Ba vấn đề cấp thiết của thuỷ sản miền Trung

Vừa qua, Đoàn công tác Bộ NN- PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình nuôi trồng thủy sản, diễn biến dịch bệnh tôm tại các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung bộ. Tham gia đoàn có đại diện Cục Nuôi trồng thủy sản, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Cục Thú y, Viện Nghiên cứu NTTS III, Trung tâm KNKN quốc gia…

Vấn đề đau đầu nhất hiện nay với các tỉnh ven biển miền Trung từ TT- Huế đến Ninh Thuận là sản lượng khai thác thủy sản giảm sút, tàu nằm bờ chiếm tới 40 – 60% do giá nhiên liệu tăng cao, tình hình nuôi trồng thủy sản không thuận, đặc biệt tình trạng tôm bị bệnh chết khá nhiều, ảnh hưởng đến đời sống ngư dân. Theo số liệu của Sở NN-PTNT các tỉnh trong khu vực, tỷ lệ tôm sú, tôm chân trắng nhiễm bệnh lên tới 622,3ha (chiếm 5,3% tổng diện tích nuôi). Tôm chết tập trung tại các tỉnh TT- Huế là 98,5ha, Quảng Nam 100ha, Quảng Ngãi 129,7ha, Bình Định 120ha, Phú Yên 160ha, Ninh Thuận 54,5ha…

Nguyên nhân tôm chết

Do ảnh hưởng của thời tiết năm nay lạnh hồi đầu năm làm tôm sinh trưởng chậm, mưa kéo dài, môi trường biến động có nhiều yếu tố bất lợi (thể hiện qua qua hàm lượng các chỉ tiêu môi trường COD, NH3, NO3, NO4, PO4, vượt quá ngưỡng cho phép; hàm lượng vi khuẩn và tảo độc xuất hiện cao…)làm phát sinh bệnh tôm. Đa số tôm bị bệnh trong khoảng 1,5-2 tháng tuổi, trong đó bệnh do môi trường chiếm 2,6%, bệnh virus đốm trắng chiếm 1,6% trên tổng diện tích thả nuôi.

Do môi trường vùng nuôi tôm lâu năm đã bị suy thoái, các sản phẩm thải của tôm tích tụ lâu ngày tiềm ẩn dưới nền đáy rất nhiều vi sinh vật gây bệnh (đối với vùng nuôi tôm sú khá phổ biến).

Con giống thả nuôi không đảm bảo chất lượng, công tác kiểm dịch còn hạn chế do thiếu kinh phí. Nhiều tỉnh đã có chính sách hỗ trợ tiền kiểm dịch giống cho nông dân nhưng do kinh phí địa phương còn hạn hẹp, phí kiểm dịch lại cao nên chỉ hỗ trợ kiểm dịch khoảng 10% số giống thả nuôi, còn lại đa số người dân không có tiền, thường trốn kiểm dịch dẫn tới dịch bệnh bộc phát khó kiểm soát.

Thiếu kinh phí cho dập dịch và xử lý môi trường sau dịch bệnh do ngành thuỷ sản chưa có chính sách hỗ trợ đối với tôm, cá bị bệnh cần phải xử lý tiêu huỷ. Theo quy định của Sở NN-PTNT khi các ao, đầm nuôi tôm bị bệnh cần phải đóng cống, dùng Clorin nồng độ cao (300ppm) để diệt vi trùng gây bệnh trong vòng 1 tuần, sau đó thải ra môi trường. Tuy nhiên, một số hộ dân khi ao, đầm nuôi tôm bị mắc bệnh đốm trắng nên không còn tiền mua hoá chất để tẩy trùng, diệt khuẩn trước khi thải ra môi trường mà lén lút tháo nước ao, đầm ra vào ban đêm.

Nuôi tôm chân trắng trên vùng đất cát mang lại hiệu quả kinh tế cho vùng đất cát ven biển miền Trung nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ: lây lan dịch bệnh, cạn kiệt nguồn nước ngọt, phá rừng phòng hộ chắn cát ven biển do một số hộ dân chỉ thấy lợi trước mắt, phát triển nuôi tôm trên cát không theo quy hoạch, tự ý đào ao nuôi tôm phá rừng phòng hộ, khai thác nguồn nước ngọt, cơ sở hạ tầng không đồng bộ, bạt lót đáy đầm mua loại rẻ tiền đến năm thứ hai đã bị rách, hỏng làm nước mặn trong ao nuôi tôm thẩm lậu ra xung quanh gây ô nhiễm.

Đầu tư cho hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản chưa đồng bộ, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển, nhất là hệ thống thuỷ lợi, hệ thống quản lý giống và môi trường. Đặc biệt là tỉnh Quảng Nam với diện tích nuôi tôm khá lớn 1.978ha (trong đó nuôi tôm sú là 1.353ha, nuôi tôm chân trắng là 625ha) nhưng người dân vẫn nuôi nhỏ lẻ dọc theo sông Trường Giang với chiều dài trên 100 km, chung nguồn nước cấp, nước thải là sông Trường Giang. Nếu tình hình cứ diễn ra như hiện nay chắc chắn vài năm sau bệnh dịch tôm sẽ phát triển, khó có thể lường hết được những thiệt hại.

Giải pháp khắc phục

Đứng trước khó khăn về sản xuất nuôi trồng thuỷ sản và tình hình bệnh tôm sú, tôm chân trắng, tôm hùm đang có chiều hướng phát triển ở các tỉnh Trung và Nam Trung bộ, Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng chỉ đạo:

Đối với sản xuất giống:

+ Các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung bộ có lợi thế về sản xuất giống nên phải ưu tiên đầu tư vốn xây dựng các trại sản xuất giống với quy mô lớn, đầu tư KHCN vào nghiên cứu ứng dụng sản xuất giống tôm, cá, nhuyễn thể…nhằm đa dạng hoá các đối tượng giống nuôi.

+ Trước mắt cần tập trung chỉ đạo quản lý chất lượng con giống tôm sú, tôm chân trắng. Các trại sản xuất giống trên trên địa bàn phải tuân thủ điều kiện sản xuất theo quy định hiện hành, tôm giống sản xuất ra phải được kiểm dịch, công bố chất lượng trước khi trung chuyển cho người nuôi.

Đối với nuôi tôm thương phẩm:

+ Chỉ đạo người dân phải tuân thủ thời vụ nuôi, không được thả giống sớm trước thời vụ.

+ Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, quản lý tốt môi trường vùng nuôi tôm. Khi phát hiện bệnh cần phải chỉ đạo quyết liệt khoanh vùng dập dịch, tiêu huỷ, khử trùng không để dịch bệnh lây lan. Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ có chính sách hỗ trợ kinh phí dự phòng hàng năm cho thú y để dập dịch bệnh, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất sau dịch bệnh…

+ Đa dạng hoá các đối tượng nuôi, chú trọng đến các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao như nuôi cá biển, ốc hương, tu hài, bào ngư, hải sâm, rong biển…theo quy mô công nghiệp, những vùng đất nuôi tôm không hiệu quả cần chuyển sang nuôi cá vược, ốc hương, cua biển…

+ Đối với con tôm hùm tại hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà đang có xu hướng giảm nuôi do người dân hết vốn sản xuất. Để tận dụng diện tích nuôi tôm hùm bỏ trống đề nghị Ngân hàng tiếp tục cho dân vay vốn chuyển đổi sang nuôi các đối tượng khác như ốc hương, cá biển, nhuyễn thể, rong biển…

+ Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, tiêu thụ thức ăn, chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn nhằm ngăn chặn những thức ăn kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn, tự ý nâng giá.

Các địa phương cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản cho phù hợp với thực tiễn sản xuất hiện nay, nhất là quy hoạch nuôi biển: Những tỉnh nào đã có quy hoạch cần rà soát lại nếu thấy chưa phù hợp thì phải điều chỉnh ngay. Những địa phương chưa có quy hoạch thì phải tiến hành quy hoạch gấp, tránh tình trạng dân nuôi tự phát.

Tổ chức quản lý sản xuất: Xây dựng các tổ hợp tác xã, tổ đội sản xuất áp dụng mô hình quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thuỷ sản, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, quản lý tốt môi trường vùng nuôi, không xả nước ra môi trường xung quanh, đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời giúp nhau tiêu thụ, đảm bảo giá hợp lý vào mùa thu hoạch rộ.