó kêu gọi đầu tư.

Công tác quản lý tại các cụm cũng bị phân tán về nhiều đầu mối. Cơ sở tham gia vào đây không được hưởng bất kỳ chính sách nào ưu đãi hơn so với đầu tư bên ngoài… Trong 8 cụm công nghiệp có kinh doanh hạ tầng thì 3 cụm công nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh là cụm công nghiệp Nhị Xuân, Lê Minh Xuân và Xuân Thới Sơn A. Thế nhưng, không phải cơ sở nào khi nằm trong cụm công nghiệp này cũng chấp nhận kết nối chung hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Bà Trương Mỹ Linh, Phó Tổng giám đốc Khu công nghiệp Lê Minh Xuân cho biết, để có thể chuyển giao 1 khối nước thải loại C sang cho khu công nghiệp, các cơ sở phải chi trả khoảng 5.500 đồng/m3. Mức chi phí này không phải cơ sở nào cũng có thể trả. Do vậy, trong hơn 30 cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp Lê Minh Xuân, chỉ vài doanh nghiệp chuyển giao nước thải về hệ thống xử lý nước thải tập trung. Còn tại 13 cụm khác chưa có chủ đầu tư hạ tầng, chưa có khu xử lý nước thải tập trung.

Chưa hết, tại các cụm cũng đang bị tình trạng hộ dân cư xen cài rất nhiều. Thế nên, nguy cơ tái diễn kịch bản cơ sở sản xuất gây ô nhiễm khu dân cư và có thể bị di dời là điều khó tránh khỏi.

Để có thể giải quyết triệt để việc di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, ông Cao Tung Sơn cho biết, sở đã đề xuất tái lập ban chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm (vốn được giải thể từ năm 2007). Ban này sẽ có trách nhiệm rà soát, thống kê lại một lần nữa toàn bộ những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch.

Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp di dời cũng như chính sách hỗ trợ di dời. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, để có thể giải quyết dứt điểm thực trạng này, cần thiết phải tạo điểm đến an toàn về môi trường trước khi buộc doanh nghiệp phải di dời. Có như vậy mới chấm dứt cảnh doanh nghiệp gây ô nhiễm chạy lòng vòng và ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm.