Cuộc chiến với những… con đập

ThienNhien.Net – Nỗ lực góp sức vào chiến dịch ngăn chặn xây dựng hai con đập lớn tại nơi sinh sống của gần 10.000 người dân bản địa tại khu vực Amazon ở Peru, nhà hoạt động Ruth Buendia, 37 tuổi, người Peru, đã được giải thưởng Goldman Environmental Prize 2014 vinh danh.

Tuổi thơ của Buendia đã trải qua những năm tháng khó khăn. Vào những năm 1980 và 1990, trong khi bạn cùng trang lứa còn ngồi trên giảng đường, thì phần lớn thời thơ ấu Buendia di chuyển như con thoi giữa ngôi làng nơi cô sinh ra Cutivireni, thị trấn Satipo và thủ đô Lima, bởi cuộc nội chiến kéo dài hai thập kỷ ở Peru đã tàn phá cộng đồng của Buendia và giết chết cha cô khi cô mới 12 tuổi. Cho đến khi 25 tuổi, Buendia vẫn chưa hoàn thành chương trình trung học.

Buendia và các con tới thăm cộng đồng người Meteni ở Rio Ene, Peru (Ảnh: theatlantic.com)
Buendia và các con tới thăm cộng đồng người Meteni ở Rio Ene, Peru (Ảnh: theatlantic.com)

Buendia vinh dự là nữ chủ tịch đầu tiên của CARE, một tổ chức đại diện cho khoảng 10.000 người bản địa Ashaninka sống dọc theo bờ sông EneRiver thuộc vùng Amazon ở Peru. Và “biệt tài” của cô là ngăn chặn việc xây dựng các đập thủy điện lớn, thứ mà cô tin chắc rằng sẽ phá hủy các vùng đất bao năm nay người Ashaninka vẫn sinh sống và khiến họ phải di dời. Buendia đã miêu tả đó là một mối đe dọa như “khủng bố kinh tế”, ám chỉ nó cũng như khủng bố vũ trang mà cô đã trải qua trong cuộc nội chiến.

Buendia hiện đang tiến hành vụ kiện liên quan đến việc các công ty của Brazil tiến hành xây dựng hai con đập Pakitzapango và Tambo-40 ở khu vực sông Ene River theo thỏa thuận với giới chức Peru. Đây là một phần trong thỏa thuận năng lượng 50 năm được ký giữa Peru và Brazil vào năm 2010. Kế hoạch này cho phép các công ty Brazil xây dựng những con đập ở khu vực rừng nhiệt đới Amazon ở Peru và công suất lên tới 7.200 megawat.

Khi dự án được công bố, giới chức Peru đã đưa ra nhiều lợi ích mà việc xây dựng đập thủy điện mang lại. Theo đó, các công ty Brazil có thể sẽ đầu tư mạnh vào lĩnh vực điện năng, tạo hàng trăm nghìn công ăn việc làm cho người dân bản địa và quan trọng là người dân ở khu vực nông thôn được sử dụng năng lượng với giá thành giảm nhiều so với trước. Nhưng Buendia cho biết, theo thỏa thuận được ký kết, hầu hết điện năng sản xuất được sẽ xuất khẩu sang Brazil. Trong khi đó, các nhóm bảo tồn đã cảnh báo, người Ashaninka sẽ phải chịu những tác động nghiêm trọng về môi trường và xã hội do các dự án thủy điện gây ra. Việc xây dựng các đập thủy điện có thể làm ngập các khu rừng xung quanh, đe dọa chất lượng nước, gây nguy hiểm cho đa dạng sinh học, làm tuyệt chủng nhiều quần thể cá và buộc người Ashaninka phải di dời.

Trên thực tế, việc xây dựng các con đập thủy điện ở khu vực Amazon thuộc Nam Mỹ từ lâu đã bị phản đối do lo ngại nó sẽ gây ra những hiểm họa môi trường nghiêm trọng. Cuối năm 2012, Chính phủ Brazil đã phải dừng việc xây dựng đập thủy điện Belo Monte, vốn dự kiến là con đập lớn thứ ba thế giới. Công trình có tổng chi phí xây dựng ước tính 13 tỷ USD và dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ đạt công suất 11.200 megawatt (MW) này lâu nay đã vấp phải sự phản đối của người dân địa phương cũng như các tổ chức môi trường và nhân quyền trên thế giới. Các ý kiến phản đối cho rằng, đập Belo Monte sẽ là một thảm họa sinh thái và xã hội bởi nó sẽ hủy diệt môi trường sinh thái ở khu vực Amazon. Ít nhất 20.000 người sẽ rơi vào cảnh mất nhà cửa và phải di dời. Con đập khổng lồ này cũng sẽ làm ngập ít nhất 668km2 đất, trong đó có gần 500km2 là diện tích rừng nguyên sinh Amazon, một trong những lá phổi xanh cực kỳ quan trọng đối với cả môi trường thế giới.

Trở lại với việc xây đập thủy điện ở Peru, tất nhiên Buendia không nói suông. Bằng công nghệ mô phỏng trên máy tính, Buendia đã cho thấy hình ảnh những con đập sẽ làm thung lũng EneRiver chìm trong nước. Và hệ quả kéo theo thì không dễ chịu chút nào.

Các quan chức chính quyền vẫn luôn khẳng định, các đập thủy điện sẽ cung cấp nguồn điện sạch, ít khí thải nhà kính và đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng và môi trường khẳng định thủy điện trên thực tế không sạch như nhiều người lầm tưởng. Thứ nhất, các hồ chứa thủy điện xả ra một lượng lớn khí CO2 và khí mê-tan (gây hiệu ứng nhà kính gấp 25 lần CO2) do cây rừng ngập trong nước bị phân hủy. Viện Nghiên cứu Amazon quốc gia ở Brazil ước tính trong mười năm đầu, đập Belo Monte sẽ thải ra môi trường 112 triệu tấn CO2. Một nghiên cứu từ năm 1990 cho thấy, đập Curua-Una cũng ở Brazil xả khí thải CO2 nhiều gấp 3,5 lần một nhà máy điện chạy dầu. Đó là chưa kể, các con đập thủy điện không chỉ cung cấp điện cho các hộ gia đình mà còn cho cả những ngành công nghiệp tiêu tốn năng lượng như khai thác mỏ và luyện nhôm. Sẽ có thêm nhiều nhà máy nhôm và kim loại mọc lên, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều khoảng rừng bị phá hủy, nhiều cộng đồng dân cư lâm vào cảnh mất nhà cửa.

Dù vậy, Buendia cho biết, đối với cô, bản thân những con đập không phải là bất hợp pháp, nhưng điều quan trọng là nhà chức trách đầu tiên phải bảo đảm có được sự thỏa thuận của cộng đồng dân cư về cách thức và tiến trình tiến hành dự án, nếu có căn cứ để phải làm. Thực tế là cho đến nay, nhà chức trách Peru rất ít khi tiến hành “tham vấn trước” với cộng đồng dân cư địa phương đối với việc tiến hành các dự án khai thác thiên nhiên. Chính vì thế, Buendia đã nộp đơn lên tòa án Peru đồng thời đưa các vấn đề này ra những ủy ban hay những tổ chức có liên quan, như Ủy ban liên Mỹ về quyền con người. Bằng cách này, cô đã gây sức ép cho các chính khách Peru và các công ty Brazil để ngăn chặn việc xây dựng hai con đập Pakitzapango và Tambo-40, ít nhất là vào thời điểm này. “Họ nghĩ rằng, chúng tôi sẽ đập cửa kính và phản đối như tại Congga, nhưng chúng tôi không làm thế”, Buendia nói với tờ The New York Times năm 2012, khi đề cập đến các cuộc biểu tình dữ dội ở miền Bắc Peru chống lại dự án khai thác mỏ vàng. “Cũng như họ dùng văn bản pháp luật với chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ làm thế”, cô nói. Buendia nhấn mạnh rằng, cô dựa vào luật pháp – cụ thể là một hiệp ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Peru đã phê chuẩn vào năm 1994 và luật pháp quốc gia nước này thông qua vào năm 2011. Cả hai đều yêu cầu chính phủ phải tham khảo ý kiến với cộng đồng dân cư bản địa trước khi đưa ra các dự án phát triển cơ sở hạ tầng hoặc quyền đặc nhượng khai mỏ có thể ảnh hưởng tới họ.

Thủ tục pháp lý bao giờ cũng thất thường, phức tạp và kéo dài. “Chúng tôi vẫn đang đợi”, Buendia nói về vụ kiện. Và trong khi chờ đợi tiến trình pháp lý, ngày 29-4 vừa qua, người mẹ 5 con đã nhận được giải thưởng môi trường danh giá Goldman Environmental Prize cho những nỗ lực của mình trong những cuộc “đấu tay đôi” với những con đập.