Rừng Quốc gia liên tục bị “xẻ thịt” – vì sao?

ThienNhien.Net – Từ tháng 04/2012 đến nay, rừng Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng liên tục bị lâm tặc tấn công. Những cây gỗ sưa, gỗ trầm hàng trăm tuổi trong “lõi” rừng bị đốn hạ, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước.

Trong khi đó, khâu quản lý rừng nơi đây còn lộ rõ nhiều “lỗ hổng”.

Đua nhau “xẻ” di sản…

Hẳn nhiều người còn nhớ vụ án 12 lâm tặc triệt hạ 3 cây sưa vào tháng 04/2012, tại khu vực rừng Hung Trí – một trong những địa điểm của rừng Quốc gia được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Đây là 3 cây gỗ sưa cổ thụ hàng trăm năm tuổi chỉ còn lại một lượng rất ít trong rừng Phong Nha – Kẻ Bàng, với đường kính mỗi gốc cây đều trên 1m, có cây lớn nhất còn lên đến gần 1,5m. Theo các đầu nậu và những đại gia chơi gỗ sưa, với khối lượng gỗ lớn cả trăm khối, lại là cây gỗ lâu năm, chất lượng gỗ tốt nên giá trị của 3 cây này ít nhất cũng hơn 200 tỷ đồng. Đó chỉ là mới ở thân chính của cây, còn rễ và những cành cây mà bọn lâm tặc bỏ lại chưa tính đến.

ừng Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng nhiều lần bị ''xẻ thịt'' trong một năm qua. (Ảnh: Bá Cường/PL&XH)
Rừng Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng nhiều lần bị ”xẻ thịt” trong một năm qua. (Ảnh: Bá Cường/PL&XH)

Đó là phát súng đầu tiên để “khởi động” cho cuộc chạy đua tàn phá di sản rừng Phong Nha – Kẻ Bàng, bởi ngay sau đó liên tục xảy ra hàng loạt vụ lâm tặc tìm thấy, đốn hạ gỗ sưa có giá trị hàng chục tỷ đồng ngay trong “lõi” rừng Quốc gia. Cụ thể, vào khoảng trung tuần tháng 10/2012, một nhóm lâm tặc đã triệt hạ một cây sưa ở khu vực Hung Sắn, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, thuộc phạm vi quản lý của rừng Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Nhóm lâm tặc này gồm hai cha con ở xã Phúc Trạch đã cưa xẻ cây sưa trên ra hơn 10 phách, chưa kể cành ngọn, rễ và đang tìm cách chuyển về xuôi bán, rao giá khoảng 30 tỷ đồng.

Nhận được nguồn tin này, nhóm PV báo PL&XH cũng đã có mặt trực tiếp tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch – nơi có những thông tin đầu tiên về vụ việc để điều tra làm rõ. Theo lời kể của một số người dân nơi đây, 2 cha con này phát hiện được một cây huê đã bị chết tại khu vực Hung Sắn. Sau đó đã bí mật về rủ thêm một số bà con lên rừng chặt, xẻ gỗ được 10 phách và vận chuyển về xuôi tìm cách tiêu thụ. Còn số rễ và cành cây đã được mang về bán với giá 200 triệu đồng. Sự việc bị lộ khi gia đình này mua xe gắn máy mới và một số vật dụng sang trọng. Ngay sau khi sự việc bị phát hiện, hai người này đã rời khỏi địa bàn cư trú và đi đâu không ai biết.

Tiếp đến, trong hai ngày 19 và 20/04/2013, tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, dư luận lại rộ lên tin một số người dân địa phương vừa triệt hạ một lượng lớn gỗ sưa trong rừng Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và bán với giá hàng tỷ đồng. Thông tin cho biết, đã có 2 đến 3 cây sưa bị đốn hạ. Một cây được một nhóm người ở thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch phát hiện ở khu vực rừng Đại Cáo. Một cây khác được một nhóm người ở thôn Bàu Sen, xã Sơn Trạch phát hiện ở vùng rừng gần động Thiên Đường. Một lượng lớn gỗ sưa đã được bán trót lọt ra ngoài, trong khi đó, vẫn còn gỗ sưa đang được cất giấu trong rừng.

Mới đây nhất, đầu tháng 05/2013, tỉnh Quảng Bình lại bị rúng động với tin đồn lâm tặc trúng trầm trị giá hơn trăm tỷ đồng khi đang đi khai thác gỗ trong địa phần rừng Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Theo một người dân ở thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch kể lại – nơi có hai cha con vừa trúng trầm: Trong khi đang đi rừng ở khu vực Sa Lu, hai cha con ông Tr gặp một cây dó trầm bị chết rục có khối lượng khá lớn. Sau khi đốn hạ, hai cha con phải dùng gùi vận chuyển hai ngày đêm mới hết số lượng trầm trên. Tiếp đến, hai người này lại phát hiện ra cây trầm sinh cách cây cũ một đoạn. Vì gốc cây này còn sống nên hai cha con ông Tr phải nhờ thêm người vào khai thác rồi thuê cả ô tô vào chở những khúc gỗ có trầm về. Ngay sau khi tìm được trầm, ông Tr đã rao bán với giá 100 tỷ đồng và chỉ địa điểm có trầm cho mọi người cùng vào “mót” lại.

Nguyên nhân do đâu?

Liên tục 4 vụ “xẻ thịt” rừng Quốc gia bị phát hiện trong vòng một năm, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, tại sao những tên lâm tặc – đối tượng “chọc tiết” nguồn di sản vẫn không bị xử lý? Liệu rằng, công tác quản lý và bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới – rừng Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã thực sự vững chắc hay còn quá nhiều “lỗ hổng” để lâm tặc lộng hành như vậy?! Lình xình xung quanh 4 vụ phá hoại di sản này, dư luận cả nước vẫn đang quan tâm rằng: Có hay không việc cán bộ Kiểm lâm “bảo kê”, bắt tay cùng lâm tặc khai thác, tẩu tán hết số lượng gỗ sưa và trầm phát hiện được trong rừng Quốc gia hòng trục lợi?

Sở dĩ, dư luận nghi ngờ có việc bắt tay giữa cán bộ Kiểm lâm rừng Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng với lâm tặc ắt cũng có căn nguyên của nó. Vụ án 3 cây sưa trăm tuổi trị giá hàng trăm tỷ đồng bị 12 tên lâm tặc đốn hạ thuộc sự quản lý, bảo vệ của chốt Kiểm lâm Mộ Trượng. Và khi vụ việc bị phát hiện, CQĐT CA tỉnh Quảng Bình vào cuộc làm rõ những người có liên quan thì ít nhất, đã có 16 kiểm lâm và cán bộ quản lý rừng Quốc gia bị xử lý, kỷ luật. Trong đó, có ông Nguyễn Văn Huyên – nguyên là PGĐ Vườn Quốc gia cùng hai ông Hoàng Văn Quế và Trần Đức Tiến – nguyên là trưởng và phó của trạm Kiểm lâm Mộ Trượng. Khi làm việc với chúng tôi, ông Đặng Đông Hà – PGĐ rừng Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cũng đã khẳng định: “Liên quan đến vụ việc này, đúng là có 16 cán bộ quản lý rừng và Kiểm lâm bị xử lý, kỷ luật, truy cứu trách nhiệm vì đã không làm đúng quy trình khi phát hiện ra gỗ”. Vậy không làm đúng quy trình ở đây là như thế nào? 3 cây gỗ sưa cổ thụ bị triệt hạ với khối lượng gỗ rất lớn như vậy đã được tẩu tán đi đâu hết trong khi 12 tên lâm tặc trực tiếp ra tay chặt sưa đã bị bắt và truy tố hình sự?

Đề cập tới trách nhiệm cũng như nguyên nhân việc rừng Quốc gia liên tục bị “xẻ thịt” trong thời gian qua, ông Hà đã thẳng thắn nhận trách nhiệm: “Đúng là thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng Ban quản lý chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc nắm bắt thông tin còn chậm, xử lý các điểm nóng chưa kịp thời. Ngoài ra, năng lực điều hành cũng như công tác tổ chức, quản lý, tuần tra kiểm soát chưa cao”. Còn về nguyên nhân, chúng tôi vẫn nhận được những câu trả lời chung chung, đại khái từ ông PGĐ như: “Do lực lượng quản lý, bảo vệ rừng còn quá mỏng trong khi địa bàn lại quá rộng; do giá trị kinh tế của những loại gỗ này cao nên bọn lâm tặc hoạt động mạnh, tinh vi; địa hình ở đây chủ yếu là núi đá hiểm trở gây khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát…”.

Rừng Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có diện tích 123 nghìn ha, giáp danh với 16 xã vùng đệm xung quanh. Lực lượng Kiểm lâm bảo vệ rừng là 125 người với 10 trạm và một đội cơ động. Ở mỗi xã vùng đệm có từ 3 – 4 nhóm thôn bản, mỗi nhóm có 10 – 12 người cộng tác viên của rừng tham gia công tác quản lý và bảo vệ rừng. Chỉ làm một phép tính đơn giản thôi, với khoảng 650 người cộng tác viên của rừng ở 16 xã và 125 cán bộ Kiểm lâm thì đội ngũ tham gia công tác quản lý và bảo vệ rừng Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng còn “mỏng” nữa không khi mà lực lượng đó lên đến gần 900 người?! Và nếu như vẫn đang còn “mỏng” theo như cách nói của ông Đặng Đông Hà thì tại sao Ban quản lý rừng không có đề xuất lên các cấp, các ngành liên quan để được hỗ trợ thêm, tránh tình trạng lâm tặc công nhiên “chọc tiết” di sản xảy ra liên tục như thời gian qua?

Với hàng trăm nghìn lý do khác nhau, nhưng xét cho kỹ thì cũng chỉ là cách ngụy biện để che lấp những “lỗ hổng” trong khâu quản lý và bảo vệ của Ban quản lý rừng Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Để rồi nguồn Di sản thế giới liên tục bị xâm phạm và biến thành “của riêng”. Có người còn cho rằng, có thể những cán bộ kiểm lâm biết sai phạm nhưng vẫn bật đèn xanh hoặc bắt tay cùng lâm tặc để trục lợi. Bởi chế tài xử lý còn quá nhẹ, cùng lắm là nhắc nhở kỷ luật, cách chức, thậm chí họ dám “cởi áo ngành” về làm dân vì cám dỗ về tiền bạc, lợi nhuận của gỗ sưa, gỗ trầm là rất lớn. Lâm tặc qua mặt lực lượng chức năng để khai thác, tẩu tán lượng gỗ quý từ rừng Quốc gia ra ngoài là rất khó. Thế nhưng, câu chuyện “voi chui lọt lỗ kim” vẫn đang diễn ra liên tục trong suốt thời gian qua đó thôi!

Phải chăng, đã đến lúc UBND tỉnh Quảng Bình, Ban quản lý rừng Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và các ban ngành liên quan cần phải thắt chặt, phát hiện và xử lý những “lỗ hổng” trong khâu quản lý. Bên cạnh đó, cũng cần “thanh lọc” đội ngũ cán bộ quản lý và bảo vệ rừng một lần nữa, có như vậy mới đảm bảo rằng rừng Quốc gia sẽ không còn bị “xẻ thịt” thêm lần nào nữa.