Cộng đồng kinh tế ASEAN: Thách thức cho nông lâm nghiệp

ThienNhien.Net – Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự định sẽ thiết lập cộng đồng kinh tế vào cuối năm nay. Mặc dù các quốc gia ASEAN đã áp dụng một số biện pháp chuẩn bị thúc đẩy quá trình hội nhập, song việc thực thi chính sách, pháp luật liên quan tới nông nghiệp, lâm nghiệp và nông lâm kết hợp trong khu vực vẫn còn chậm trễ.

Điều này đe dọa cuộc sống của hàng triệu người, an ninh môi trường cũng như năng lực ứng phó biến đổi khí hậu của các quốc gia trong khu vực. Nông, lâm nghiệp và chuỗi cung ứng lương thực của ASEAN sẽ đối mặt với những thách thức gì và khắc phục ra sao là những gì được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Mạng lưới Lâm nghiệp Xã hội ASEAN lần thứ 6 diễn ra tại Myanma hồi tháng 6.

Hội nhập và thách thức

Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community: AEC) là một khối kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN dự định sẽ được thành lập vào cuối năm nay. Theo đó, các quốc gia ASEAN sẽ tiến hành mở cửa thương mại, đầu tư và thị trường lao động với sự hỗ trợ của một hệ thống giao thông được cải thiện nhắm đến tận những vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh vốn là nơi sinh sống của hàng triệu dân bản địa, nghèo, canh tác nhỏ lẻ.

Các mục tiêu tăng trưởng kinh tế ASEAN đang tập trung theo đuổi ảnh hưởng tới 3,4 triệu ha rừng và đất canh tác nông nghiệp của khu vực dường như vẫn chưa được tính toán hết. Trong khi đó, diện tích đất này không chỉ là nguồn sinh kế chính của người dân địa phương mà còn là nguồn đóng góp chính cho GDP quốc gia.

Trên thực tế, kinh nghiệm của nhiều khu vực khác trên thế giới cho thấy mất rừng, độc canh ở quy mô thương mại, khai thác tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường và mất khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ tạo ta một “cơn bão hoàn hảo” không chỉ đe dọa một khu vực mà cả toàn cầu.

“Hội nhập kinh tế ASEAN sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu dân, trong khi ngân sách của các chính phủ chủ yếu dựa vào nông lâm nghiệp. Do đó chúng ta cần thay đổi cách nghĩ cũng như hành động; đồng thời áp dụng những chính sách tích hợp mới mẻ có hiệu quả và tính thực thi cao. Nguy cơ thiếu lương thực trong khu vực vẫn tồn tại và hậu quả của nó là rất nghiêm trọng”. – Phát biểu bên lề Hội nghị Mạng lưới Lâm nghiệp xã hội ASEAN lần thứ 6, Tiến sĩ Delia Catacutan cố vấn cấp cao của Trung tâm Nông lâm Thế giới tại Việt Nam đã khẳng định.

Ảnh minh họa: PanNature
Ảnh minh họa: PanNature

Theo nhận xét của ông Ramon Razal, Đại học Los Baños Philippines, người đã tiến hành nghiên cứu đánh giá về sự đáp ứng với hội nhập của ngành lâm nghiệp, thì có sự khác biệt trong nhận thức và sự chuẩn bị giữa các ngành và các quốc gia. Việt Nam được ông Ramon làm dẫn chứng điển hình. Theo đó, ông cho rằng hiểu biết về Cộng đồng Kinh tế ASEAN của người dân Việt Nam còn rất hạn chế, ngay cả ở các cán bộ trong ngành lâm nghiệp.

Ngoài ra, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được đánh giá là chưa giải quyết triệt để các vấn đề xuyên biên giới như khói bụi do cháy rừng, buôn bán trái phép sản vật rừng. Ông Ramon cũng nhấn mạnh cần thực thi luật pháp nghiêm khắc hơn, đồng thời cần thiết lập một cơ chế giải quyết xung đột chung cho toàn khu vực.

Thống kê cho thấy, ASEAN có khoảng 4,4 triệu ha đất và 617 triệu dân với tốc độ dân số tăng 1,3%/năm. Đất nông nghiệp chiếm 1,26 triệu ha tương đương 29,4% và đất lâm nghiệp chiếm 2,14 triệu ha tương đương khoảng 50%. Do đó, không ngạc nhiên khi nguồn sinh kế chính của người dân địa phương là từ nông nghiệp và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Như vậy, với mức tăng trưởng GDP của 10 quốc gia là 5,7%/năm, chúng ta có thể tưởng tượng mức khai thác tài nguyên phải lớn tới mức nào để có thể đạt được tốc độ tăng trưởng này?

Liệu ASEAN có giải quyết được những thách thức

Cũng phát biểu tại Hội nghị nói trên, Tiến sĩ Catacutan khẳng định ASEAN sẽ rất khó giải quyết những thách thức này. Theo Tiến sĩ, kết quả nghiên cứu về hiệu quả quản trị của 25 quốc gia chiếm 95% lượng phát thải từ rừng trong suốt giai đoạn 1990-2005 cho thấy chỉ có 2 thành viên ASEAN là Malaysia và Philippines lọt vào danh sách 6 nước hiệu quả nhất; Indonesia đứng thứ 9 nhưng cũng bị xếp thứ 2 trong danh sách những nước có mức phát thải cao do phá rừng; Campuchia xếp thứ 19 và Myanmar xếp thứ 24.

Cũng theo TS. Catacutan, việc phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực một mặt giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập từ nông lâm nghiệp do giảm được chi phí vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm, và giảm bớt thất thoát sau thu hoạch. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến hệ sinh thái như gây phân tán và mất môi trường sống và sâu sa hơn là khuyến khích người dân tới định cư và chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp.

Điều này đã và đang xảy ra ở quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong khối ASEAN là Lào, nơi có mạng lưới giao thông chằng chịt cả những tuyến cũ và mới nối liền với Thái Lan ở phía tây, với Trung Quốc và Việt Nam ở hai phía bắc và đông, Campuchia ở phía Nam. Những con đường này không chỉ mở cửa khu rừng nguyên sinh cho các hoạt động khai thác lâm sản bất hợp pháp mà còn gây ra những vấn đề xã hội tại cộng đồng dân cư mà nó đi qua.

Về vấn đề bảo tồn cảnh quan rừng cũng như duy trì sinh kế cho cộng đồng sống dựa vào rừng, trong bài chia sẻ của mình Tiến sĩ Grace Wong, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế cũng khẳng định: “Lợi ích cho các cộng đồng sẵn sàng tham gia quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là những hộ tham gia cơ chế toàn cầu “giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng đi kèm với bảo tồn rừng” (REDD+), gắn liền với quyền sử dụng đất. Điều này thực sự là một thách thức khi thể chế và việc thực thi pháp luật đất đai ở mỗi quốc gia ASEAN là khác nhau, đặc biệt là với vấn đề về hưởng dụng và sở hữu đất.

Tuy nhiên, ngoài những thách thức được nêu trên, các chuyên gia cũng bày tỏ tin tưởng vào những triển vọng tốt đẹp cho nông lâm nghiệp ASEAN khi AEC được thiết lập với sự hỗ trợ và đồng hành của các cơ quan như Cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Sĩ, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia, Liên minh Châu Âu, Cộng hòa Liên bang Đức, Chương trình Nghiên cứu CGIAR về Rừng và Cây trồng và các tổ chức phi chính phủ quốc tế với những dự án nghiên cứu, phát triển đang được tiến hành trên hầu hết các lĩnh vực. Ngoài ra, những mô hình thành công của những người nông dân với các phương thức canh tác mới giúp nâng cao năng suất và cải thiện thu nhập cũng được coi là một điểm mạnh.

Cuối cùng, tất cả các đại biểu tham dự hội nghị đều đồng tình rằng cần có các giải pháp mạnh mẽ và cấp thiết hơn để kết nối các chính phủ, cộng đồng và khu vực kinh tế tư nhân, cùng với đó là các chính sách rõ ràng ở cả tầm quốc gia và toàn ASEAN về việc thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào thỏa thuận lâm nghiệp, nông nghiệp và nông – lâm kết hợp với sự tham gia của hàng triệu chủ sở hữu nhỏ – những người bị tác động nhiều nhất từ thỏa thuận này.