Bất cập trong tái định cư thủy điện ở Quảng Nam

Khoảng 10 năm trở lại đây, hàng nghìn hộ dân ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam phải di dời vào các khu tái định cư (TĐC) để nhường đất xây dựng các dự án thủy điện. Tuy nhiên, đến nay, cuộc sống người dân tại các khu TĐC đã bộc lộ nhiều bất cập chưa được khắc phục.

Nhiều ngôi nhà tại khu tái định cư thủy điện xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My bị bỏ hoang.

Đến nay, đã có 25 dự án thủy điện đang triển khai xây dựng trên địa bàn miền núi của tỉnh Quảng Nam; trong đó, 10 dự án thủy điện phải thực hiện công tác di dân, TĐC.

Riêng các dự án lớn: Sông Tranh 2, Sông Bung 4, A Vương, Đăk Mi 4 và Đăk Mi 4C đã có hơn 3.160 hộ bị ảnh hưởng.

Trong số gần 1.750 hộ (với 8.450 nhân khẩu) phải di dời, có 1.069 hộ (với 5.325 nhân khẩu) di dời tập trung vào 14 khu TĐC.

Điều dễ nhận thấy đầu tiên, ngoài việc góp phần bảo đảm an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và nguồn thu ngân sách, qua xây dựng thủy điện, các chủ đầu tư đã xây dựng nhiều công trình giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học… tại địa bàn miền núi Quảng Nam.

Phần lớn các khu, điểm TĐC được bố trí gần các trục đường giao thông, thuận lợi cho việc xây dựng lưới điện nông thôn và các công trình công cộng. Hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng, đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt, đi lại và sản xuất của người dân.

Đến thăm khu TĐC tại các thôn: Pà Rum 1, Pà Rum 2 thuộc xã Zuôil và thôn 2 thuộc xã Tà Pơ, huyện Nam Giang, chúng tôi nhận thấy, nhà cửa nơi đây được xây dựng kiên cố, khang trang; hệ thống hạ tầng thiết yếu và môi trường sống của người dân được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện tại công tác tổ chức di dân, TĐC từ các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Vấn đề môi trường, xã hội, sản xuất cũng như việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số… đã bộc lộ một số bất cập cần được quan tâm giải quyết.

Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thị Tuyết Thanh nhìn nhận, quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết về di dân, TĐC, bố trí đất sản xuất cho người dân bị ảnh hưởng chưa bài bản; phần lớn theo phương án đề xuất của chủ đầu tư. Do vậy, việc xây dựng nhiều khu, điểm TĐC chưa phù hợp nguyện vọng, phong tục tập quán sản xuất, sinh hoạt của đồng bào miền núi.

Nhiều tuyến đường giao thông nội bộ khu TĐC, hệ thống nước sinh hoạt bị hư hỏng, xuống cấp; có nơi nguồn nước bị ô nhiễm do tình trạng phát nương làm rẫy, chăn thả gia súc gây nguy cơ mất an toàn, phát sinh dịch bệnh nhưng chưa được xử lý.

Một số công trình công cộng như: Trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng chưa bảo đảm tiêu chuẩn, không phù hợp với phong tục, tập quán của người dân, cho nên hiệu quả sử dụng chưa cao.

Đối với đất ở, nhiều khu, điểm TĐC chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt, chưa tính đến việc gia tăng dân số trong tương lai. Có nơi bố trí diện tích đất ở không đúng phương án quy hoạch, hoặc bố trí đất ở nơi có độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở cao, không bảo đảm an toàn, cho nên sau TĐC lại quy hoạch và chuyển sang địa điểm mới.

Khảo sát mới đây cho thấy, phần lớn nhà ở do chủ đầu tư xây dựng không phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào, kết cấu nhà thấp, chất lượng xây dựng không bảo đảm, nhiều công trình sau thời gian ngắn sử dụng đã xuống cấp hư hỏng.

Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, một số điểm TĐC trên địa bàn xã, chủ đầu tư đã xây dựng mỗi nhà ở, với số tiền hàng trăm triệu đồng, nhưng không phù hợp với tập tục đồng bào các dân tộc, cho nên nhiều hộ dân phải dựng nhà bên cạnh để ở, sinh hoạt.

Thậm chí, nhiều hộ vào nhận nhà TĐC rồi, nhưng không ở được vì chủ đầu tư xây nhà không phù hợp với tập quán, lại nằm xa khu sản xuất và thiếu nước sinh hoạt. Đáng lưu ý, phần lớn các khu, điểm TĐC đều thiếu đất sản xuất.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi khá lớn, nhưng sau khi TĐC, diện tích đất được bố trí lại rất ít.

Chẳng hạn như để thực hiện bốn dự án thủy điện lớn, Nhà nước thu hồi hơn 8.060 ha; trong đó, đất nông nghiệp 6.629 ha, nhưng diện tích đất đã giao cho các hộ tại các khu tái định cư chỉ 1.083 ha; trong đó, đất nông nghiệp là 967 ha (bằng 14,6% tổng diện tích thu hồi).

Mặt khác, nhiều nơi quy hoạch bố trí đất sản xuất ở những vị trí không thuận lợi, độ dốc lớn, bị xói mòn, rửa trôi mạnh khiến đất nhanh bạc màu.

Việc triển khai các phương án hỗ trợ sản xuất, thay đổi phương thức canh tác và công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư chưa được quan tâm đúng mức.

Việc chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho người dân sau TĐC còn gặp khó khăn; có rất ít lao động tại địa phương vào làm việc ở các công ty thủy điện.

Đến nay, hàng chục dự án thủy điện đã đi vào vận hành, nhưng chỉ có tám người dân trong huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) được nhận vào làm việc, còn các địa phương khác chưa ai có việc làm từ các dự án thủy điện này.

Mặt khác, khi xây dựng khu TĐC, chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án thủy điện chưa coi trọng bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa, dẫn đến một số di sản văn hóa truyền thống bị mai một…

Thiết nghĩ, để ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân vùng TĐC thủy điện, rất cần có quy định, cơ chế ràng buộc các chủ dự án thủy điện trích một phần nguồn thu từ thủy điện để duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất cho người dân sau TĐC; đồng thời, có chính sách hỗ trợ, tái đầu tư vùng bị ảnh hưởng dự án thủy điện nói chung và TĐC thủy điện nói riêng, nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.

Trước mắt, tỉnh Quảng Nam cần dành một phần ngân sách từ nguồn thu thuế thủy điện hỗ trợ các địa phương có dự án thủy điện, để đầu tư hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, ổn định cuộc sống người dân; đồng thời cần rà soát, cân nhắc lại các tác động của dự án thủy điện về xã hội, môi trường, đất đai, điều kiện sản xuất trước khi quyết định triển khai…