Sông suối đổi màu, núi rừng nham nhở

ThienNhien.Net – Có thể nói rằng huyện miền núi Nam Giang của tỉnh Quảng Nam đang đứng trước thảm cảnh về môi trường. Những gì mà chúng tôi chứng kiến dọc tuyến QL 14 D đi qua huyện Nam Giang những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua cho thấy suốt một thời gian rất dài, con người đã ứng xử man rợ với thiên nhiên, để lại bức tranh môi trường nham nhở tang thương.

Ngược về phía Tây theo QL 14 D lên cửa khẩu biên giới Nam Giang là gặp cảnh núi đồi bị đốt cháy (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Ngược về phía Tây theo QL 14 D lên cửa khẩu biên giới Nam Giang là gặp cảnh núi đồi bị đốt cháy (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Dòng sông vàng như nghệ

Dưới nắng tháng 6 chói chang, đứng ở cầu Giằng tại Km 0 + 250 trên quốc lộ 14 D, chúng tôi không khỏi rùng mình chứng kiến dòng nước vàng như nước nghệ, lừ đừ mỏi mệt chảy qua thân cầu. Bên trái cầu Giằng về phía thượng nguồn, có 2 dòng chảy – một dòng trong veo và một dòng sền sệt màu vàng. Ông Nguyễn Trí, Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) sông Thanh đồng thời là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sông Thanh cho biết, dòng chảy trong là sông Cái, dòng vàng là sông Thanh. Màu vàng của dòng sông Thanh không phải bởi mưa nguồn mà do khai thác vàng vô tội vạ.

Ở khu vực cầu Cà Đăng tại km 5 + 185 thuộc địa phận xã Tàbhing, dòng sông bị đảo lộn với vô vàn hố hục. Gần 10 km sông Thanh song song QL 14 D qua xã Tàbhing chỉ còn là khe nước vàng len lỏi dưới những đống đất, đá bị vun cao như mái nhà. Dọc theo dòng sông là thôn làng và mái nhà Gươl của người Cơ Tu. Đàn ông, đàn bà Cơ Tu trốn nắng nóng dưới mái nhà Gươl, ngồi bó gối trông xuống khe nước vàng không tôm cá kể rằng có một ông nào đó tên là Năm, đem máy móc đến đào xới lòng sông lấy vàng. Ông Năm khai thác được vài tháng mới thấy huyện cho lực lượng truy quét, buộc phải rút đi để lại lòng sông biến dạng cùng hệ lụy ô nhiễm buộc dân phải gánh chịu.

Cũng tại cầu Cà Đăng, bên một căn nhà cũ nát cạnh lòng sông Thanh, chúng tôi thấy mấy chiếc máy đào công suất lớn và chiếc xe tải chất đầy phương tiện khai thác vàng. Các phương tiện này đang có người trông giữ, thể hiện cuộc đào xới lòng sông Thanh chưa đến hồi kết thúc.

Sông Thanh (còn gọi là sông Đắk Peng) khởi nguồn từ những đỉnh núi cao của huyện Đắkgley tỉnh Kon Tum, chảy qua huyện Phước Sơn, Nam Giang tỉnh Quảng Nam với tổng chiều dài 72 km. Dòng sông vốn trong xanh với những thác ghềnh đẹp như tranh vẽ giờ đây tả tơi khi đi qua địa bàn huyện Nam Giang để hòa vào dòng nước Vu Gia đổ ra biển.

Trụ sở Ban quản lý KBTTN sông Thanh đóng tại km 5 QL 14 D. Đứng từ trụ sở Ban quản lý KBTTN sông Thanh có thể nhìn rõ dòng sông – nơi thì tơi tả đất đá, hố hục, chỗ thì “lấp lóa” sắc vàng sền sệt của dòng nước đang mỏi mệt trôi xuôi. Tìm đến đây, chúng tôi không khỏi có cảm giác như nghe lời ai điếu cho số phận dòng sông từng là mạch nguồn nuôi sống đất đai rừng núi Nam Giang – khi cán bộ có trách nhiệm nói một cách lạnh lùng: Khoáng sản phức tạp vì có quá nhiều ngành quản lý!

Thảm cảnh trước mắt

Từ trụ sở Ban quản lý KBTTN sông Thanh ngược Q L 14 D lên cửa khẩu biên giới Nam Giang, nơi nào cũng gặp núi đồi bị đốt cháy. Trên đám cháy khét lẹt tàn tro là thân cây có độ tuổi vài năm đến vài chục năm đứng lặng câm trơ trọi. Những đám rẫy nham nhở cứ ngày một nhiều thêm. Cây to đua nhau ngả rạp, cháy đen. Người Cơ Tu, người Ve, người Tà Riềng ở Nam Giang đốt rừng vì sinh kế và cả vì “kém hiểu biết” trong khi đó các cơ quan, ban ngành có trách nhiệm với môi trường của huyện miền núi này lại tỏ ra vô can trước những gì đang diễn ra.

Kết thúc hành trình dọc QL 14 D qua Nam Giang, ngày 3 – 6, chúng tôi đã gặp ông A Lăng Cường, Trưởng phòng TN&MT huyện. Trước phản ánh của chúng tôi về thực trạng đau lòng của dòng sông Thanh, ông Cường cho biết, đã truy quét, đẩy đuổi được chủ khai thác đi và tại thời điểm này không có ai khai thác vàng ở sông Thanh nữa. Theo ông Cường, việc khai thác khoáng sản ở nơi nào cũng phức tạp như nhau. Phòng TN&MT huyện chỉ có 9 người và lĩnh vực khoáng sản chỉ có một người phụ trách nên…khó lắm!

Người đứng đầu cơ quan quản lý TN&MT huyện Nam Giang không đề cập đến tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm hoàn thổ và cũng không thể khẳng định đến bao giờ chấm dứt tình trạng khai thác vàng trái phép ở thượng nguồn sông Thanh có màu vàng như nghệ. Ông Cường nói rằng phải đợi đến sau Ngày Môi trường thế giới 5 – 6 phòng TN&MT Nam Giang mới có thể đề xuất, phối hợp đi truy quét đẩy đuổi vàng tặc, lâm tặc ra khỏi rừng. Trước đến nay, huyện đã nhiều lần tổ chức truy quét nhưng hễ cứ chuẩn bị ra quân là cả vàng tặc lẫn lâm tặc đã biết rồi nên cũng…khó lắm.

Sông suối đổi màu, núi rừng nham nhở là bức tranh môi trường rõ nét ở Nam Giang thời điểm này.