Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Cha Lo

ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, tỉnh Quảng Bình với tổng diện tích là 53.923 ha.

Phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung xây dựng bao gồm ranh giới hành chính của 6 xã thuộc huyện Minh Hóa là: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Phúc, Hồng Hóa và Hóa Tiến.

Dự báo đến năm 2020 quy mô dân số khoảng 20.500 người, dân số đô thị khoảng 11.000 người. Đến năm 2030 quy mô dân số khoảng 30.000 người, dân số đô thị khoảng 27.500 người.

Một góc Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo (Ảnh: Chinhphu.vn)
Một góc Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo (Ảnh: Chinhphu.vn)

Cấu trúc phát triển không gian của Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo (Khu kinh tế) phân thành 3 vùng: Vùng phát triển thương mại cửa khẩu và bảo tồn sinh thái rừng (gồm các xã Dân Hóa và Trọng Hóa); vùng phát triển công nghiệp dịch vụ và nông nghiệp (gồm các xã Hóa Thanh và Hóa Tiến); vùng sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp (gồm các xã Hóa Phúc và Hồng Hóa).

Về phân khu chức năng, khu phi thuế quan (quy mô khoảng 300 ha) nằm tiếp giáp với cửa khẩu Cha Lo, là cửa ngõ của Khu kinh tế và là vùng ưu tiên phát triển về thương mại dịch vụ cửa khẩu. Bố trí các chức năng thương mại dịch vụ và hậu cần cho xuất nhập khẩu, khu thương mại công nghiệp (miễn thuế) gắn kết với cửa khẩu chính.

Diện tích đất xây dựng đô thị và điểm dân cư tập trung của Khu kinh tế khoảng 2.060,05 ha, bao gồm 2 đô thị tại các xã Dân Hóa và xã Hóa Tiến-Hóa Thanh. Ngoài ra còn có 1 điểm dân cư tập trung (trung tâm cụm xã) nằm tại xã Hồng Hóa.

Về khu-cụm công nghiệp-dịch vụ, Quy hoạch nêu rõ, khu dịch vụ-thương mại được bố trí tại xã Dân Hóa, trên trục Quốc lộ 12A, quy mô 3,6 ha.

Cụm công nghiệp-dịch vụ-thương mại Bãi Dinh, quy mô khoảng 67 ha, là cụm công nghiệp-dịch vụ-thương mại tổng hợp đa ngành như: Lắp ráp; chế biến nông-lâm-thủy sản; hàng tiêu dùng: Dệt may, giày da, điện tử, điện lạnh cao cấp, thiết bị điện, đồ điện chất lượng cao; đóng gói, bao bì… Cho phép thực hiện các dự án kiểm soát được khả năng gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, cụm công nghiệp chủ yếu gồm: Chế biến nông-lâm sản, hàng tiêu dùng, dệt may, nhựa, giầy da, điện tử… quy mô 75 ha tại ngã ba Khe Ve. Khu dịch vụ-thương mại, quy mô khoảng 60,2 ha. Cụm công nghiệp phía Bắc đô thị Hóa Tiến với các ngành chủ yếu: Sửa chữa ô tô, lắp ráp, đóng gói, bao bì, hàng tiêu dùng, thiết bị văn phòng phẩm, dụng cụ thể thao… quy mô khoảng 50 ha. Hạn chế bố trí các ngành có khả năng gây ô nhiễm môi trường…