Lúa khát!

ThienNhien.Net – Chưa bước vào cao điểm nắng gắt nhưng hàng trăm ha ruộng lúa ở Phú Yên đang chết khát vì thiếu nước tưới.

Ruộng khô, lúa héo

Ruộng lúa ở xứ đồng Hốc Minh, đồng Giăng, Giếng Ao của xã An Nghiệp (huyện Tuy An, Phú Yên) đang thiếu nước trầm trọng, nhiều nông dân trần mình giữa nắng nóng tìm kiếm nguồn nước tưới lúa. Ông Trần Văn Thân, một người dân ở đây cho biết: “Gia đình có 2 sào lúa, cả tháng nay trời không mưa, lúa thì đang vào giai đoạn làm đòng, trổ bông có nguy cơ quên trổ vì thiếu nước. Những ngày qua, gia đình thay phiên nhau ra chặn suối bơm nước. Bơm riết suối khô nên vét giếng dưới suối bơm cũng không đủ nước. Còn nước trong ao cũng đã sạch, giờ không còn giọt nào”.

Tại cánh đồng Phần Muồn, Cây Khê, Cửa Vạn cũng của xã An Nghiệp, nông dân bỏ tiền khoan 27 giếng, thế nhưng vẫn không đủ nước tưới. Bà Mai Thị Hơn than thở: “Lúa ở đây bây giờ không có nước tưới. Thuê công khoan giếng thì giếng bơm không được một ngày là khô vì nước ngầm đứt mạch. Bây giờ cầu có nước bơm tráng qua chân ruộng để có độ ẩm. Mấy năm trước lúa hè thu hạn đã đành, còn năm nay lúa đông xuân sắp đến cũng bị háp do khi trổ thiếu nước”.

Trên cánh đồng Ông Tấn thuộc xã An Định (Tuy An) hiện một số hộ có ruộng gần khu dân cư thì mua ống nhựa để nối tải nước từ các giếng trong nhà ra đồng cứu lúa. Số diện tích ở xa nước không đến, bà con mua “đầu bơm tống” (lực đẩy mạnh) mới đưa được nước đến ruộng. Một số bà con ra sức nạo vét ao, đào giếng vớt vát được phần nào hay phần nấy.

“Mấy năm trước tháng giêng (âm lịch) còn có vài cơn mưa. Năm nay, tiết Lập Xuân mùng 5 Tết (4/2) trời không có hột mưa nào, lúa bây giờ có đám đã héo, nắng kéo dài nửa tháng nữa coi như thả tay chấp nhận mất trắng”, nông dân Nguyễn Văn Tiến than thở.

Ruộng lúa ở xã Xuân Lãnh khô héo vì thiếu nước (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Ruộng lúa ở xã Xuân Lãnh khô héo vì thiếu nước (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Lúa ở xã An Xuân (Tuy An) có nguy cơ bị chết cháy vì thiếu nước tưới trầm trọng, nông dân trông mưa từng ngày. Bà Trương Thị Bích ở xã An Xuân nhìn đám lúa gần 70 ngày tuổi ngậm ngùi: “Trồng lúa ở đây hoàn toàn dựa vào nước trời nhưng từ Tết đến nay trời không mưa, lúa đang tròn mình không có nước tử đòng hết. Không phải riêng tôi mà cả cánh đồng này không có đám nào mà không bị khô hạn”.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, hiện có trên 150 ha lúa đông xuân bị khô hạn và 418 ha lúa có nguy cơ khô hạn, tập trung ở các xã An Nghiệp, An Định, An Chấn, An Mỹ, An Hiệp. Trước tình trạng nắng hạn kéo dài, ngành nông nghiệp kiến nghị UBND huyện Tuy An hỗ trợ 57 triệu đồng để mua nhiên liệu, khoan giếng, lắp đặt hệ thống điện phục vụ công việc bơm tưới, tuy nhiên lo ngại nhất là thiếu nguồn nước.

Theo ông Trần Sáu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, trước hết các địa phương phải tiết kiệm nước, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống ao, giếng đào, giếng khoan, đập dâng và kênh dẫn để sử dụng nước hợp lý. Thành lập ban chỉ đạo chống hạn ở xã, HTX phối hợp với các đơn vị quản lý thủy nông để điều phối nước.

Gặt lúa cho bò ăn

Hạn hán đến sớm cũng làm cho 90 ha lúa ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) bị khô cháy. Đang cắt đám lúa gánh về cho bò ăn, ông Trần Giáp ở thôn Lãnh Cao ngậm ngùi: “Nhà tôi chỉ có đám lúa rộng 2 sào này thôi, nắng hạn khô cháy hết đành phải cắt về cho bò ăn”.

Cầm trên tay bó lúa le que vài gié ngắn ngủn, ông Nguyễn Văn Sang ở thôn Lãnh Vân than vãn: “Làm ruộng ở đây chỉ cầu trời chờ mưa, năm nay mùa khô đến sớm quá nên lúa mất trắng. Năm trước đám ruộng gần 3 sào của tôi gặt gần cả tấn, nay không quá 3 bao lúa lửng (không chắc hạt)”.

Trên cánh đồng thôn Lãnh Vân, đám lúa của ông Bạch Dư “đẹp” nhất đồng, chiều cao cây vượt trội, lá to; thế nhưng dưới chân ruộng khô trắng. Ông buồn bã: Làm lúa ở đây kiếm hột ăn, tôi đầu tư giống mới, phân bón chăm sóc lúa tốt, khi lúa gần trổ đòng trong ruộng không còn nước, nay mai nai lưng cắt về cho bò ăn thôi.

Ông Nguyễn Văn Tri, Phó phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho hay: Ở đây nông dân sản xuất 2 vụ lúa/năm. Vụ hè thu là vụ chính, còn vụ đông xuân sớm là vụ phụ (nông dân tự gieo trồng không nằm trong lịch thời vụ), thế nhưng thường vụ đông xuân này là được mùa hơn. Năm nay nắng hạn sớm đến bất ngờ, sông Hà Nhao cạn nước. Trong khi đó, địa hình đồi dốc phức tạp không có đập dâng cũng không có công trình thủy lợi tìm ra nguồn nước để chống hạn.

Bà Đặng Thị Lành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết: “Năm nay thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn kéo dài, ruộng lúa lại nằm trên vùng cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng cho phù hợp chân đất để tránh thiệt hại về kinh tế”.